Minh Hạnh nhận giải Fukuoka: Một nhà thiết kế thì không thể nhìn mọi sự hời hợt

16/07/2015 06:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NTK Minh Hạnh vừa trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên nhận giải thưởng Fukuoka và là người Việt thứ hai nhận giải thưởng này sau GS Phan Huy Lê (năm 1996). Giải thưởng Fukuoka (Nhật Bản) tôn vinh những cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn và phát triển, sáng tạo sự đa dạng và độc đáo của văn hóa châu Á.

Biết NTK Minh Hạnh rất bận rộn, PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã nhờ nhà văn Lê Văn Nghĩa – chồng bà – sắp xếp cuộc trò chuyện sau đây.

* Giải thưởng Fukuoka rất danh giá, cảm xúc của bà sau một tuần nhận giải thưởng này như thế nào?

- Đầu tiên tôi rất bất ngờ, vì đây là một giải thưởng rất lớn. Toàn châu Á có 251 người được đề cử, Việt Nam có 25 người. Riêng GS Phan Huy Lê, cá nhân ông đề cử 5 người Việt. Chính vì có nhiều người của nhiều quốc gia được đề cử như vậy, nên sau một tuần nhận giải, tôi vẫn còn… bất ngờ. Tuy nhiên, công việc hàng ngày tôi vẫn phải làm, việc hiện giờ của tôi là thực hiện bộ sưu tập thời trang Xuân Hè 2016.


NTK Minh Hạnh

* Trước khi được vinh danh, bà có khi nào nghĩ mình sẽ nhận giải này?

- Những người từng đoạt giải Fukuoka đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn hóa của châu Á. Có hai người nhận vừa giải Fukuoka xong là nhận luôn giải Nobel Hòa Bình. Trong giới sáng tác, có những tên tuổi như: nhà văn Mạc Ngôn, đạo diễn Trương Nghệ Mưu… từng nhận giải này. Tôi không nghĩ mình sẽ nhận được giải Fukuoka, mà lại là NTK thời trang đầu tiên nữa chứ!

* Lý do nào giải thưởng Fukuoka đã chọn NTK Minh Hạnh trong 251 đề cử?

- Lý do họ nêu cụ thể, như sau: “Minh Hạnh là nhà thiết kế thời trang tiêu biểu cho Việt Nam. Căn cứ sự tìm hiểu sâu sắc nền văn hóa Việt Nam có nhiều dân tộc trong đất nước, bà sáng tạo ra các mẫu kiểu hiện đại dung hòa tà áo dài và vải dệt cũng như thêu tay của dân tộc thiểu số, bên cạnh đó bà xây dựng và tổ chức các buổi trình diễn thời trang và sự kiện văn hóa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế. Bà còn hoạt động tích cực trong việc đào tạo các nhà thiết kế thời trang trẻ và khai thác mở rộng thị trường để thúc đẩy sự phát triển ngành thời trang Việt, góp phần lớn cho việc tạo ra phong cách thời trang riêng của châu Á”.

* Để được giải thưởng Fukuoka đánh giá như vậy, có thể hiểu là những thiết kế của bà không đơn giản chỉ là thời trang?

- Trong quá trình đi tìm chất liệu vải cho những sáng tác của mình, tôi đã sống với người dân bản địa. Tôi cùng làm việc với họ một cách “đồng đẳng”, hiểu và cảm được văn hóa của các dân tộc. Nếu không hiểu và cảm được văn hóa nơi cung cấp nguyên liệu cho mình, thì các thiết kế sẽ rất hời hợt.


Hoa hậu Ngọc Hân trình diễn một mẫu thiết kế của Minh Hạnh

* Với thâm niên trong lĩnh vực thời trang, bà thấy ngành này của Việt Nam thế nào so với thế giới?

- Chúng ta hiện chưa có ngành công nghiệp thời trang. Chúng ta chỉ mới dừng lại ở gia công. Để có ngành công nghiệp thời trang, đầu tiên chúng ta phải chủ động về nguyên liệu. Mà, vải thì hiện nay chúng ta đa phần nhập từ nước ngoài. Khi vải phải nhập với rất nhiều loại thuế, thì không thể có giá thành cạnh tranh. Hiện, ngành dệt trong nước chưa thể sản xuất được loại vải chất lượng và có giá trị thẩm mỹ.

* Ngoài thiết kế, bà còn đào tạo các nhà thiết kế trẻ. Khi dạy học trò, bà thường nói những điều gì?

- NTK thường làm việc trong một dây chuyền rất căng thẳng, chứ không nhàn hạ lung linh như các show diễn. Do vậy, rất nhiều NTK trên thế giới đột quỵ khi còn trẻ. Tôi luôn nói với học trò của mình hãy nuôi đam mê, tự làm tất cả. Vì nhiều bạn trẻ tôi biết, các bạn muốn có danh xưng NTK nhưng lại đi thuê người khác làm cho mình. Những NTK hàng đầu thế giới không có bao nhiêu người, bởi nghề này không có đam mê thì không thể theo được. Đến cỡ tuổi như tôi cũng chỉ là NTK trẻ. Khi thành công, được ghi nhận có khi đã 70, 80 tuổi rồi.

Tính thích nghi của thời trang là yếu tố hàng đầu. Với thời tiết và tập tục như nước mình, tôi luôn dặn các học trò của tôi: với thời trang cho nữ, phải tính đến việc họ phải đi xe máy, làm việc, đi chợ và nấu ăn. Tính thích nghi thể hiện trong đời sống hàng ngày, đàn ông Việt đa số mang giày lười, vì người Việt vào nhà người khác phải cởi giày, mang giày cột dây rất bất tiện. Làm NTK phải biết quan sát chứ không thể nhìn mọi sự hời hợt được.

Giải thưởng Fukuoka có từ năm 1990, lần thứ 25 này, ngoài NTK Minh Hạnh, giải Fukuoka 2015 còn trao cho hai người, gồm: nhà sử học Thant Myint-U (Myanmar) và nhà xã hội - lịch sử học Ramachandra Guha (Ấn Độ).

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm