14/04/2023 12:33 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Chuyện sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của ca sĩ Minh Hằng và diễn viên Thu Trang thời gian gần đây đang nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng.
Ca sĩ Minh Hằng chia sẻ lý do cô chọn thực hiện IVF để sinh con là do có sức khỏe không tốt, bản thân lại mang gen thiếu máu di truyền Thalassemia... Chính ông xã doanh nhân là người đích thân pha thuốc và thực hiện tiêm kích trứng cho cô.
Vợ chồng Tiến Luật - Thu Trang cũng chia sẻ đã thực hiện hút trứng tại Thái Lan từ tháng 6/2022. Sắp tới cặp đôi sẽ thực hiện chuyển phôi vào cơ thể và sinh con. Đặc biệt, Thu Trang tiết lộ ông xã Tiến Luật là người trực tiếp tiêm kích trứng cho mình vì lịch trình làm việc của cô dày đặc, không thể đến bệnh viện thường xuyên. Ở lần đầu tiêm do chưa có kinh nghiệm nên Tiến Luật khiến Thu Trang bị chảy máu, nhưng những mũi tiêm sau thì dần có kinh nghiệm. Khoảng thời gian tự tiêm kích trứng đã mang đến cho cặp vợ chồng này nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Hình ảnh chồng Minh Hằng tự tiêm thuốc vào bụng vợ và những chia sẻ về chuyện tiêm kích trứng của Thu Trang khiến nhiều người suýt xoa ngưỡng mộ. Nhưng cũng không ít người thắc mắc rằng liệu việc tự tiêm kích trứng tại nhà này có tốt hay không? Và nên thực hiện nó như thế nào là đúng nhất?
Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM), tiêm kích trứng là một bước quan trọng trong hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) hoặc thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
Để có được trứng trội, nhiều trứng tốt, bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng phác đồ thuốc kích trứng dạng tiêm hoặc uống. Đây là thuốc nội tiết kích thích nang trứng dần trưởng thành, tác dụng giúp trứng phát triển khỏe mạnh đến giai đoạn trưởng thành, sau đó chín rồi rụng xuống.
Sau bước thăm khám và tiến hành các xét nghiệm ban đầu cần thiết, bác sĩ điều trị sẽ xác định được tình trạng sức khỏe, bệnh lý hiện tại của bệnh nhân, từ đó tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể.
Trả lời về vấn đề có nên tự tiêm kích trứng tại nhà hay không và nên tiêm như thế nào, PGS.TS.BS Lê Hoàng (GĐ Trung Tâm Hỗ trợ Sinh Sản - BV Đa Khoa Tâm Anh, Hà Nội) cho hay: "Việc các cặp vợ chồng tự tiêm thuốc ở nhà là rất tốt vì tất cả các loại thuốc đều có hướng dẫn sử dụng rõ ràng".
Tuy nhiên PGS.TS.BS Lê Hoàng nhấn mạnh cần phải lưu ý tiêm thuốc đúng ngày, đúng giờ và đủ liều lượng. Ví dụ ngày hôm trước tiêm vào 9h sáng thì hôm sau cũng cần tiêm đúng thời gian này. Làm như vậy có thể duy trì nồng độ thuốc đều đặn, như vậy sẽ giúp nang noãn phát triển tốt hơn. Ngược lại, nếu như tiêm trong khoảng thời gian chênh lệch lớn thì nồng độ thuốc bị giảm xuống, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển nang noãn của người mẹ. Nếu không may quên hoặc dùng thuốc chưa đủ liều lượng, bạn cần báo ngay cho bác sĩ để có sự điều chỉnh kịp thời.
Sau quá trình tiêm để kích thích phát triển của nhiều trứng trong buồng trứng. Khi những nang noãn đủ trưởng thành, bác sĩ sẽ làm thủ thuật, dùng kim hút đưa các tế bào trứng quý giá này ra ngoài để thụ tinh với tinh trùng trong môi trường đặc biệt.
Thủ thuật chọc hút trứng trong phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường không gây đau đớn, không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ như mọi người thường nghĩ. Quá trình chọc hút trứng diễn ra trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 phút và được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các biện pháp giảm đau hoặc tiền mê. Hầu hết mọi người có thể ra khỏi phòng thủ thuật và về nhà trong vòng 2 giờ sau khi chọc hút trứng, sau khi sức khỏe đã được ổn định.
Bác sĩ Mỹ Tú cũng lưu ý, tất cả các loại thuốc kích thích buồng trứng đều có hướng dẫn sử dụng đi kèm. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự mình kê đơn thuốc nhằm gia tăng khả năng thụ thai. Việc làm này chẳng những không đem lại hiệu quả như mong muốn mà còn có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
Nếu đang điều trị bệnh buộc phải sử dụng liên tục một loại thuốc nào, bạn cần báo cho bác sĩ trước khi dùng thuốc kích thích buồng trứng.
Ngoài ra, trong quá trình tiêm kích trứng, người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ trong thời gian uống/tiêm thuốc kích thích buồng trứng. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài như đau bụng lâm râm hoặc đau quặn vùng bụng dưới; căng chướng bụng quá mức, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, tiêu chảy, khó thở... bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra ngay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất