Milan-Napoli còn 2 ngày nữa: Ngày Gullit làm lu mờ Maradona

30/10/2008 15:25 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) -  Ngày 3/1/1988, đội đứng thứ 4 lúc đó Milan tiếp đội đứng đầu bảng và là ĐKVĐ Italia ở Napoli. Ruud chống lại Diego. Quyền lực mới chống lại quyền lực cũ. Chủ nhật ấy, cũng như chủ nhật này sau 20 năm, Ancelotti cũng sẽ có mặt trên sân, năm 1988, là cầu thủ, năm 2008, là HLV. Mục tiêu cuối cùng: chiến thắng và Scudetto.

Gullit đối đầu Maradona

Quả bóng vàng chống lại Vua bóng đá. Gullit chống Maradona. Milan của Berlusconi lúc ấy đang đứng 4 (16 điểm) và kém Napoli đến 5 điểm trên BXH nhưng đang đem đến một thứ bóng đá khác lạ trên đất Italia. Sacchi, mới đến San Siro từ Parma, đã làm nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong lối chơi khi áp dụng chiến thuật phòng ngự khu vực, triển khai lối đá tấn công mạnh mẽ với đầu tầu là tiền vệ Hà Lan được tậu với giá 11 tỉ lira (kỉ lục hồi ấy ở Serie A, tương đương với 6 triệu USD) và 2 nhân tố then chốt khác. Một người cũ, Virdis, vua phá lưới mùa 1986-87, mùa Napoli đoạt Scudetto, và một người mới, Donadoni, đến từ Atalanta. Van Basten, được mua với giá 4 tỉ lira từ Ajax, nghỉ gần hết giải vì chấn thương. Ngày ấy, trước vòng đầu tiên của năm mới 1988, cây bút huyền thoại Gianni Brera viết: “Napoli đem đến sự thuyết phục từ chất lượng của lối chơi, với sự chói sáng của Maradona, nhưng Milan đồng nghĩa với sự cống hiến của bóng đá tấn công. Xem Milan đá giống như xem một vở ballet”.

Đã 2 năm Napoli thống trị Serie A bằng những pha bóng huyền ảo của Maradona. Cho đến một ngày, Gullit xuất hiện và làn gió mới ở Serie A bắt đầu. Anh, người con gốc Suriname, có mái tóc xoăn dài rũ rượi cùng bộ ria mép đem lại cảm giác hoang dại mà những cô gái Italia rất ngưỡng mộ. đã gây sốc trong ngày ra mắt ở San Siro. Khi ai đó hỏi liệu có biết Rivera là ai không, tiền vệ người Hà Lan đã ngơ ngác đáp lại: “Rivera nào nhỉ?”. Nhưng rồi anh cũng biết Rivera có ý nghĩa thế nào với Milan, cũng như cho cả thế giới thấy anh sẽ là gì ở đó, ngay từ trận ra mắt trong màu áo mới với Pisa (ghi 1 bàn thắng). Triết lí của Berlusconi những năm đầu tiên làm chỉ Milan ấy rất đơn giản: “Milan cần những người đẹp trai và cao lớn, để đối phương phải sợ hãi ngay khi gặp chúng tôi từ đường hầm ra sân trước trận đấu”. Gullit, cao 1m86, có sức càn lướt dữ dội nhờ thể lực mạnh mẽ, và khả năng chơi bóng ở mọi vị trí đã hoàn toàn vượt trội so với dáng người mập mạp và chỉ cao 1m67 của Maradona. Trận đấu chưa diễn ra, Gullit đã thắng.
 
Milan sẽ buộc Napoli phải dừng bước chiến thắng?
 
Cũng không thể không thắng bởi vào thời điểm ấy, Maradona vừa mới trở về một ngày trước đó từ chuyến bay gần 2 vạn cây số từ Ý về nhà để đá Copa America với ĐT Argentina và rồi quay lại. Mệt mỏi và nhợt nhạt, số 10 của Napoli đã hoàn toàn im tiếng trong cả trận đấu, nhưng cũng kịp có đường chuyền như dọn cỗ để Careca mở tỉ số, trước khi Napoli, phụ thuộc quá nhiều vào đôi chân kì ảo của Maradona chìm trong bóng tối. Colombo, thiên thần tóc vàng của Milan, giờ là HLV đội thiếu niên của họ, san bằng tỉ số. Ancelotti chuyền bóng để Virdis ghi thêm bàn nữa. Gullit làm gần 8 vạn tifosi ở San Siro phát điên lên với một pha dốc bóng qua 3 hậu vệ và thủ môn Napoli cho bàn thứ 3, bàn đẹp nhất trận. Donadoni đóng lại chiến thắng đẹp đẽ cho Milan và thất bại đau đớn đến mức ngỡ ngàng của các nhà ĐKVĐ sau một đường chuyền của Ancelotti.
 

Từ lịch sử đến lịch sử

Thắng lợi ấy đã mở ra một cuộc đua vô cùng hấp dẫn cho đến tận những ngày cuối cùng của mùa giải. Trận lượt về ở San Paolo ngày 1/5/1988, họ cùng bằng điểm ở vị trí dẫn đầu. Chiều ấy, Maradona lại tỏa sáng, ghi bàn thắng mở tỉ số, nhưng vẫn thua Gullit trong cuộc đấu tay đôi của 2 số 10. Gullit vẫn sáng chói hơn tất cả với 2 đường chuyền thành bàn cho Virdis và đặc biệt là quả tạt quyết định cho Van Basten đóng lại trận đấu từ một pha phản công thần tốc. Napoli thua 2-3 và sau đó đầu hàng trong cuộc đua Scudetto. Maradona là vị thánh, nhưng quyền năng của anh không thể trường tồn. Gianni Brera viết: “Maradona không đủ. Gullit muôn năm”.

Trận đấu ấy là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Milan. Napoli trả lại món nợ đã vay ấy hồi tháng 11 năm đó (thắng 4-1, Maradona lại mở tỉ số), nhưng điều đó không có ý nghĩa gì với Milan nữa, bởi từ ấy, một Đại Milan trên tầm thế giới đã ra đời, với Scudetto, với những chiếc Cúp C1, Siêu Cúp châu Âu, Liên lục địa. Maradona ra đi năm 1991 và từ đó Napoli không còn siêu sao lớn nào đặt chân đến đó nữa. Gullit cắt đi bộ tóc và cạo đi bộ râu nổi tiếng khi chất quỷ (Diavolo, biệt danh Milan) trong lòng anh đã nguội lạnh để rồi rời San Siro năm 1995.

Nhưng Milan không ngừng sản sinh ra những tên tuổi lớn. Sau Gullit, Milan đã có Shevchenko và Kaka. Lavezzi gợi nhớ lại hình bóng Maradona ngày ấy, nhưng Napoli chưa lấy lại được vóc dáng thưở nào. Kaka đã trội hơn nhiều Gullit ngày ấy nhưng hoàn cảnh của Milan hai thời đại không khác nhau. Năm 1988 ấy cũng như năm 2008, Milan cũng cải tố, cũng phải dự ở Cúp UEFA. 20 năm sau, lại một trận Milan-Napoli ở hoàn cảnh gần như tương tự với những ngày tháng đã xa ấy.

Vĩ thanh

20 năm, Berlusconi vẫn là Berlusconi, mị dân, quyền lực và giàu có gấp bội, nhưng Milan đã thay đổi quá nhiều. Nhưng những trận đối đầu nam bắc giữa họ chưa bao giờ thiếu đi những bàn thắng và cảm xúc kể trận đầu tiên ở Milano ngày 2/10/1927, khi Milan thắng 5-1. Mùa trước, lại thêm 5 bàn nữa vào lưới Napoli trong chiến thắng 5-2, từ sự trở lại của Ronaldo (2 bàn), sự ra mắt ấn tượng của Pato ở tuổi 19. Chiến thắng ấy chỉ là ảo tưởng, vì sau đó Ronaldo chấn thương và chia tay Milan mãi mãi. Milan thua 1-3 ở San Paolo 4 tháng sau đó, khiến họ không được dự Champions League. Món nợ ấy sẽ phải được trả đêm chủ nhật này, khi hình bóng và nụ cười Gullit ẩn chứa trong dáng điệu Kaka và những pha đi bóng cắm đầu xuống đất của Lavezzi gợi nhớ Maradona.

Viết về một trận đấu và những con người đã qua 20 năm không phải là hoài cổ và chỉ sống bằng những kỉ niệm. Gợi nhớ lại quá khứ là để làm giàu thêm ý nghĩa của trận đấu hiện tại, tăng thêm niềm tự hào cho các tifosi về những năm tháng đã qua và tình yêu calcio hiện tại. Trong mỗi góc khuất tâm hồn các tifosi là những mảnh kí ức xa xăm.

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm