Góc Anh Ngọc: Khi Milan chỉ còn là cái tên

13/03/2014 08:59 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Khi cựu huyền thoại của Milan, George Weah, viết trên trang twitter của anh một câu đại ý rằng, các cầu thủ Milan bây giờ không xứng đáng với tên tuổi của đội, và họ thực ra chỉ nghĩ đến siêu xe và trò chơi điện tử, anh đã gây ra một cú sốc lớn đối với không chỉ các milanista. Đối với không ít người, lời phê bình của bậc đàn anh ấy quá nặng. Nhưng nếu những lời nói ấy có thể chạm đến sự ái nghề nghiệp của các cầu thủ Milan, để rồi từ đó họ đứng dậy, làm lại tất cả, bằng sức mạnh, sự đoàn kết và tự tin, Weah cần phải nói nặng hơn nữa.

Cảm giác của tôi khi trận đấu trên sân Vicente Calderon kết thúc rất "giản dị": nếu Milan đánh bại Atletico để lọt được vào vòng tứ kết, đấy là một điều kì diệu lớn lao. Còn nếu đội bóng của Simeone đi tiếp, chuyện đó quá bình thường, bởi họ mạnh hơn Milan nhiều. Làm thế nào để một đội bóng đang khủng hoảng phong độ và bản sắc trầm trọng, đang đứng thứ 10 Serie A lại có thể vượt qua được đội đang đứng thứ 2 ở Liga, một khi nó không biết ghi bàn và thậm chí không biết cả phòng ngự, khi mỗi lần ai đó bên phía Milan mất bóng là các tifosi lại lo ngay ngáy, trong khi lại thầm ước giá như Nesta, Gattuso hay những đồng đội một thuở vàng son của họ giờ vẫn chưa treo giày?

Nếu ai đó của Milan cảm thấy được an ủi, bởi ít ra họ đã làm đội chủ nhà lo lắng trong 25 phút của hiệp 1, với bàn gỡ hòa của Kaka và sau đó là những cơ hội ghi bàn thắng thứ 2 bị bỏ lỡ, thì những ấn tượng ấy quá ít, quá tội nghiệp. Bị giáng xuống mức trung bình ở Serie A mùa này và đã là một đứa con bị bỏ rơi ở Champions League trong mấy năm qua, Milan giờ chỉ còn là cái tên của chính họ.


Khoảnh khắc lóe sáng hiếm hoi của Milan trước Atletico

Bàn san bằng tỉ số của Kaka chỉ đơn giản là một đốm lửa lóe lên từ ngôi sao lớn đã từng cùng Milan làm nên những chiến thắng lẫy lừng rất nhiều năm về trước. Sau đấy không còn gì nữa. Milan chỉ chơi thực sự trong 25 phút sau khi bị dẫn trước ở Madrid, đã chơi hay trong một tiếng của trận lượt đi với Atletico ở San Siro, đã chơi xuất thần với một thái độ nhập cuộc sảng khoái và mạnh mẽ trong 80 phút của trận đấu với Juve và chơi không tồi ở Udine.

Nhưng họ không hề chiến thắng. Các đối thủ của họ đều đánh bại trong những khoảnh khắc mà Milan mất tập trung, mất bóng, mất cân bằng chiến thuật công-thủ, mất tự tin. Tóm lại, mất tất cả. Sự hăm hở vào cuộc và những đợt tấn công ào ạt lên phía trên rốt cục chỉ để đẹp mắt mà không đem đến hiệu quả nào hết, khi hàng thủ bảo vệ khung thành của Abbiati theo kiểu của những samurai bảo vệ danh dự bằng cách chống cự, rồi sau đó mổ bụng tự sát bằng những sai lầm nghiêm trọng theo kiểu chơi của những gã nghiệp dư.

Sự mất cân bằng cơ bản của Milan không chỉ ở sơ đồ 4-2-3-1 không đem đến cho đội sự an toàn cần thiết, mà ở triết lí chuyển nhượng của Galliani những năm qua: tiền đạo và tiền vệ phải "khủng", hoặc giỏi, nhưng hậu vệ thì không cần hàng xịn. Tóm lại, là phải luôn tấn công. Seedorf, khi mới tới San Siro, thậm chí đã nói đến bóng đá đẹp và hấp dẫn. Triết lí đúng kiểu Berlusconi ấy có thể thích hợp với quá khứ, nhưng chỉ khi Milan có những chân sút siêu khủng cỡ Weah, Shevchenko, Ibrahimovic... cùng lúc với việc hàng phòng ngự được đổ bê tông mác cao với những cái tên như Maldini, Nesta hay Thiago Silva.

Bây giờ, Milan có ai? Balotelli là một cầu thủ giỏi, nhưng thật là sai lầm khi nghĩ rằng, một mình anh có thể giải quyết mọi vấn đề của đội bóng (đôi khi anh có thể làm thế, nhưng trên thực tế, anh là tù nhân của chính mình). Kaka là một cầu thủ xuất sắc, là một trong hai cầu thủ chơi hay nhất trận (cùng Poli), với 48 lần chạm bóng, 3 cú sút, 2 cơ hội tạo ra và 1 bàn thắng, nhưng anh không còn là chính anh của năm 2007, khi xung quanh anh có cả một dàn hảo thủ. Còn ở hàng thủ là những ai? Khi những hậu vệ trình độ trung bình như Bonera hay Zaccardo có lúc trở thành không thể thay thế được cho hàng phòng ngự, Milan chẳng khác gì một con voi lớn đứng trên 4 chân bằng đất sét.

Vấn đề là tại sao người đồng nghiệp của Seedorf làm tốt hơn anh và có một đội bóng theo đúng nghĩa đen của từ ấy mà không phải chi nhiều như Milan mùa vừa rồi là điều mà đội bóng của Berlusconi cần tìm hiểu. Không khó để tìm ra câu trả lời: Atletico có một kế hoạch dài hạn, gắn với một HLV mà họ tin tưởng (Simeone), có một chính sách chuyển nhượng hợp lí và tiết kiệm. Milan thì không. Họ chi nhiều hơn Atletico, nhưng kết quả thì thật tệ.

Từ ba năm qua, đội bóng đã trải qua quá nhiều thay đổi lớn về chiến thuật, với việc đẩy đi Pirlo để đặt niềm tin vào Ibrahimovic, xây dựng anh ở vị trí của đỉnh cao nhất trong một trục dọc đầy sức mạnh nhưng không thiếu tính cơ động, để rồi sau đó phá đi tất cả bằng việc bán cả anh lẫn Thiago Silva để đánh cược vào El Shaarawy (giờ thì anh biến mất trong đội hình Milan và đội tuyển Ý vì những chấn thương, như là cái giá quá đắt cho việc bùng nổ nhanh chóng ở mùa trước như một ngôi sao băng), vào Balotelli (trận gặp Atletico, anh là một gã lười nhác, ích kỉ, ít di chuyển) và mùa này, Kaka. Trong ngần ấy năm, Milan thay đổi một loạt sơ đồ chiến thuật và dần dần đập hết các trụ cột trong xương sống chiến thuật, khiến đội mất điểm tựa. Thảm họa thành tích mùa này ở Serie A và Champions League là hậu quả của sự bất ổn về chiến thuật và con người ấy. Và hậu quả ấy dẫn theo nhiều hậu quả khác: mùa tới, có thể Milan sẽ không dự Cúp Châu Âu nào lần đầu tiên sau 15 năm. Không dự Cúp Châu Âu không khác gì cú đấm vào túi tiền của đội, khiến họ phải cắt giảm chi phí, lương bổng và bán đi không ít người.


Milan vẫn chưa biết sẽ đi về đâu

Tháng 5 này, tròn 25 năm ngày Milan của bộ ba "Hà Lan bay" đoạt chức vô địch C1 trên sân Camp Nou (hạ Steaua Bucarest 4-0), Milan của hiện tại sẽ gặm nhấm quá khứ một cách buồn thảm. Không ai biết, lúc ấy đội sẽ đứng ở đâu trên bảng xếp hạng Serie A, có được dự Europa League hay không và số phận của Seedorf sẽ như thế nào. Rất được Berlusconi yêu mến và đặt niềm tin, nhưng Seedorf đã không thành công trong bước khởi đầu u tối ở đội bóng anh từng gắn bó 10 năm (thua 6 trong 11 trận dẫn dắt).

Giờ đây, bóng tối bắt đầu bao phủ quanh anh. Người được kì vọng sẽ tạo ra một lực đẩy đối với Milan khi được gọi từ Brazil về đã cùng với đội bóng của anh lần lượt bị đánh văng khỏi từng mặt trận một, trong khi bây giờ mới chỉ là giữa tháng Ba, nghĩa là mùa bóng còn hai tháng nữa mới kết thúc. Ở Serie A, họ đã tụt xuống thứ 10, cách đội đứng thứ 5 và được dự Europa League 8 điểm. Ở Cúp Italy, họ đã bị Udinese hạ gục. Ở Champions League, chúng ta đã biết kết cục. Thật khó có thể tạo ra động lực đối với các cầu thủ và thúc đẩy họ chiến đấu hết mình cho Europa League, một mục tiêu mà Galliani luôn cho là "không xứng" với đẳng cấp của Milan. Nhưng thực ra, ngay cả một suất dự Cúp này Milan cũng khó với tới.

Không ngạc nhiên khi hôm qua, một tờ báo của Ý nhắc đến tên Filippo Inzaghi. Vì một sai lầm vô tình (hay cố tình?), mà trên trang web chính thức của Milan, tên của người hiện đang làm HLV đội thiếu niên Milan này lại được gọi "HLV chính" của Milan. Và cũng như một sự trùng lặp, cuối tuần này, Seedorf sẽ đối đầu với một cái tên HLV mà ở San Siro, các sếp của Milan cho là chưa xứng tầm với tên tuổi của đội, Donadoni. Thế nhưng, cựu tiền vệ thời hoàng kim của Milan, người đã từng cùng Milan giơ cao Cúp C1 năm 1989 ở Camp Nou, giờ đang hạnh phúc với Parma, đã đưa đội trải qua 15 trận bất bại, một kỉ lục của họ, và đang tràn đầy hy vọng dự Cúp Châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nữa ở San Siro cuối tuần này, một thất bại nữa cho Milan ư?

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm