16/01/2021 00:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980 và sau đó làm công tác giảng dạy mỹ thuật tại khoa kiến trúc của Đại học Xây dựng Hà Nội. Xuất phát điểm là một họa sĩ, Đỗ Phấn tự nhận mình là “tay ngang” khi đến với văn chương. Tay ngang, “vô sư vô sách” là vậy, đến nay, Đỗ Phấn cũng đã ghi dấu ấn đậm nét trên văn đàn văn chương Việt Nam đương đại với gần 30 đầu sách. Trong số đó, có thể kể đến Miên man phố lạ - tập truyện ngắn mới được xuất bản vào cuối năm 2020 của ông.
Xét về bản chất, Miên man phố lạ không phải tác phẩm mới nhất của Đỗ Phấn. Tập truyện là tuyển tập 21 truyện ngắn được tác giả hoàn thành rải rác trong những năm từ 2007 đến 2018. Liên kết duy nhất xuyên suốt 21 truyện ngắn này chính là những suy tư của người đàn ông trải đời, hay chính xác hơn, của họa sĩ giàu kinh nghiệm đi viết văn, về vô vàn thứ chuyện, nhưng không bao giờ tách rời khỏi chuyện đàn ông.
Từ những câu chuyện cũ
Hình ảnh phố thị và thị dân trong văn Đỗ Phấn được khai thác từ đa dạng những góc nhìn khác nhau: Đa dạng đàn ông, đa dạng đàn bà, đến ngay cả chú chó cũng có cái nhìn của con người để kể chuyện.
Công tâm mà nói, tập truyện ngắn này của Đỗ Phấn khó lòng hấp dẫn được lứa độc giả trẻ, khi mà ngày nay có vô vàn những câu chuyện giật gân, sốc, sex, sến xuất hiện trên mạng và chèn lên nhau theo từng giờ, từng phút. Guồng chảy quá nhanh và ồ ạt của mạng xã hội, của thị trường chuộng những câu chuyện trong phạm vi “thả thính”, gia đình, học đường, đấu tranh nội tâm, “tuesday”... đã cuốn phăng đi những tác phẩm lặng lẽ và những tác giả chọn cho mình con đường riêng. Và Miên man phố lạ của Đỗ Phấn là một trong số đó.
Truyện ngắn của Đỗ Phấn có lẽ chỉ thu hút những người già dặn, trải đời. Chuyện đời trong Miên man phố lạ là những người đàn bà 40 tuổi mà vẫn độc thân, là người đàn ông khuyết tật trông nom hồ cá, là đôi vợ chồng quan chức “ông ăn chả, bà ăn nem”, là tay họa sĩ nghiệp dư đốt cháy cả tài sản mình với ước mong có được tác phẩm để đời.
Táo bạo hơn, chuyện đời ấy còn thể hiện ở cả những thanh thiếu niên mới dậy thì bắt đầu biết đến những động chạm thẳm sâu vào cơ thể đối phương. Các con người ấy đều sống trong không gian cũ kỹ, xa lạ với đời sống ngày nay. Đô thị, nhưng thiếu vắng Internet và rất nhiều âm thanh điện tử; vùng núi cao tách biệt với đô thị xưa nay. Ở đó, chỉ có con người, với tất cả ham muốn trần tục.
Tất cả những khoảnh khắc, tình huống và câu chuyện rất đời ấy đều được Đỗ Phấn vẽ lại bằng ngôn từ với đầy đủ đường nét, sắc độ. Giống như cách người họa sĩ đưa nét bút, tạo hình khối, vẩy màu, lướt chỗ nọ, quệt chỗ kia để họa nên bức tranh cuộc sống, mỗi truyện ngắn của Đỗ Phấn, nếu muốn, đều có thể “chuyển thể” thành tranh được.
Truyện ngắn Miên man phố lạ sẽ kết thúc ở bức tranh chú chó lạc lõng lẫn vào màn đêm, và người phụ nữ lúng liếng trong tà váy đỏ ôm sát cơ thể lẩn khuất đâu đó giữa 6 triệu người sẽ là bức họa làm nên câu chuyện Cầu cho tôi không cầu mong gì cả.
Những câu chuyện trong Miên man phố lạ đều có cái kết mở, bản thân nội dung cũng tạo ra rất nhiều khoảng trống cho suy tư. Đây có lẽ chính là một trong những điểm đặc sắc làm nên văn chương của Đỗ Phấn. Ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn từ và hội họa, để từ đó, người đọc vừa có thể đọc truyện, lại vừa có thể xem tranh. Chắc chắn, bức tranh trong tưởng tượng mỗi người sẽ khác với bức tranh trong kỳ vọng của tác giả, nhưng chính điều đó mới làm nên một tác phẩm đáng thưởng thức. Bởi nếu mỗi lần đọc chỉ là một lần lần mò theo ý tưởng của người viết, thì người đọc có lẽ chỉ là những con khỉ không hơn.
Đến ông họa sĩ viết văn
Không quá khi cho rằng cả 21/21 tập truyện trong Miên man phố lạ của Đỗ Phấn đều đậm “vị đàn ông”, với hầu hết các nhân vật chính trong truyện đều mang giới tính nam. Ý thức, tình cảm, suy tưởng, mâu thuẫn, ham muốn... bao nhiêu tâm tư là bấy nhiều lần tiếng nói đàn ông được cất lên.
Nhưng Đỗ Phấn ít khi nào cho nhân vật của mình lên tiếng trực tiếp. Phần lớn là những lời dẫn nửa trực tiếp, nửa gián tiếp, hoặc độc thoại nội tâm. Hệ quả là, trong văn của Đỗ Phấn, ít khi nào âm thanh được bật ra rõ rệt.
Dường như khi viết văn, ông vẫn giữ nguyên tư duy và vị thế của một họa sĩ sáng tạo tác phẩm. Mọi hình thù, đường nét, màu sắc, thậm chí cả cảm giác và mùi vị, ở cấp độ vi tế nhất, đều được Đỗ Phấn chụp lấy và khắc họa cực kỳ thành công. Nhưng trong “bức tranh” Miên man phố lạ này, thật khó lòng để phát hiện ra một âm thanh sống động. Đến tiếng chó sủa cũng bị Đỗ Phấn “đóng đinh” vào một khung hình duy nhất.
Chỉ có duy nhất 1 lần, Đỗ Phấn để nhân vật của mình dõng dạc cất lời, đó là trong truyện ngắn ở cuối tập truyện: Nét bút loằng ngoằng trên da thịt. Truyện ngắn này được tác giả hoàn thành năm 2018, và cũng là câu chuyện mà tôi thích nhất trong tuyển tập 21 truyện. Nếu trong những câu chuyện trước đó, tình dục trở đi trở lại như một thứ ẩn ức khó lòng gạt bỏ trong tâm trí người nghệ sĩ, thì với Nét bút loằng ngoằng trên da thịt, Đỗ Phấn đã đi từ những động chạm, hoan lạc thể xác để đến với những suy tưởng sâu xa về hội họa, về sự nắm bắt cái “thần”, và về sự giao thoa của những tâm hồn xa lạ trong thời buổi mỗi ngày đều có quá nhiều đổi khác.
Thật khó để biết được Đỗ Phấn có gửi gắm phần nào bản thân trong những câu chuyện hay không, nhưng những truyện ngắn có nhân vật là họa sĩ của ông lại chính là những câu chuyện độc đáo, xuất sắc nhất đối với tôi.
Ở đó, bạn đọc vừa có thể trải nghiệm câu chuyện được kể, thỏa trí tưởng tưởng và suy luận lần mò cho ra các tầng ý nghĩa; vừa thấy được một nhà văn đang tỉ mẩn gõ lại ý tưởng xuất hiện trong đầu; nhưng cũng gặp gỡ cả người họa sĩ phải vật lộn lên xuống với nghề với hy vọng chạm đến ngôi nhà nghệ thuật (Tác phẩm để đời), lại gặp cả một anh chàng đã chạm đến cánh cửa vời vợi của nghệ thuật, để nhận ra không phải cứ gần gũi thịt da là gần gũi về tâm hồn. “Tưởng là giao lưu đụng chạm vào thịt da trực tiếp thế nhưng hoàn toàn giả tạo. Thậm chí vô cảm!”.
Xét đến cùng, Miên man phố lạ là một tập truyện ngắn đặc biệt. Nó cho ta biết về tác giả nhiều hơn về nội dung những câu chuyện nó bao hàm. Bởi những đề tài phố thị, dục vọng, đàn ông già cỗi, mối quan hệ thoáng qua, vật lộn với nghệ thuật... đều đã quá quen thuộc với những người yêu thích văn chương và quan tâm đến văn học Việt Nam đương đại.
Câu chuyện của Đỗ Phấn, vì thế, cũng không có nhiều điều mới mẻ. Nhưng sự khác biệt làm nên văn chương Đỗ Phấn lại nằm ở cách ông kể lại những câu chuyện cũ ấy, cách ông lựa chọn từng góc nhìn, nhấn nhá từng điểm màu, kể chuyện rất tự nhiên.
Vì thế, cái người đọc nhận được khi đọc Đỗ Phấn chính là trải nghiệm. Đọc Miên man phố lạ của Đỗ Phấn cũng giống như ta bước vào một căn phòng triển lãm nho nhỏ, ở nơi đó, mỗi truyện ngắn đều dẫn đến một bức tranh, và người đọc chỉ việc thong thả bước từng bước, nhẩn nha ngắm nhìn và thoải mái suy tư về những gì câu chuyện bức tranh ấy mở ra.
Trường Khanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất