(TT&VH) - Fabregas từng thú nhận anh cảm thấy bất lực khi chứng kiến Arsenal trắng tay hết mùa giải này đến mùa giải khác, dù không bao giờ ngừng mơ mộng, thèm khát và nỗ lực để giành lấy danh hiệu. Có lẽ, đó cũng là cảm giác của các đại gia châu Âu khi đứng trước mặt Real Madrid trên thị trường chuyển nhượng Hè 2009.
Real Madrid của Florentino Perez, với kế hoạch Galacticos lần thứ 2, không thể mua hết tất cả các ngôi sao trên toàn thế giới. Nhưng hầu như, họ có thể mua bất cứ ai nếu họ muốn và đến thời điểm này, Bernabeu đã trở thành đích đến của những siêu sao sáng giá nhất. Đầu tiên là ngôi sao số 1 Serie A, Kaka. Kế đến là cầu thủ xuất sắc nhất của Premier League, Cristiano Ronaldo. Đêm thứ Tư vừa rồi là Karim Benzema, gương mặt nổi bật nhất của Ligue 1. Trong thời gian ngắn tới có thể là siêu sao đạt đẳng cấp thế giới duy nhất của Bundesliga, Franck Ribery. Và sau đó, có lẽ những culé của Barca, vẫn chưa quên scandal Figo năm 2000, sẽ sống trong lo lắng về tương lai của Messi, nhiều khả năng sẽ đoạt mọi danh hiệu cao quý trong năm 2009
Kaka: Perez muốn là được!
Tính đến thời điểm này, Real Madrid đã ném ra TTCN 180 triệu bảng để tăng cường lực lượng, hơn 60 triệu bảng so với tổng số tiền mà 20 CLB Premier League đã chi ra và tất nhiên bỏ xa Serie A, Bundesliga hay Ligue 1. Tất nhiên lý do chính là các giải khác, các đại gia châu Âu chưa tăng tốc trên TTCN; nhưng riêng con số ấy (chắc chắn không phải là cuối cùng) đã phản ảnh sức mạnh lớn nhất của Real Madrid: tài chính. Sức mạnh tài chính của Real thể hiện qua 2 khía cạnh: phí chuyển nhượng và lương cho cầu thủ. Nổi bật nhất là ở vụ Ronaldo, phí chuyển nhượng kỷ lục (80 triệu bảng) và mức lương kỷ lục (ban đầu là 200 nghìn bảng/tuần sau thuế và đến năm cuối cùng của bản hợp đồng 6 năm thì lên đến 550 nghìn bảng/tuần sau thuế).
Không có đối thủ ngang hàng
Nhưng tài chính chưa phải phải là tất cả. Man City của người Ả rập đủ sức chạy đua với Real Madrid trong lĩnh vực này, từng được chứng minh qua vụ hỏi mua Kaka hồi mùa Đông vừa qua, nhưng một đội bóng đứng thứ 10 Premier League mùa trước không đủ tầm và đẳng cấp để thu hút những siêu sao sáng giá nhất. Chelsea của Abramovich cũng sẵn sàng chạy đua về tài chính, ít nhất trong vụ Kaka hay Ribery. Khác với Man City, Chelsea đã qua thời kỳ xây dựng nền móng và thường xuyên dự Champions League. Nhưng phong cách, lối chơi và truyền thống của Chelsea, nói thẳng ra là không quyến rũ bằng Real, do ảnh hưởng quá sâu đậm từ thời Mourinho, không thể mang lại những thứ hào nhoáng cho cầu thủ.
Ở vụ Benzema, M.U đã thất bại cho dù họ sẵn sàng trả phí chuyển nhượng cao hơn Real, cho dù họ giàu truyền thống, doanh thu tương đương với Real, lối chơi lại cống hiến và quyến rũ bậc nhất châu Âu. Lý do nằm ở đâu? Thứ nhất là sức mạnh quan hệ, khi Perez rất thân với Chủ tịch Lyon Jean-Michel Aulas, lại sở hữu lá bài Zidane. Thứ hai, dù chưa được tiết lộ cụ thể, Benzema sẽ kiếm nhiều tiền ở Tây Ban Nha (thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 24%) hơn là ở Anh (thuế thu nhập lên đến 50%).
M.U, Chelsea và Man City là 3 đại diện nổi trội nhất của Premier League trên thị trường chuyển nhượng. Serie A có Juve, Milan và Inter, nhưng vì sự suy yếu chung của giải đấu, không ai trong số họ có ý định lao vào những cuộc chạy đua về tiền bạc, thậm chí giữ được các cầu thủ tốt đã là may mắn lắm rồi. Xét trên bình diện toàn châu Âu, chỉ có Barca mới có gần đủ những yếu tố cần thiết để làm đối trọng với Real trên TTCN. Nhưng vấn đề của Barca nằm ở chính sách đội bóng. Họ có thể đánh bại Real ở một mục tiêu nhất định, như vụ David Villa. Nhưng Barca không có chính sách ganh đua với Real ở mọi đối tượng. Một phần vì đội hình Barca hiện tại đã quá mạnh và chỉ thay đổi 1, 2 vị trí mà thôi. Phần khác, Barca không bao giờ xây dựng đội bóng bằng kế hoạch Galacticos và Chủ tịch Laporta của họ không có được "máu liều" như Real Madrid.
Tóm lại, cả châu Âu cảm thấy bất lực vì không ai hội tụ đủ mọi yếu tố cần thiết để được xem là đối thủ ngang hàng với Real. Không được xem là "đối thủ" thì đành làm... đối tác!
ĐỨC LỘC