(TT&VH Online) - Điều bực nhất của đạo diễn Michael Bay là trong khi siêu phẩm Transformers của ông tung hoành trên các rạp phim thế giới, được khán giả nô nức kéo nhau tới xem thì giới phê bình lại không đánh giá cao. Thậm chí nhiều người còn đánh giá sự nghiệp thành công của ông là do may mắn và gặp thời. Nhưng nếu nhìn nhận một cách công bằng thì may mắn chỉ là một phần, còn lại phần lớn là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ cả trong lẫn ngoài trường quay và những tính toán tài chính hết sức khôn ngoan của Michael Bay.
Nóng tính và thẳng thắn
Không chỉ nổi tiếng với những cảnh cháy nổ hoành tráng trên màn ảnh, Michael còn được biết như một đạo diễn hay nổi cơn thịnh nộ. Sự nóng tính và thẳng thắn của Bay tạo nên không ít mối thù địch. Một nam diễn viên phụ trong Trân Châu Cảng cho biết Bay từng chỉ trích gay gắt một nam diễn viên vì anh ta cho rằng cảnh tấn công Trân Châu Cảng là nực cười. Một trợ lý cho biết Bay từng giận một diễn viên phụ trong Transformers tới mức ông bắt anh này phải đứng vào góc tường. Nữ diễn viên Kate Beckinsale thì kể với các phóng viên rằng Bay khiến cô thấy mình thật xấu xí trên phim trường Trân Châu Cảng (tuy nhiên Bay phủ nhận điều này). Bay còn nổi tiếng vì những vụ tranh cãi với các ngôi sao trên trường quay, mà Bruce Willis, diễn viên phim Ngày tận thế (Armageddon) là một ví dụ. “Anh ta có xu hướng muốn làm đạo diễn và thay đổi lời thoại của các diễn viên” - Bay nói. Ông cũng thường phản ứng khi các nhà phê bình gọi phim của ông là “rẻ tiền”, “thiếu chất xám” hay “trục lợi".
Tiết kiệm từng xu
Michael Bay luôn cho ra các bộ phim đúng thời điểm và không lạm ngân sách, một điều hiếm có ở Hollywood. Vì số tiền Bay kiếm được phần lớn đến từ lợi nhuận làm phim (thường là một phần ba lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí sản xuất và quảng cáo) nên ông luôn muốn tiết kiệm chi phí một cách tối đa. “Bay làm lợi cho tôi vì ông đếm từng xu một”, Jerry Bruckheimer, người tham gia sản xuất năm phim của Michael Bay cho biết.
Michael Bay và Megan Fox
Bộ phim Transformers: Revenge of the Fallen mới đây của Michael Bay tiêu tốn 195 triệu đôla. Nhưng Bay ước tính bộ phim có thể tốn kém hơn nhiều nếu ông không bắt tay với hãng xe General Motors và quân đội Mỹ để được sử dụng ô tô, trực thăng và tàu chiến miễn phí. Nhờ biết kiểm soát sao cho chi phí làm phim Transformers (2007) dừng lại ở mức tương đối thấp (với một bộ phim bom tấn), Bay đã làm tăng lợi nhuận của chính ông. Cụ thể, Transformers thu được 708 triệu đôla thì Bay đã bỏ túi 80 triệu. Dù vậy những người không thích phim của Bay vẫn cho rằng đạo diễn này tự biến phim mình thành phim quảng cáo dài. Nhưng Bay giãi bày: “Người ta nói thế là đánh đĩ nghệ thuật, nhưng đâu phải vậy. Quảng cáo là một phần của cuộc sống. Ta không thể tránh nó được. Suy nghĩ không nên quảng cáo trên phim là không thực tế chút nào".
Khi còn học làm phim ở Đại học Wesleyan, một trong những việc làm thêm đầu tiên của Michael Bay là đạo diễn quảng cáo. Ở tuổi 26 Bay đã làm phim quảng cáo cho các hãng Cocacola, Levi’s, và Budweiser. Ông học mọi thứ từ công việc này - chuẩn bị đèn chiếu, điều chỉnh ống kính, và cả ra lệnh cho các ngôi sao, điển hình là các vận động viên chuyên nghiệp đóng quảng cáo cho hãng Nike do ông đạo diễn.
Bruckheimer đem đến cho Bay cơ hội đạo diễn đầu tiên vào năm 1994 với Bad Boys, bộ phim về hai viên cảnh sát Miami truy đuổi những tên buôn ma túy. Đây là cơ hội lớn dành cho Bay, dù kịch bản phim bị chê bai tới mức cộng sự của Bruckheimer là Don Simpson đe rằng họ sẽ rút tên khỏi bộ phim. Trước áp lực đó, Michael Bay đã kéo hai ngôi sao Will Smith và Martin Lawrence ngồi lại với mình đề bàn cách tạo ra những chi tiết thực sự hài hước. “Chúng tôi không hề nhận được sự hỗ trợ của xưởng phim” - Bay tiết lộ. “Tôi muốn làm nó đủ hấp dẫn để thu hồi vốn”. Ở một trong những cảnh quay cuối cùng, Will Smith phải hạ nốc ao một nhân vật phản diện. Nhưng đúng ngày quay cảnh này, trời đổ mưa khiến đoàn làm phim phải hoãn quay, trong khi không đủ chi phí để tiếp tục thuê tất cả những người tham gia cảnh quay đó. Bay quyết định trích 25 ngàn đô la trong 125 ngàn đô tiền công của chính mình để quay cảnh này. Cuối cùng, bộ phim với kinh phí khoảng 20 triệu đô này đã thu về hơn 140 triệu đôla từ các phòng chiếu trên toàn thế giới.
Một cảnh trong Bad boys
“Người ta không hề ghi nhận chuyện đó”, Bay nói. “Tôi thậm chí đã phải nài nỉ để lấy lại tiền của mình (tức 25 ngàn đô)”. Kinh nghiệm này khiến Bay trở nên khôn ngoan hơn trong các cuộc thương lượng. Ông nhận tiền công cho hai bộ phim tiếp theo là The Rock và Argameddon, nhưng vào năm 2000 ông quyết định sẽ không chỉ hoạt động với tư cách đạo diễn làm thuê, mà nhất quyết sở hữu một phần các bộ phim. Khi đạo diễn phim Trân Châu Cảng, bộ phim có kinh phí 140 triệu đôla, Bay từ chối nhận tiền công trả trước để đổi lấy 50% lợi nhuận của bộ phim sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và quảng cáo. Cuối cùng bộ phim thu được 450 triệu đô và Bay bỏ túi 40 triệu. Dựa vào sự hỗ trợ của quân đội, ông tiết kiệm được hàng triệu đôla nhờ sử dụng các hàng không mẫu hạm và tàu chiến thuộc thế chiến thứ hai.
Tận dụng mọi cơ hội hợp tác
Trên trường quay bộ phim Transformers ở New Mexico, một nhóm các sĩ quan quân đội túc trực mọi lúc mọi nơi để giúp Bay vạch chiến lược cho các cảnh công chiến. Trung tá Gregory Bishop thuộc Quân đội Hoa Kỳ cho biết, Bay muốn bộ phim phải đem lại cảm giác sống động như thật: “Chiến đấu với rôbốt thì chẳng thật chút nào, nhưng nếu chúng tôi phải chiến đấu với rôbốt ngoài hành tinh thật thì chúng tôi sẽ làm đúng như thế”.
Cái “được” của Bay là những chiếc xe tăng, các chiến hạm quân sự và máy phóng tên lửa hoàn toàn miễn phí vì chúng được sử dụng trong các buổi tập dượt quân sự. Nếu các sĩ quan tập luyện trên một chiếc trực thăng Apache, Bay có thể quay phim miễn phí. Với những cảnh rôbốt biến thành xe hơi, Bay cũng được hãng GM tặng không xe. Ông từng được hưởng mối lợi tương tự khi hãng xe hơi này đóng góp những chiếc xe bị hỏng vì lũ lụt cho bộ phim Bad boys. “Tôi cho chúng được chết trong vinh quang”, đạo diễn hài hước nói.
Trong hai phần Transformers, Michael Bay đã tận dụng mọi sự giúp đỡ của quân đội
Ngoài các nhà sản xuất phim hay quân đội, Bay còn có mối quan hệ khăng khít với Hasbro, một người chế tạo đồ chơi biến hình. Ban đầu Bay băn khoăn xem có nên làm một bộ phim hoạt hình hay không. Nhưng sau đó ông bị thuyết phục khi ghé thăm trụ sở của Hasbro ở Rhode Island. Tại đây Bay được nghe câu chuyện giả tưởng phức tạp về cuộc chiến giữa hai phe Autobot và Decepticon. Trợ lý chính của Hasbro, Brian Goldner cho biết, với Hasbro, mọi thứ đều có ý nghĩa hơn vẻ ngoài của chúng; ta có thể ngắm gần như bất cứ chiếc xe nào mà tin rằng chúng cũng có xúc cảm như con người. Vậy là Bay tin tưởng bộ phim sẽ thu hồi vốn. Trên cả mong đợi, Transformers đã thu được thành công vang dội.
Không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động
Ngoài lợi nhuận từ việc đạo diễn và sản xuất phim của chính ông, Michael Bay còn kiếm được không ít tiền nhờ sản xuất các bộ phim nhỏ và sắp tới là trò chơi video. Năm 2003, ông khai trương Platinum Dunes, công ty chuyên làm lại những bộ phim cổ điển. Bay thuê những đạo diễn trẻ làm phim với kinh phí dưới 20 triệu đô. Hầu hết những đạo diễn này đều thu hồi vốn sau tuần đầu công chiếu. Với tư cách nhà sản xuất, Bay thu được trung bình 8% số tiền tịnh xưởng phim kiếm được cho mỗi phim. Năm 2007, Michael Bay còn góp vốn mua lại công ty hiệu ứng hình ảnh Digital Domain do đạo diễn James Cameron sáng lập. Khi đó công ty này đang ở rơi vào tình trạng khó khăn do tranh chấp nội bộ, nên Bay và các nhà đầu tư còn lại mua được hãng này chỉ với 35 triệu đôla. Thành công mới nhất của Digital Domain là giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh trong bộ phim Dị nhân Benjamin (The Curious Case of Benjamin Button) trình chiếu vào năm ngoái.
Minh Thi (Theo Forbes Asia)