14/07/2011 11:45 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Cuối cùng thì Messi cũng đã chứng minh rằng không cần phải hát quốc ca, thì anh mới lấy lại được tình cảm của những người Argentina. Nhưng ước gì mọi chuyện sẽ không rắc rối đến thế, nếu anh là người TBN.
Lionel Messi - Ảnh Getty |
Bởi vì người TBN không hề… có quốc ca, hay nói chính xác hơn, họ chỉ có quốc thiều, tức là nhạc mà không có lời. Đó cũng là từng là một vấn đề khiến người TBN đau đầu: Năm 2008, Ủy ban Olympic TBN (EOC) từng mở ra một cuộc tranh luận rằng quốc thiều của họ cần phải được hát lên, với một đoạn video minh họa là cảnh các VĐV bóng bầu dục Argentina gân cổ lên hát “thề chết vẻ vang”. Hoàn toàn tương phản với hình ảnh huyền thoại Raul lặng lẽ ngẩng đầu… nhìn trời khi quốc thiều TBN được cử lên.
Chủ tịch EOC, ông Alejandro Blanc, khi ấy khẳng định: “Các VĐV TBN muốn có cái gì đó để gào lên, nhưng đất nước chúng ta lại thiếu điều đó”. Thế là sáng kiến này đã dẫn đến việc có chừng 7 nghìn lời hay ý đẹp được gửi đến cho EOC. Một ban giám khảo lập tức được thành lập, rồi danh ca Placido Domingo được mời hát. Nhưng rốt cục, mọi việc vẫn chẳng đi đến đâu: Cuối cùng thì quốc thiều của TBN vẫn không có lời, thế nhưng điều đó không ngăn cản được các VĐV TBN thống trị thể thao thế giới trong năm 2010, trong đó có bóng đá.
Vậy thì, hát quốc ca có nhất thiết phải là hành động bắt buộc để biểu thị lòng yêu nước và quyết tâm thi đấu của một vận động viên?
Bục podium, lễ kéo cờ và cử quốc thiều lần đầu tiên xuất hiện ở Olympic 1936 tại Berlin, kỳ Thế vận hội mà… độc tài Hitler sử dụng làm công cụ để truyền bá tư tưởng chủng tộc thượng đẳng. Người sáng lập Đảng cực hữu của Pháp, ông Jean-Marie Le Pen, từng kịch liệt chỉ trích các tuyển thủ áo Lam của thế hệ 1998, gồm phần lớn có gốc gác là các quốc gia thuộc địa cũ của Pháp, vì không hát bài La Marseillaise (quốc ca Pháp), để rồi chỉ vài ngày sau, họ lại chính là những người mang về cho nước Pháp chức vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử. Hay năm 2008, Podolski và Klose cũng không hề mở miệng hát quốc ca Đức, nhưng ở trận gặp đội bóng quê hương Ba Lan, thì chính Podolski là người lập cú đúp cho Đức, còn Klose là chủ nhân của hai đường chuyền thành bàn.
Messi chỉ là… cầu thủ
Vậy mà việc Lionel Messi không hát quốc ca lại trở thành chủ đề đáng quan tâm nhất trong trận hòa không bàn thắng trước Colombia. Lượt trận cuối cùng gặp Costa Rica, camera lại quét qua gương mặt anh khi quốc thiều Argentina được cử lên. Vẫn không mấp máy môi! Chắc chắn là Messi vẫn chưa “ôn tập” lại quốc ca Argentina, để đối phó lại với dư luận lá cải quê hương anh. Thời gian trống giữa hai trận, anh dùng để làm việc khác, tĩnh tâm lại sau vô số những chỉ trích, và điều đáng mừng là nó đã đem lại thành công ở trận đấu cuối cùng.
Thành công ấy đã khiến dư luận quên hẳn đi chuyện ở trận này, Messi cũng chẳng hề hát quốc ca, để rồi lại tung hô anh lên mây sau trận (ngay cả những tờ đã từng “đánh” anh không thương tiếc như Ole và Clarin, nhưng tờ thể thao uy tín của Argentina), một phản ứng nghiễm nhiên thừa nhận rằng chuyện yêu Tổ quốc để làm tăng ý chí thi đấu đôi khi chẳng mấy liên quan đến thể hiện của anh trên sân. Tiền đạo của Barcelona thực sự đã cháy hết những gì anh có trong trận gặp Costa Rica, và có thể khiến giới truyền thông hiểu ra nhiều điều, sau khi đã viện cả một cái cớ rất “hình thức” để đổ lên đầu Messi, khi anh chưa thể chơi đúng với kỳ vọng khổng lồ đặt lên vai mình.
Quay lại chuyện quốc ca: Trong buổi lễ tổ chức kỷ niệm tròn một năm TBN vô địch Thế giới, khi được hỏi rằng liệu việc nói chuyện riêng lúc cử quốc thiều có phải là một hành vi “không yêu nước” hay không, HLV Vicente Del Bosque đã trả lời thế này: “Tôi đã từng nói rằng chúng tôi chỉ là những cầu thủ bóng đá, vậy thì hãy cứ là cầu thủ bóng đá đi. Thật lãng mạn, và đam mê về thứ bóng đá mình chơi và luôn mơ về một trận đấu của cuộc đời”. Cuối cùng thì Messi cũng đã được trở lại là một cầu thủ đích thực, chứ không phải một biểu tượng cho lòng yêu nước đáng ra phải là vai trò dành cho các chính trị gia. Nhưng đó là khi anh và Argentina thành công…
2 2 pha chuyền bóng cho Aguero và Di Maria ghi bàn đã giúp Messi vươn lên ngang hàng với hai chân chuyền Guevara (Peru) và Ganso (Brazil), mỗi người sở hữu 2 lần kiến tạo và đang là những người làm bóng hay nhất giải 65 Trận gặp Costa Rica là trận thứ 65 của Messi mùa bóng này, phá vỡ chính kỷ lục 64 trận mà tiền đạo này lập được mùa 2009-2010. Mật độ làm việc thật kinh khủng! |
Ban Cầm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất