Menu giải trí ở thành phố ít có bóng đá Việt

27/11/2015 17:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ đề mà ông chủ quán cà phê tuần này tiếp tục trao đổi cùng với nhà báo Phạm Tấn vẫn là về làm sao để đưa người hâm mộ Việt Nam tới sân. Và cuộc cách mạng của các rạp chiếu phim ở Việt Nam thực hiện cách nay chục năm có thể là ví dụ tham khảo.

+ Ông chủ quán: Vì sao người hâm mộ bóng đá ở các thành phố không còn thích đến sân trong khi nó không phải là vấn đề lớn ở các tỉnh lẻ?

- Nhà báo Phạm Tấn: Bóng đá suy cho cùng cũng chỉ là một sản phẩm giải trí. Ở Hà Nội hay TP HCM thì đời sống giải trí phong phú hơn. Và bóng đá phải cạnh tranh với các lĩnh vực giải trí khác. Trong khi bóng đá lại trì trệ hơn cả xét trên khía cạnh cải thiện và nâng cấp để biến nó thành một sản phẩm giải trí. Một người đi xem bóng đá ở sân Thống Nhất hay Hàng Đẫy sẽ thấy rằng sau 20 năm, chẳng có gì khác ngoài việc các khán đài thay vì vẫn là bệ xi măng thì có thêm cái ghế nhựa, hay người ta đã bỏ đi cái hàng rào sắt ngăn khán đài với đường chạy điền kinh.

Còn hệ thống cung cấp dịch vụ hầu như không có gì khác biệt với những người bán quà vặt cho mọi thứ vào trong cùng một cái mẹt đi dạo quanh các khán đài. Hệ thống sân bãi chỉ được nâng cấp theo kiểu vá víu trong khi các khán đài còn lại trừ khán đài A không có mái che khiến người hâm mộ có cảm giác không được bảo vệ.

Nếu như mấy chục năm trước, việc một đứa trẻ đi xem đá bóng bị dính nước mưa hay vì nắng mà ngã bệnh là chuyện bình thường thì ngày nay, nó sẽ làm đảo lộn cuộc sống của cả gia đình. Có một hình ảnh cũng chưa có sự thay đổi là công việc đầu tiên của một người hâm mộ tới sân là họ phải tự lau ghế ngồi cho mình, hoặc cầm theo một tờ báo để lót, và tốt nhất là không nên mặc quần áo sáng màu.


Chỉ ở những địa phương ngoài Hà Nội hay TP. HCM mới thu hút được đông đảo CĐV đến sân xem bóng đá Việt cuối tuần

+ Vậy trong thời gian ấy các sản phẩm giải trí khác đã thay đổi thế nào để đáp ứng với một đời sống đã được nâng cấp đáng kể?

-Chúng ta hãy nhìn vào các rạp chiếu phim. Nếu như hai mươi năm trước vẫn còn có rạp ngồi ghế gỗ và đôi khi đang xem giật nảy mình vì có chuột chạy qua chân thì nay là những chiếc ghế nệm êm ái và thơm tho, có chỗ để đồ uống. Hệ thống phòng chờ chính là những quán cà phê sang trọng và họ được phục vụ như những thượng khách. Người người gác cửa xé vé xưa kia là những gương mặt cáu kỉnh khó chịu thì nay là những nam thanh nữ tú cư xử nhã nhặn.

Thậm chí, ngay cả hệ thống xe đò chạy liên tỉnh trong quãng thời gian tương tự cũng có những nâng cấp đáng kể mà bóng đá không có. Từ những chiếc xe cũ kỹ nhồi nhét khách mồ hôi nhễ nhại thì nay người ta phục vụ bằng những chiếc xe sang trọng với máy lạnh, video, ghế nằm chẳng khác gì những chiếc xe chở khách du lịch ngoại.

+ Và bóng đá là sản phẩm duy nhất bán vé bằng công văn?

- Xã hội điện tử và cuộc cách mạng công nghệ đã tạo ra các quán trà đá có wifi và người ta mua rau qua internet thì các trận đấu bóng đá của VFF tổ chức bán vé thì hình thức mà họ thực hiện một cách hăng say đó là bán vé qua đường công văn. Đó là hình thức bán vé phân phối và phân biệt người hâm mộ và cái giá mà nó phải trả là hôm nay những người không mua được vé bằng công văn thì lần sau người ta có thể chán không buồn tới sân nữa. Ưu thế của mua sắm trực tuyến là khai thác những cái lỡ tay bấm chuột của người tiêu dùng đã được thế giới chứng minh trong khi mua vé tại sân khiến nhiều người ở xa phải chịu cảnh tắc đường hai lần, lần một là đi mua vé và lần hai là đi xem.

Cà phê Thể thao: Văn minh bóng đá

Cà phê Thể thao: Văn minh bóng đá

Khách của ông chủ quán cà phê tuần này là một HLV bóng đá trẻ, để thực hiện phiên chất vấn về phong cách thi đấu chém đinh chặt sắt thường thấy của bóng đá Việt Nam.


+ Vậy ở nước ngoài, người ta đi xem bóng đá thế nào?

-Tất nhiên cái này thì không phải là lỗi của người làm bóng đá, nhưng thực sự ngạc nhiên và thất vọng khi các quy hoạch từ việc chọn vị trí sân bóng cho tới xây dựng hệ thống giao thông công cộng đều không liên quan gì tới nhau. Ở nhiều quốc gia có các mức phát triển khác nhau nhưng hễ có tàu điện ngầm thì thường có ít nhất một tuyến nối từ nhiều ngả thành phố tới sân vận động. Ở đó, người hâm mộ rời công sở, trường học sẽ bắt những chuyến tàu chạy thẳng tới sân mà không ai sợ tắc đường, trễ giờ. Ở đó, người ta tới sân sẽ có những cửa hàng đồ ăn nhanh phục vụ chu đáo rồi sau đó quay trở về nhà cũng bằng tàu điện.

+ Chuẩn mực của tây khác với của ta.

-Chúng ta đã so sánh cả với các sản phẩm giải trí khác ở Việt Nam mà mọi người đang bỏ tiền ra trải nghiệm, hưởng thụ. Nhưng nếu đặt ra một chuẩn mực cao hơn để hướng tới thì chẳng có gì cọc cạch bởi có nhiều người Hà Nội, TP HCM đã và đang ở những khu đô thị sang trọng và đắt đỏ không khác gì phương Tây. Những người làm bóng đá Việt cũng đi sang Tây chứ không tới Lào hay Myanmar để học cách họ làm bóng đá. Học là để áp dụng còn không các chuyến đi chỉ là cái cớ để tiêu tiền.

+ Liệu có tương xứng nếu đầu tư những cơ sở hạ tầng hiện đại và các dịch vụ kèm theo trong khi chất lượng các trận đấu lại khá tệ?

- Các ca sĩ sẽ dễ thăng hoa trên một sân khấu chuẩn mực, và các cầu thủ cũng thế, sẽ trổ những kỹ năng tinh hoa trên một mặt sân bóng tiêu chuẩn. Sân bóng ở Anh chuẩn mực trước khi 20 CLB ở giải ngoại hạng thu về hàng tỉ USD mỗi năm từ tiền bản quyền truyền hình chứ không chỉ là bán ra những tấm vé xem đá bóng đắt nhất thế giới.   

 Thethaovanhoa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm