Nam Định rớt hạng: 12 năm ấy hết rồi

02/08/2010 12:42 GMT+7 | V-League

(TT&VH)- 12 năm liên tiếp chơi ở giải đấu cao nhất của BĐVN (trong đó có 10 mùa V-league) của Nam Định đã chấm dứt trong cay đắng khi họ rớt hạng trước 4 vòng đấu. Kết cục ấy được dự báo không phải từ đầu mùa, mà từ rất lâu rồi.

Lâu cũng không phải là 5-6 năm trước, vì khi ấy họ vẫn không lạc hậu trong một bối cảnh BĐVN vẫn chưa tiến hóa rõ rệt. Và càng không phải là ở giai đoạn V-League mới khai sinh, dù khi đó Nam Định mới chơi mùa thứ ba ở giải đấu cao nhất. Suốt trong giai đoạn 2000-2004, Nam Định luôn lọt tốp, và đã từng có thể vô địch năm 2004, nhưng cuối cùng để HAGL bứt lên vì họ “ngại” vô địch.

Nhưng sự ngắc ngoải của nó ở mùa 2006 là điểm bắt đầu của một quá trình suy thoái, và tới mùa 2008, chính TTVH đã dự báo “một trong những thành trì của bóng đá bao cấp” lung lay rồi cũng sẽ sớm sụp đổ.

Việc Nam Định chính thức chia tay V-League ở năm tròn 2010 thực ra cũng chỉ giống như chuyện “ngậm sâm” để kéo dài sự sống thêm chút ít, sau khi nó đã phải đi đá play-off ở mùa 2009.

Người làm bóng đá Nam Định vẫn có quyền tự hào rằng họ là lò đào tạo cầu thủ số 1 miền Bắc, có cái sân đẹp chỉ sau Mỹ Đình, và có một tầm ảnh hưởng nhất định với VFF, nhưng tất cả những điều đó chỉ là sản phẩm cơ hội, kiểu như sân Thiên Trường cải tạo từ sân Chùa Cuối để tổ chức SEA Games, và bóng đá trẻ phát triển là bởi truyền thống đam mê bóng đá của người dân Thành Nam và cả vì bóng đá là lối thoát nghèo cho những đứa trẻ ở nông thôn của Nam Định và cả tỉnh láng giềng Thái Bình. 


NamĐịnh chia tay với giải khi họ chỉ còn 1 HLV trẻ và hầu hết là cầu thủ trẻ - Ảnh: VSI

Những quan niệm và cách làm bóng đá ở Nam Định có lẽ đã tự làm khó họ, triệt tiêu đi sức mạnh đáng ra mà họ phải có là tận dụng được chính sức mạnh của các lứa cầu thủ họ đào tạo nên. Cũng có thể nói, rằng sự xuất hiện của các CLB mới (làm bóng đá theo kiểu ăn xổi, lấy tiền đè người) đã tác động lớn tới Nam Định. Nhưng rõ ràng, ở một đội bóng, mà hầu hết mỗi vụ cầu thủ ra đi đều ầm ĩ vì bị gây khó dễ, thì quả là Nam Định đã không chấp nhận và thích ứng kịp với sự thay đổi khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp.

3 năm qua, mùa nào Nam Định cũng khủng hoảng tài chính, không đủ khả năng để giữ chân các cầu thủ, và chỉ có thể đưa về những cầu thủ mà chính họ từng đẩy đi, hoặc đã sắp về hưu. Họ dĩ nhiên là đội bóng tỉnh lẻ, nhưng không phải cứ là tỉnh lẻ thì đội bóng sẽ nghèo. Người ta buộc phải đặt câu hỏi, tại sao Nam Định đã không doanh nghiệp hóa, cổ phần hóa sớm hơn, để rồi đến giờ mới vắt chân lên cổ (và đổ bể). 

Mùa 2009, Nam Định không phải chỉ nợ lương cầu thủ, nợ cả tiền thưởng play-off, mà nó còn nợ tới cả tỉ đồng, vì tính cả ngân sách tỉnh cấp thì họ mới chỉ có hơn chục tỉ đồng. Tình trạng ấy xảy ra cũng chỉ vì họ vẫn trung thành với cơ chế là một đội bóng của Sở, và ai thích thì tài trợ bằng cách bán tên, bán ngực áo.

Ở một góc độ nào đó, cũng có thể chia sẻ suy nghĩ, đội bóng Nam Định phải là người của Nam Định. Truyền thống của một địa phương gây dựng mấy chục năm không thể nhẹ nhàng trao tay người khác chỉ vì vài chục tỉ đồng. Nhưng giữ nó mà không thể nuôi được nó lại là một sai lầm.

Rớt hạng là một kết cục tất yếu, và chắc chắn, sẽ coi đấy như một cơ hội làm lại cho bóng đá thành Nam. Chỉ có điều, bóng đá nơi đây đáng ra không cần phải trả một cái giá đắt như thế, trong khi họ đã từng có khá nhiều những cơ hội để thay đổi, tiến lên một nấc mới.

Nỗi đau của bóng đá thành Nam quả là hơi khó nguôi…

 

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm