MC Trấn Thành: Đã thành diễn viên điện ảnh thực thụ?

18/03/2021 07:43 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Trấn Thành từng theo học diễn viên tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, từng đóng gần 20 phim điện ảnh, từng nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam năm 2019. Vậy, nhưng đến phim Bố già thì anh mới bắt đầu ra dáng một diễn viên điện ảnh. Con đường trở thành diễn viên điện ảnh thực thụ khó vậy chăng?

Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Nhiều nước mắt và nhiều nụ cười

Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Nhiều nước mắt và nhiều nụ cười

Vào vai người cha cật lực kiếm tiền mưu sinh nhưng bị con trai hiểu lầm, Trấn Thành khiến cảm xúc người xem thăng hoa suốt hơn 2 tiếng của phim "Bố già".

Với phim truyền hình, Trấn Thành đã tham gia hơn 10 bộ, trong đó có Sau ánh hào quang, Chuyện tình mùa Thu, Một thời ta đuổi bóng, Giấc mơ cỏ may… , với gần 20 phim điện ảnh, trong đó có Quý tử bất đắc dĩ, Bệnh viện ma, Nắng (1, 2), Chờ em đến ngày mai, Trạng Quỳnh, Cua lại vợ bầu… Nhưng sau 10 năm vào nghề diễn, bắt đầu từ vai Trọng Thoại trong Cua lại vợ bầu (năm 2019), Trấn Thành mới dần tiết chế được lối “diễn cương” vốn có, để dần dà tạo ra hình tượng điện ảnh.

Vai Ba Sang “làm sang” Trấn Thành

Vì là đồng tác giả kịch bản, đồng đạo diễn và là nhà sản xuất của Bố già, nên vai chính Ba Sang của Trấn Thành nằm trên cả mức… “đo ni đóng giày”. Trong một phát biểu trên báo, lúc sắp “chuyển thể” Bố già từ phiên bản chiếu mạng sang điện ảnh, Trấn Thành nói rằng đây sẽ là một dấu mốc để ghi nhớ sự quyết tâm bước vào điện ảnh. Anh không chỉ muốn trở thành diễn viên điện ảnh thực thụ, mà còn muốn trở thành đạo diễn lành nghề và nhà sản xuất có tham vọng tích cực.

Chú thích ảnh
Vai Ba Sang trong “Bố già” sẽ là một dấu mốc để ghi nhớ sự quyết tâm bước vào điện ảnh của Trấn Thành

Trừ bộ ria chưa được tự nhiên như vai Trọng Thoại trong Cua lại vợ bầu và một số câu thoại còn hơi bị kịch, hơi “MC”, thì nhìn chung vai Ba Sang đã có được chất đời, chất tự nhiên của một lão già thích bao đồng, sống trong một hẻm nghèo ở TP.HCM.

Theo đồng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, hơn 90% lời thoại trong Bố già có sự tham gia góp ý, chỉnh sửa của Trấn Thành. Điều này cho thấy việc lắng nghe và chắt lọc từ đời sống của nam MC khá sâu sát, nên có được sự tự nhiên và đắt giá.

Khi Bố già bị dời lịch chiếu do dịch Covid-19, trên trang riêng, Trấn Thành có lúc chỉ cầu mong phim sớm được ra rạp, thu hồi vốn để làm tiếp các phim khác đã là may mắn. Nhưng như người Nam có câu “thời đến cản không nổi”, cũng như phim Gái nhảy, Em chưa 18 trước đây, Bố già không quá áp lực về chuyện doanh thu lớn, vậy mà lại thành quán quân phòng vé, đến hết ngày 17/3 đã thu về hơn 240 tỷ đồng. Con số này sẽ còn vượt xa mức dự đoán của Thể thao và Văn hóa là 230 tỷ đồng - vốn bị cho là không tưởng.

Chú thích ảnh
Từ vai Trọng Thoại trong "Cua lại vợ bầu" (năm 2019), Trấn Thành mới dần lộ diện khả năng điện ảnh

Hiệu ứng bán vé sau khi đại dịch tạm lắng xuống đã giúp khán giả có lại niềm tin ra rạp, giúp phim có thêm sự thiện cảm, sự bao dung, bỏ ra không ít điểm yếu kém. Chưa chắc phim này chiếu dịp Tết đã thành công như hiện nay.

Câu chuyện về tình cha con gặp khó khăn trong việc xin lỗi - cảm ơn, về ngăn cách thế hệ khó chia sẻ… đã giúp Bố già lấy được nước mắt của nhiều khán giả. Với một lượng đông đảo khán giả tại TP.HCM (chiếm gần 70% doanh thu tạm tính của Bố già), lấy được nước mắt hoặc tiếng cười của họ một cách tự nhiên là lấy được tiền vé từ họ.

Nhìn chung thì Bố già không phải là phim xuất sắc, vai Ba Sang chưa phải là hay, nhiều ý kiến nhận định vai này còn yếu hơn vai Quắn của Tuấn Trần. Tuy nhiên, trong bối cảnh khán giả cần động lực để trở lại rạp, vài phim Việt gần đây lại gặp thất bại, thì một ngôi sao giải trí như Trấn Thành, với nỗ lực vượt bậc và sự nghiêm túc đáng khen trong điện ảnh, thành công là có thể hiểu được.

Nghề MC gặp khó khi vào điện ảnh?

Theo nhiều ý kiến từ người trong cuộc, nghề MC vốn phải phải ứng biến/hoạt náo với các tình huống bất chợt, khi bước vào điện ảnh, vốn phải tuân thủ kịch bản và tiết chế trong diễn xuất, nên sẽ gặp không ít khó khăn. Một số MC khác cũng đồng ý với nhận định này, nên khi được mời đóng phim, họ thường tìm cách từ chối khéo.

Trấn Thành còn có một cái khó nữa, đó là tấu hài, với nét diễn hoàn toàn cương, miễn sao lấy được tiếng cười tối đa của khán giả. Cái khó của tấu hài là các tiểu phẩm thường có thời lượng rất ngắn, tính tương tác sân khấu cao, nên khi bước ra, diễn viên phải nhanh chóng bắt nhịp tâm lý của khán giả để mà diễn. Nghề nào cũng có thói quen và bệnh nghề nghiệp riêng, vì quá thông minh, hiệu quả trong tấu hài, Trấn Thành gặp khó khi đóng phim cũng là bình thường.

Mấy năm gần đây, tấu hài gần như hết đất sống trên các sân khấu, các nghệ sĩ hài phải chuyển sàn diễn lên trên mạng, nơi cần lối diễn tự nhiên hơn, nên chất phim, chất điện ảnh dần dần thấm ngược vào họ. Điều này không chỉ đúng với Trấn Thành, mà còn đúng với các danh hài như Chí Tài, Hoài Linh, Việt Hương, Thu Trang… và nhiều nghệ sĩ hài khác.

Trong khoảng 30 phim điện ảnh - truyền hình đã đóng, chất tấu hài và chất MC vẫn cứ đeo bám Trấn Thành, có lúc như cản trở việc thành diễn viên điện ảnh. Nay thì với sự thành công về nhiều mặt của Bố già, đặc biệt doanh thu lớn, cộng với tuyên bố sẽ nghiêm túc với phim, điện ảnh Việt có quyền trông chờ một Trấn Thành thực thụ hơn trong điện ảnh.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm