15/10/2016 18:07 GMT+7 | Tốc độ
(Thethaovanhoa.vn) - 5.000 km, thậm chí 7.000 km là quãng đường các tay đua F1 phải vượt qua để chinh phục danh hiệu ở từng chặng. Nhưng trên thực tế, người thắng cuộc đã được quyết định chỉ vài giây sau khi cuộc đua bắt đầu bởi giai đoạn đầu tiên của một chặng đua có ý nghĩa quyết định tới thứ hạng của tay đua.
Hãy nhìn vào cuộc cạnh tranh danh hiệu của Nico Rosberg và Lewis Hamilton để lý giải cho điều này.
F1 mùa giải 2016 chỉ còn 4 chặng đua nữa là kết thúc. Kết quả những chặng trước đó cho thấy danh hiệu mùa giải này là cuộc đấu tay đôi của hai tay đua đội Mercedes. Trong 17 chặng đua kể từ đầu mùa, hai ngôi sao Mercedes đã chiến thắng 15 chặng. Hamilton chỉ thua trong 5 vòng đấu nơi anh giành pole trong khi Rosberg chỉ 2 lần vuột mất cơ hội đăng quang dù xuất phát ở vị trí đầu.
"Danh hiệu vô địch có thể mất ngay khi bạn xuất phát", Hamilton giải thích về sự tương quan giữa vị trí xuất phát và danh hiệu sau khi thua cuộc ở Grand Prix Italy hồi tháng 9. Chặng đua đó Hamilton khởi đầu không tốt ở giai đoạn đầu và rớt xuống vị trí thứ 6. Kết thúc chặng, Hamilton chỉ cán đích thứ 2, sau người đồng đội Rosberg. “Bạn nỗ lực làm tất cả mọi việc trong cuối tuần và chỉ cần vài giây, cuộc đua đã được xác định”, Hamilton chia sẻ thêm.
Mùa giải này, Hamilton đã 7 lần giành pole và 6 lần trong số đó anh lên ngôi vô địch. Rosberg có số lần giành pole tương tự nhưng vô địch tới 9 lần. Chiến thắng của Max Verstappen đội Red Bull ở Tây Ban Nha Grand Prix cũng chỉ là nhờ vào việc 2 tay đua của đội Mercedes va chạm khi chặng đua mới bắt đầu.
Dù cuộc đua F1 kéo dài tới 90 phút, giai đoạn đầu tiên là rất quan trọng
Bởi thế, dù cuộc đua F1 kéo dài tới 90 phút, giai đoạn đầu tiên là rất quan trọng.
Không giống như những cuộc đua khác, F1 bắt đầu với những chiếc xe vào vị trí xuất phát cho đến khi đèn đỏ bật lên và những tay đua nổ máy. Thời điểm quan trọng nhất là khi các tay đua nhả ly hợp, chuyển số và hy vọng lốp của họ không bị quay gây trở ngại.
Việc cắt nhả ly hợp trước đây phụ thuộc nhiều vào đội ngũ kỹ sư của đội. Trong suốt buổi tập vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước cuộc đua chính thức, các kỹ sư bắt tay vào việc tinh chỉnh công nghệ. "Chúng tôi thường xuyên phân tích các cuộc đua, đặc biệt vào cuộc họp sáng Chủ nhật. Chúng tôi phân tích quá trình khởi động thực hành, kỹ sư đưa ra những phản hồi về việc liệu chúng tôi có thể làm tốt hơn, giải pháp thích hợp đối với bộ ly hợp, các nhả ly hợp, chuyển số...", Valtteri Bottas, tay đua của đội Williams cho biết.
Nico Rosberg đang dẫn đầu cuộc cạnh tranh danh hiệu ở F1 mùa này
Sự giúp đỡ từ các kỹ sư giúp cho quá trình khởi động của tay đua trở nên dễ dàng hơn. Phần việc được chia theo tỷ lệ 70-30, trong đó vai trò của kỹ sư chiếm 70%. “Trước đây, chúng tôi có thể nói với tay đua thiết lập những điểm cắt ly hợp ở những vị trí nhất định. Họ sẽ để cho cần gạt ly hợp đầu tiên tự do và nó sẽ đi đến điểm cắt ly hợp hoàn hảo, chiếc xe sẽ chuyển động. Sau đó, họ sẽ chờ một tiếp bíp và thả cần gạt ly hợp số 2, đặt chân vào và bắt đầu cuộc đua", Rob Smedley, trưởng bộ phận kỹ sư của đội Williams cho biết.
"Các tay đua chỉ việc ngồi trên xe và thực hành. Khi những chiếc đèn báo hiệu sáng lên, đó là lúc họ bắt đầu phản ứng với những chỉ dẫn. Các kỹ sư làm việc ngày đêm để đảm bảo mọi thứ trơn tru. Đôi khi, các kỹ sư còn có vai trò quan trọng hơn tay đua", Dave Ryan, Giám đốc đội đua Manor cho biết.
Nhưng với những thay đổi về quy định của F1, mùa giải này mọi thứ trở nên khó khăn hơn với các tay đua. Quy định mới đã làm giảm sự hỗ trợ mà tay đua có thể nhận được từ đội ngũ kỹ thuật và kỹ sư của mình. Các kỹ sư không còn được phép hướng dẫn cài đặt ly hợp một khi tay đua đang ở trong xe bắt đầu cuộc đua. Thêm nữa, mùa trước các tay đua có thể sử dụng cả hai cần chuyển số trên vô lăng, vốn để đơn giản hóa quá trình khởi động, còn mùa này họ chỉ còn được sử dụng 1 cần chuyển số.
"Bây giờ giai đoạn khởi động phụ thuộc nhiều hơn vào tay đua, ít phụ thuộc vào đội ngũ kỹ thuật và chiến thuật của đội. Tỷ lệ bây giờ là 50-50", Rob Smedley nhận định.
Quy định mới này giúp những tay đua từng học về kỹ thuật như Rosberg hưởng lợi. Nhưng hiểu biết chưa phải là tất cả. Đôi khi trong F1, cảm giác và kinh nghiệm của tay đua mới đóng vai trò quyết định. Felipe Massa rất tin vào điều này. "Tôi luôn luôn là một trong những tay đua khởi đầu tốt nhất", Massa nói. "Trong sự nghiệp của mình tôi không hiểu tại sao, tôi luôn làm rất tốt trong giai đoạn phản ứng. Cách điều chỉnh ly hợp hay mọi thứ, tôi luôn làm rất tốt. Tôi chẳng hiểu tại sao lại như vậy. Có lẽ đó là khả năng thiên bẩm".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất