29/12/2011 10:09 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Gần đây liên tục xảy ra các vụ cháy nổ xe máy không rõ nguyên nhân. Điều đó đã dẫn tới việc chưa rõ đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do sự cố cháy, nổ xe máy gây ra.
>> Chuyên đề: Liên tục cháy xe trên phố
Với ô tô, ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chủ phương tiện thường mua bảo hiểm vật chất đối với phương tiện của mình. Tuy nhiên, đối với xe máy, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm thường chỉ cung cấp sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chứ không cung cấp bảo hiểm vật chất cho xe bị cháy, nổ. Ngay cả khi trên thị trường xuất hiện doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm cháy nổ với xe máy, thì người dân vẫn không mấy quan tâm.
Thói quen thờ ơ với bảo hiểm
Trao đổi với TT&VH, chị Phạm Thanh Thảo, quản lý Phòng tư vấn bảo hiểm xe cơ giới, Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (Yên Hòa, Hà Nội) cho biết, việc bảo hiểm cháy nổ với xe máy không được giao dịch là do “lỗi” của hai bên, cả phía chủ phương tiện lẫn công ty bảo hiểm. Ngay bản thân công ty chị cũng không thực hiện bảo hiểm vật chất đối với xe máy, chứ chưa nói đến bảo hiểm cháy nổ.
Theo chị Thảo: “Lượng xe máy tham gia giao thông quá lớn, các va chạm thường xuyên xảy ra, xe máy là loại phương tiện tiềm ẩn rủi ro cao nhưng rất khó quản lý và xác định các rủi ro này. Mặt khác, khi có cháy nổ xảy ra, với những xe máy gần hết thời hạn được chấp nhận mua bảo hiểm hay xe có giá trị không lớn, không ngoại trừ những trường hợp có dấu hiệu trục lợi. Còn khách hàng, hầu như không ai quan tâm đến bảo hiểm vật chất đối với xe máy. Mọi người quan niệm, xe hỏng thì sửa chứ mấy ai nghĩ xe mình tự dưng bốc cháy”.
Liên tiếp các vụ xe máy “phát hỏa” thời gian gần đây
Chị Thảo cho biết: “Dựa trên cơ sở thẩm định của nhà bảo hiểm và mong muốn mức bảo hiểm của khách hàng, giá bảo hiểm cháy nổ xe máy thường rất rẻ, chỉ đôi ba chục ngàn. Thực tế, một số doanh nghiệp đã có bảo hiểm rủi ro cho xe máy nhưng không bao gồm rủi ro cháy nổ. Trên thị trường hiện nay Công ty Bảo hiểm AAA có lẽ là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm bảo hiểm cháy nổ này”.
Theo thông báo, Công ty AAA có nhận bảo hiểm tổn thất toàn bộ mô tô, xe máy đối với những xe có thời hạn sử dụng dưới 7 năm, kể từ ngày đăng ký lần đầu ghi trên Giấy đăng ký do cảnh sát giao thông cấp.
Theo đó, chủ phương tiện sẽ được thanh toán tổn thất với xe máy “do bị cướp hoặc tấn công bằng vũ lực khi đang tham gia giao thông; cháy, nổ; nhà hoặc nơi cư trú bị trộm cướp đột nhập, cạy phá hoặc bị tấn công bằng vũ lực; tai nạn trong quá trình tham gia giao thông; giông, cuồng phong, cây cối đổ, gãy; đất, đá trượt, lún, sụt, lở, lũ lụt, sóng thần, núi lửa, động đất…”.
Một nhân viên AAA cho biết, sản phẩm bảo hiểm cháy nổ xe máy đã đưa ra thị trường từ 3 năm nay nhưng người dân không thực sự quan tâm. Rào cản lớn nhất chính là việc thẩm định nguyên nhân cháy nổ để làm căn cứ thực hiện bồi thường.
Thực tế là hàng loạt vụ cháy nổ vừa qua đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân. Tuy nhiên, nhân viên này cũng khuyến cáo, về nguyên tắc bảo hiểm, khi có rủi ro cháy nổ xảy ra, nếu không có kết luận xuất hiện dấu hiệu trục lợi, khách hàng sẽ được bồi thường.
Trao đổi với TT&VH, chị Trần Thùy Ngân, nhân viên Bảo Việt cho rằng, việc người dân không tham gia hiểm vật chất với xe máy là có thể hiểu được. Bởi thực tế, dù có luật bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới từ năm 2009, nhưng tâm lý người dân tham gia bảo hiểm xe máy chủ yếu để đối phó với cảnh sát giao thông, vậy thì mấy ai bỏ tiền mua các loại bảo hiểm khác.
Nhà sản xuất vô can?
Một vấn đề ai cũng nhận thấy là nhiều xe máy cháy nổ là xe có nhãn xuất xứ, có tên nhà sản xuất, có bảo hành đầy đủ. Vì thế, dù nhà sản xuất có lỗi hay không, khi xảy ra sự cố trên sản phẩm của mình cũng cần phải có thông tin hướng dẫn, lý giải cụ thể.
Tuy nhiên, chưa có nhà sản xuất nào đứng ra nhận trách nhiệm, hay cam kết tìm ra nguyên nhân cụ thể trước công luận. Khi có sự cố cháy xe, người dân phải tự gánh chịu toàn bộ thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang, đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, hiện nay luật của chúng ta chưa dự liệu hết những tình huống thực tế nên quy định chưa chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng trước tình huống nảy sinh.
Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, thường là hai bên tự giải quyết với nhau, nếu không thống nhất được, thì người tiêu dùng cũng chỉ có thể phản ứng bằng cách “tẩy chay” không mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ nữa. Việc khiếu nại nhà sản xuất lên tòa án rất khó khăn bởi cần phải có chứng từ, vật chứng, và nhiều thủ tục phức tạp.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, người dân đang cần các cơ quan chức năng vào cuộc, để xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong những vụ cháy nổ xe máy xảy ra liên tiếp gần đây.
Phương Linh - Thảo Vy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất