10/06/2012 13:02 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro
(TT&VH) - Sau quầy hàng bán quần bò và áo phông ở chợ nhỏ Lisova hàng ngày, cô giáo Yến có 3 buổi dạy tiếng Việt cho những đứa trẻ Việt Nam nhiều lứa tuổi ở Kiev tại trường trung học phổ thông số 251, trường được mang tên Hồ Chí Minh.
Cuộc sống của cô từ nhiều năm nay đã thế, giữa bươn trải của việc kiếm sống và những giờ dạy tiếng Việt đầy tâm huyết cho lũ trẻ người Việt, hầu hết được sinh ra ở Kiev trong những gia đình Việt kiều đang sinh sống, làm việc và kinh doanh tại đây. Cô đã dạy lũ trẻ 11 năm nay, và có thể sẽ còn kéo dài nữa, tới một khoảng thời gian chưa thể xác định được. Có lẽ những cô giáo ở trên vùng cao cũng thế, cứ dạy, truyền tình cảm và tri trức cho lứa trẻ, và ước mơ, hy vọng cho chúng và cho chính mình.
Những năm về trước, số học sinh Việt Nam tại ngôi trường này đông hơn và học sinh người Việt của cô Yến cũng đông. Thế nhưng qua năm tháng, số lượng bây giờ chỉ còn hơn 30 em theo học. Hoàn cảnh gia đình cũng như nhiều lí do khác nhau, đôi khi rất tế nhị, đã khiến số lượng học sinh của cô giáo dạy tiếng Việt duy nhất ở trường này giảm xuống, nhưng cô không hề nản lòng.
Cô giáo Yến (thứ 2 từ trái sang) và một số học sinh tiếng Việt của cô
Cô bảo, những khó khăn trong cuộc sống và công việc chưa bao giờ khiến cô một lúc nào đó nghĩ rằng mình sẽ đầu hàng. Cô đã tự biên soạn giáo trình dành riêng cho các cháu bé vốn nói tiếng Ukraina giỏi hơn tiếng Việt, khi chúng sinh ra và lớn lên trong một môi trường xa đất nước, nên cần một giáo trình đặc biệt cho chúng. Cô luôn mong mỏi Bộ Giáo dục nước mình có một bộ sách giáo khoa và giáo trình riêng cho học sinh ở nước ngoài. Cô lồng trong những bài học của mình trên lớp các câu chuyện lịch sử và văn hóa Việt Nam.
***
Chị Hường, phó chủ tịch Hội phụ nữ khu vực Troeshina, nơi có chợ bán buôn và bán lẻ lớn nhất Kiev, với hàng trăm tiểu thương người Việt, chính là "bà bầu" cho các lớp tiếng Việt của cô giáo Yến. Người phụ nữ khá thành đạt này luôn nhập sách giáo khoa các lớp từ Việt Nam sang cho lớp. Bản thân chị cũng có 2 con học trường này, trong đó có cháu thứ hai còn được đưa vào tấm biển danh dự của nhà trường vì học giỏi.
Giấy khen của Sứ quán Việt Nam ở Ukraina cho cô vì những đóng góp của cô đối với cộng đồng
Không đơn giản cho những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với Việt Nam hiểu được chính nguồn gốc của chúng. Cũng không dễ để chúng tiếp thu văn hóa và ngôn ngữ của đất nước đã sinh ra cha mẹ chúng. Có nỗi lo ngại, là những đứa trẻ ấy dần trưởng thành và lớn lên trong một trạng thái lửng lơ về văn hóa giữa đất nước đã nuôi nấng chúng và đất nước gốc gác thực sự của chúng.
Việc duy trì những giờ học ngôn ngữ và văn hóa của cô Yến được cộng đồng là một trong những cách quan trọng để chúng xác định được "mình là ai". Rất nhiều đứa trẻ học trường 251 đã lớn lên và thành người, từ những bài học tiếng Việt mà cô Yến dạy, từ những buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng Tết Nguyên đán đầy xúc động mà những đứa trẻ đóng vai Táo quân và nói giọng Việt lơ lớ, từ những lần chúng đi thăm "nhà bảo tàng Hồ Chí Minh" trong phòng truyền thống của nhà trường, với rất nhiều tấm ảnh về chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước Việt Nam xa xôi mà chúng mang trong mình dòng máu đỏ, từ những câu chuyện cổ tích mà cô kể...
***
Năm học này qua năm học khác, cứ như thế và cuộc sống của cô gắn liền với cái quầy bán quần bò ở chợ Lisova, những lớp học tiếng Việt mà bố mẹ các cháu Việt kiều đã đóng tiền để trả cho cô, với những trăn trở thường nhật khác, trong khi vẫn đau đáu về quê hương và gia đình. Bản thân con gái cô cũng lớn lên tại đây, cũng nói tiếng Ukraina và vừa tốt nghiệp đại học, đang muốn trở về Việt Nam sinh sống và tìm việc làm, với những hy vọng, hoài bão và không ít lo lắng cho tương lai.
Cuộc sống ở Kiev của cô giáo Yến cứ thế trôi...
Bài và ảnh: A.N (từ Kiev)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất