Martin Luther King - 'Tôi có một giấc mơ' để lại cho hậu thế

04/04/2018 12:35 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Martin Luther King - một trong những nhà hoạt động dân quyền có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông đã ghi danh mình vào lịch sử nhân loại như một con người có tấm lòng bác ái và sức cảm hoá đặc biệt. Một con người đã dành cả cuộc đời mình để biến điều mong ước Tự do – Bình đẳng – Bác ái thành hiện thực.

Martin Luther King Jr. sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông là con cả của Mục sư Martin Luther King Sr.

Martin Luther King học tiểu học tại bang Georgia, tốt nghiệp phổ thông trung học năm 15 tuổi. Năm 1948, ông nhận bằng Cử nhân tại trường đại học Morehouse (trường dành riêng cho người da đen). Sau đó, ông tới Chester-Pennsyvania theo học tại Viện Thần học Crozer và tốt nghiệp với học vị Cử nhân Thần học năm 1951. Sau khi bị Trường Thần học thuộc Đại học Yale từ chối, King theo học tại Đại học Boston và nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Thần học Hệ thống năm 1955.

Trước khi nhận bằng tiến sỹ, năm 1954 King đã trở thành Mục sư dòng Baptist, nhận chức quản nhiệm nhà thờ trên đại lộ Dexter tại thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama, đây chính là cái nôi của các cuộc vận động cho phong trào dân quyền trên toàn nước Mỹ sau này.

Chú thích ảnh
Martin Luther King, Jr. đọc bài diễn văn Tôi Có một Giấc mơ tại Washington, D.C.

Trong những năm tháng học tại Boston, Martin Luther King đã gặp và kết hôn với cô Coretta Scott vào ngày 18-6-1952. Người mà sau khi King bị ám sát đã tiếp bước ông để trở thành nhà hoạt động đấu tranh cho dân quyền và công bằng xã hội.

Ngòi nổ của phong trào đấu tranh nhân quyền tại Mỹ được châm bởi sự kiện ngày 1 tháng 12 năm 1955 tại thành phố Montgomery, khi một người phụ nữ gốc châu Phi tên là Rosa Park bị bắt vì từ chối không nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng đi trên xe buýt theo qui định của đạo luật Jim Crow (đây là đạo luật kỳ thị hoặc cho phép kỳ thị chống lại người Mỹ gốc Phi được tán thành của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án Plessy v. Ferguson năm 1896 – cho phép chính quyền địa phương áp chế hoạch tước bỏ quyền bầu cử tại các tiểu bang miền Nam, khước từ các cơ hội kinh tế hoặc các nguồn tài nguyên quốc gia, bao che các hành vi bạo lực cá nhân hay tập thể nhắm vào người da đen. Ngày 5-12-1955, một kế hoạch “bất phục tùng dân sự” nhằm tẩy chay xe buýt được phát động bởi E.D.Nixon- người đứng đầu tổ chức NAACP (mà sau này do Mục sư King lãnh đạo).

Cuộc tẩy chay kết thúc vào ngày 20-12-1956 sau 381 ngày với nhiều biến động. Trong thời gian này, Mục sư King bị bắt giữ cho đến khi Tối cao Pháp viện phán quyết rằng các qui định phân biệt chủng tộc trên các tuyến xe buýt trong tiểu bang là vi hiến. Sau khi được trả tự do, Mục sư King tích cực hoạt động cho kế hoạch thành lập Hiệp hội các nhà lãnh đạo Cơ đốc miền Nam (SCLC) vào giữa năm 1957 với hai mục tiêu: Xây dựng một nền tảng liên đới tinh thần và Thiết lập mạng lưới giữa các nhà thờ người da đen để cổ xuý cho phong trào đối kháng bất bạo động nhằm tranh đấu cho bình đẳng về dân quyền.

Các cuộc phản kháng bất bạo động của tổ chức SCLC nhằm chống lại hệ thống kỳ thị tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ với cái tên Jim Crow đã thu hút được sự đồng cảm của cộng đồng qua các bài tường thuật trên báo chí, những đoạn phim được chiếu trên truyền hình về cuộc sống thường nhật của người da đen miền Nam, đầy ắp sỉ nhục và luôn bị tước đoạt, cũng như tình trạng bạo động cùng những hành vi quấy nhiễu, ngược đãi và kỳ thị. Qua truyền thông, cuộc đấu tranh của Mục sư King đã tạo được sự chú ý của công luận và biến thành phong trào vận động dân quyền tại Hoa Kỳ vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 với sự hưởng ứng của cả người Mỹ da trắng.

Chú thích ảnh
King (thứ hai từ phải sang) tới Memphis vào ngày 28/3/1968, chỉ vài ngày trước khi ông bị ám sát

 

Để đưa phong trào vận động dân quyền lên cao điểm, Mục sư King đại diện cho SCLC đã cùng với lãnh đạo của 5 tổ chức vận động dân quyền khác (vào lúc đó gọi là Big Six) gồm NAACP, Urban League, Brother of Sleeping Car Porters, SNCC và CORE thảo luật về kế hoạch tổ chức cuộc diễu hành Cho Việc Làm và Tự Do Tại Oaxinhtơn vào tháng 8 năm 1963.

Thành quả lớn nhất của cuộc diễu hành là đã tạo ra bối cảnh thuận lợi để Quốc hội và Chính quyền Liên bang ghi nhận những đòi hỏi của người Mỹ da đen như quyền bầu cử, quyền đối xử bình đẳng và các quyền dân sự khác để thông qua Luật về Quyền dân sự vào năm 1964 và Luật về quyền bầu cử vào năm 1965.

Chính tại cuộc diễu hành này, Mục sư King đã dẫn dắt đám đông lên đến các cung bậc cao của xúc cảm khi ông đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” (I Have a Dream). Cùng với bài Diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln, “Tôi có một giấc mơ” được xem là một trong những diễn từ được yêu thích nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bài diễn văn đã đi vào lịch sử và làm tên tuổi của Mục sư King được biết đến trên toàn thế giới.

Ngày 14-10-1964, Mục sư King trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được trao Giải thưởng Nobel Hoà Bình vì những thành quả trong nỗ lực lãnh đạo phong trào phản kháng với mục tiêu đấu tranh nhằm chấm dứt các định kiến về chủng tộc tại Hoa Kỳ.

Suốt những năm tháng đấu tranh, Mục sư King thường xuyên viết và đi khắp nơi để diễn thuyết, dựa trên kinh nghiệm lâu dài của một nhà thuyết giáo. Ông là một động lực quan trọng và then chốt tạo nên những thay đổi lớn lao bộ mặt xã hội, chính trị của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên khi ông còn sống cũng như sau khi ông bị ám sát. Ngày 7 tháng 3 năm 1965, Mục sư King đã được Tổng thống Lyndon B.Johnson đón tiếp tại Toà Nhà trắng. Hai bên đã trao đổi quan điểm về nhu cầu xây dựng sự đoàn kết giữa các cộng đồng sắc tộc, trong đó sự quảng bá rộng rãi tinh thần bình đẳng giữa các dân tộc để làm giảm khoảng cách khác biệt.

Sau những vận động thành công tại các tiểu bang phía Nam, Mục sư King và các Tổ chức vận động dân quyền đã nỗ lực mở rộng phong trào lên các tiểu bang miền Bắc. Thành phố Chicago được coi là điểm hẹn đầu tiên. Tại đây, với sự kết hợp của tổ chức CCCO (Coordinating Council of Community Organizations) do Mục sư Albert Raby sáng lập, Mục sư King đã tổ chức nhiều cuộc diễu hành. Tuy nhiên, những cuộc diễu hành này đã gặp phải một số bạo động nhỏ, do vậy Mục sư King và các đồng sự đã quay trở về miền Nam và giao việc lãnh đạo lại cho Jesse Jackson, lúc đó đang là một sinh viên trường dòng phụ trách.

Trong thời gian tiến hành cuộc vận động dân quyền cho người Mỹ da đen, Mục sư King cũng bắt đầu bày tỏ quan điểm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 4-4-1967, tại nhà thờ Riverside, Mục sư King đã có bài nói chuyện phê phán mạnh mẽ vai trò của Mỹ tại Việt Nam. Ông cho rằng, cuộc chiến này đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho dân quyền và phá hoại các chương trình xã hội trong nước.

Từ năm 1968, Mục sư King cùng tổ chức SLCL mở rộng “Chiến dịch cho Dân nghèo”. Cuối tháng 3 năm 1968, Mục sư King đến Memphis, tiểu bang Tenessee để ủng hộ những công nhân da đen làm việc tại Sở vệ sinh công cộng đang biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện sống. Ngày 3 tháng 4 năm 1968, Mục sư King quay lại Memphis để nói chuyện trước đám đông. Chuyến bay bị trễ vì đe doạ bị đặt bom. Và trong phần cuối của bài nói chuyện hôm đó, Mục sư King đã nhắc đến vụ doạ đặt bom như một lời tiên tri về cái chết của mình. Vào lúc 18h01phút, ngày 4 tháng 4 năm 1968, tại ban công phòng 306 của khách sạn Lorraine-Memphis, tiểu bang Tenesse, Martin Luther King đã bị ám sát bởi một phát súng; 19h5 phút cùng ngày, Martin Luther King qua đời ở tuổi 39.

Tin Mục sư King bị ám sát đã gây ra một chấn động kinh hoàng trong dư luận Mỹ và thế giới. Năm ngày sau, ngày 9-4-1968, Tổng thống Johnson đã công bố ngày Quốc tang.

Cuộc đời và sự nghiệp của Martin Luther King không chỉ để lại cho nước Mỹ hai đạo luật Dân quyền và Quyền Bầu Cử cho người da đen mà còn để lại những bài học về đấu tranh bất bạo động.

- Ngày 2-11-1983, tại Vườn Hồng Toà Nhà trắng, Tổng thống Ronald Reagan ký Sắc lệnh Thiết lập ngày lễ Liên bang tôn vinh Martin Luther King. Ngày lễ Martin Luther King được cử hành lần đầu tiên ngày 20 tháng 1 năm 1986, vào ngày thứ Hai, tuần lễ thứ Ba, tháng Giêng hàng năm.

- Ngày 17-1-2000, lần đầu tiên Ngày lễ Martin Luther King được tổ chức trên toàn thể 50 tiểu bang của nước Mỹ.

- Năm 1998, Martin Luther King là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được lập đài tưởng niệm trong khu vực thuộc công viên quốc gia National Mall.

- Martin Luther King được Uỷ ban Do Thái Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Tự do Mỹ vì những đóng góp đặc biệt “cho sự thăng tiến các nguyên tắc tự do của con người”

- Martin Luther King được Tổng thống Jimmy Carter truy tặng Huân chương Tự do của Tổng thống.

- Đến năm 2006, có hơn 730 thành phố trên khắp nước Mỹ có đường phố mang tên Martin Luther King. Năm 1986, Quận King, tiểu bang Washington được đặt tên để vinh danh ông. Trung tâm hành chính thủ phủ Harrisburg của bang Pennsylvania là toà thị chính duy nhất của Hoa Kỳ mang tên ông.

- Ngày 22-8-2011, tại quảng trường quốc gia National Mall, quảng trường chính ở thủ đô Washington, Mỹ, đài tưởng niệm Martin Luther King lần đầu tiên được mở cửa để đón công chúng và du khách tới tham quan. Đây là đài tưởng niệm đầu tiên ở quảng trường National Mall dành cho một nhân vật không phải Tổng thống hay người da trắng và cũng không dành để tưởng niệm một cuộc chiến tranh.

- Ngày 28-8-2011, đài tưởng niệm chính thức được khánh thành nhân kỷ niệm 48 năm ngày diễn ra cuộc tuần hành tới Oasinhtơn và bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một ước mơ" (I have a Dream) của mục sư Kinh. Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự buổi lễ.

45 năm Martin Luther King qua đời: Thông điệp đấu tranh còn mãi

45 năm Martin Luther King qua đời: Thông điệp đấu tranh còn mãi

Ngày 4/4/1968, nhà hoạt động vì quyền dân sự Mỹ Martin Luther King, Jr đã bị một viên đạn ám sát giết chết tại Memphis. 45 năm đã trôi qua nhưng thông điệp mà King để lại vẫn còn nguyên chân giá trị.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm