Mario Goetze: Từ người hùng đến kẻ bị bỏ rơi?

20/08/2015 06:35 GMT+7 | Bayern Munich

(Thethaovanhoa.vn) - Vào sân từ phút thứ 65 thay cho Arjen Robben ở vị trí sở trường, nhưng rồi Mario Goetze vẫn bị đặt dấu hỏi khi gần như chẳng thể hiện được nhiều. Trong lúc đó, Douglas Costa đã chơi trọn 90 phút và là người hùng thực sự trong ngày ra mắt...

Mario Goetze đang là chủ đề gây tranh cãi bậc nhất trong giới quan tâm tới Bayern Munich. Bayern đang đối xử không tốt với Goetze? Hay Pep Guardiola mới là người đối xử không tốt? Hay phải chăng, việc Goetze không có một vai trò nhất định nào là do chính anh?

“Có Mario, sao còn mua Douglas?”

Đó là câu hỏi của cựu HLV lão làng Ottmar Hitzfeld, người từng dẫn dắt Bayern Munich 2 lần trong giai đoạn từ 1998 đến 2008. Ông Hitzfeld rất có lý: Những gì được kỳ vọng ở Douglas Costa thì quả thực Mario Goetze cũng có thể đáp ứng, trên lý thuyết.

Một cầu thủ đa năng có thể chơi dạt biên hoặc hộ công tùy theo sắp xếp? Một người có khả năng qua người tốt trong những tình huống bị kèm 1-chọi-1? Một người có khả năng tạo cơ hội cho các đồng đội? Dứt điểm ghi bàn? Tạo đột biến?

Tất cả những mô tả ấy đều có thể được thấy ở cả hai cái tên là Costa và Goetze. Thậm chí, Goetze có phần nổi trội hơn, nếu xét trên lý thuyết ấy. Anh chính là người đã ghi bàn quyết định tại Chung kết World Cup 2014, giúp Đức đăng quang trước mũi Argentina. Còn Costa thì vẫn là một “chân phụ” ở đội tuyển Brazil, lại chỉ có kinh nghiệm ở giải đấu làng nhàng Ukraine.

Thậm chí đã có những ý kiến cho rằng Guardiola nói riêng và ban lãnh đạo Bayern nói chung đang không bảo vệ cho “chất Đức” trong đội hình. Kể từ sự việc Toni Kroos quyết định đến Real Madrid, hay việc Xabi Alonso và Thiago Alcantara được ưu tiên ra sân, tất cả đều có vẻ gì đó ít có lợi cho những cầu thủ Đức, lại có lợi cho những người... cùng quốc tịch với Guardiola.

Thành sự tại nhân

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, lập luận về một sự bất công với những người Đức tại CLB đương kim vô địch Đức này đậm màu lý thuyết hơn là thực tế.

Ví dụ, chuyện Toni Kroos ra đi rõ ràng không liên quan đến việc đối xử nội bộ. Pep Guardiola thậm chí từng khen ngợi Kroos là một trong những tiền vệ hay nhất thế giới, trong khi đó Giám đốc thể thao Matthias Sammer cũng cho biết đã đề nghị một hợp đồng có sức nặng cho Kroos. Hóa ra, chàng tiền vệ 25 tuổi này muốn ra đi đơn giản bởi anh đã chinh phục mọi thứ cùng Bayern Munich, nên muốn tìm kiếm thử thách mới.

Hay như chuyện Xabi Alonso và Thiago Alcantara thường được “ưu tiên” đá chính nếu có thể, còn Goetze thì không. Hãy đặt dấu hỏi về hiệu quả thi đấu. Sự thực là Alonso và Thiago thường xuyên gây ra ấn tượng, thậm chí trường hợp của Alonso là có ảnh hưởng rất rõ ràng trong lối chơi chung của tập thể. Vậy còn Goetze thì sao? Anh rất phập phù, thỉnh thoảng “lên hương”, nhưng cũng nhiều thời điểm gây thất vọng.

Xem ra, Goetze cần tự xem lại bản thân. Lập luận rằng anh... chưa nhận được đủ niềm tin xem ra không thuyết phục. Bởi Goetze không phải Sebastian Rode, Gianluca Gaudino hay Pierre Hojbjerg. Cùng một độ tuổi như nhau, nhưng anh là một ngôi sao. Vị thế của Goetze lẽ ra phải khác với những cái tên ấy, thay vì cũng chỉ là một cầu thủ xoay vòng.

Không ai có thể phủ nhận được những tiềm năng mà Goetze từng thể hiện trong màu áo Borussia Dortmund và đội tuyển Đức. Nhưng để thành công ở cấp CLB, đặc biệt ở nơi mà áp lực thành tích lớn đến kỳ quặc như Bayern thì như vậy vẫn là chưa đủ.

Khi còn dẫn dắt Barcelona, Guardiola từng loại bỏ “thần đồng” Bojan Krkic chỉ vì anh này không có một nền tảng tâm lý tốt, không thể hiện được khả năng một cách đều đặn và ổn định. Goetze liệu có khác Bojan?

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm