29/02/2020 17:14 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Maria Sharapova đã từng tự hào khi nói về sự kiên trì của mình là vũ khí và tài năng lợi hại nhất cô sở hữu. Nhưng cuối cùng, ý chí mạnh mẽ đó cũng không thể giúp tay vợt người Nga cứu vãn sự nghiệp của mình khỏi những chấn thương liên tiếp. Cô chính thức nói lời từ giã sự nghiệp.
Dù vậy, Sharapova không muốn nhắc tới quyết định này như một sự bỏ cuộc. Đơn giản là cô giã từ sự nghiệp đã không còn phù hợp với cơ thể và sức khỏe của mình nữa. Masha không còn đủ khỏe, dẻo dai để thực hiện những bước chạy, cú đánh như thời đỉnh cao và cứ ngụp lặn mãi với hết chấn thương này đến chấn thương khác.
Từ bỏ chứ không bỏ cuộc
Những cơn đau đã trở thành người bạn đồng hành gần như liên tục trong hai năm qua đối với Sharapova, cựu số 1 thế giới, một trong những vận động viên thể thao giàu có và nổi tiếng nhất thế kỷ 21. Sau vụ bê bối bị đình chỉ vì sử dụng chất cấm năm 2016, Masha dù đã rất cố gắng nhưng không thể lấy lại được hình ảnh và phong độ vốn có của mình.
Cô đã bị đình chỉ vào năm 2016 vì sử dụng meldonium, một loại thuốc mới bị cấm được phát triển dành cho bệnh nhân tim mà Sharapova cho biết cô đã dùng trong nhiều năm vì thiếu magiê, chóng mặt và tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường. Cô đã nói rằng mình không biết meldonium gần đây đã được thêm vào danh sách các chất cấm của Cơ quan chống doping thế giới. Việc đình chỉ của cô cuối cùng đã được rút ngắn từ hai năm xuống còn 15 tháng.
Kể từ đó, cô đã phải đối phó với chấn thương gân tái phát ở vai phải, viêm ở cẳng tay. Những cơn đau khiến cô không thể cầm vợt, nhất là các cú trái tay. Nhưng Sharapova cũng không chùn bước vì thiếu kiên trì, mà hoàn toàn ngược lại. Cô tiếp tục chiến đấu với chúng đến tận giờ trước khi đưa ra quyết định giải nghệ.
“Như tất cả mọi người đều có thể thấy trong suốt sự nghiệp của mình, sự kiên trì là công cụ tuyệt vời nhất, sức mạnh lớn nhất của tôi. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu cảm thấy như nó đang trở thành một điểm yếu, bởi vì sự bướng bỉnh đang khiến tôi tiếp tục chiến đấu lại là vì những lý do sai lầm”, Sharapova trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Sharapova sẽ không tổ chức trận đấu chia tay. “Tôi không có nhu cầu bước ra sân đấu để cả thế giới phải biết tôi đang giã từ. Ngay cả khi còn trẻ hơn, tôi cũng không bao giờ muốn kết thúc như vậy”, Sharapova chia sẻ.
Sharapova cho biết cô biết cô đi đến quyết định giã từ trong khi bay từ Los Angeles tới Úc. Và cái chết của huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant khiến mọi chuyện càng trở nên rõ ràng hơn. “Chúng tôi đã định gặp nhau ba ngày sau vụ tai nạn. Đó thực sự là sự kiện khiến tôi mở mắt, là điều gì thực sự đáng quý nhất trong cuộc sống này. Tôi cần phải nhìn vào một tương lai khác của mình”, Sharapova bộc bạch. Ở thời điểm này, Sharapova cho biết cô đã phải cần đến sự giúp đỡ y tế để đối phó với sự suy yếu về thể chất của mình.
Sự nghiệp vẹn toàn
Sharapova là một trong những tay vợt đáng nhớ nhất lịch sử quần vợt, không chỉ vì tài năng sớm nở ở tuổi 17 khi lên ngôi vô địch Grand Slam tại Wimbledon, mà còn vì sắc đẹp nổi tiếng của mình. Nếu không phải vì thảm họa hạt nhân xưa kia, chưa chắc bé gái Sharapova thuở đó đã đi theo con đường quần vợt.
Cha mẹ của cô, Yuri và Yelena, đang sống ở Gomel (Belarus ngày nay) vào tháng 4 năm 1986 khi lò phản ứng phát nổ ở Chernobyl gần đó. Cuối cùng họ phải chạy đến Nyagan ở Siberia xa xôi để sống gần gia đình. Sharapova được sinh ra ở đó vào tháng 4 năm 1987, nhưng Yuri đã sớm chuyển cả gia đình đến Sunnier ở Biển Đen, nơi ông phát hiện ra quần vợt và truyền lại cho đứa con duy nhất của mình.
Năm 1993, khi Masha lên 6 và nước Nga hậu Xô Viết rơi vào tình trạng hỗn loạn, cô và cha cô chuyển đến Florida với ít hơn 1.000 đô la trong túi. Martina Navratilova đã nhận thấy tiềm năng của Maria Sharapova tại một phòng khám ở Moskva và khuyên cô nên đào tạo ở nước ngoài. Nhìn lại thì đó rõ là một canh bạc. Sharapova sau đó đã bị tách khỏi mẹ hơn 2 năm vì những hạn chế về thị thực ở Mỹ. Nhưng cuối cùng, cô gái Nga đó đã chứng minh sự xuất sắc, tài năng kinh ngạc của mình tại học viện IMG ở Bradenton.
Sharapova trở thành ngôi sao toàn cầu vào năm 2004 khi giành chiến thắng tại Wimbledon năm 17 tuổi sau khi giành chiến thắng Serena Williams – hạt giống số 1 lúc đó. Cả thảy, cô đã giành được 5 danh hiệu Grand Slam đơn nữ, bao gồm US Open 2006, Australian Open 2008, Roland Garros 2012 và 2014. Ngoài ra, cô đạt được 36 danh hiệu lớn nhỏ khác nhau, 1 HCB Olympic năm 2012 và 1 chức vô địch Fed Cup với đội tuyển Nga năm 2008. Lần đầu tiên cô leo lên vị trí số 1 thế giới là tháng 8 năm 2005 và giữ vững ngôi vị đó trong 21 tuần.
Ngoài sân đấu, Sharapova cũng là gương mặt quảng cáo đắt giá, là nữ vận động viên thể thao được trả cao nhất thế giới trong 11 năm liên tiếp. Phần lớn thu nhập quảng cáo của Masha là từ hai ông lớn Nike và Evian. Sharapova cũng thành lập công ty bánh kẹo riêng và thu nhập chạm ngưỡng 30 triệu đô la năm 2015 từ nó.
Maria Yuryevna Sharapova Sinh ngày 19/04/1987 Chiều cao 1m88 Thuận tay phải (trái tay 2 tay) Thi đấu chuyên nghiệp từ 19/4/2001 Giải nghệ: 26/2/2020 Thành tích trong sự nghiệp: 645 thắng – 171 thua Danh hiệu trong sự nghiệp: 36 WTA (5 Grand Slam), 4 ITF Danh hiệu Grand Slam: 5 (Australian Open 2008, Roland Garros 2012, 2014, Wimbledon 2004, US Open 2006) Số tiền thưởng trong sự nghiệp: 38.703.609 Thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp: 1 |
Yến Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất