Kỷ nguyên Maradona khởi đầu bằng một chiến thắng: Tích cực

21/11/2008 12:16 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Chỉ mất 7 phút 43 giây, Argentina đã có được bàn thắng đầu tiên trong kỷ nguyên Maradona. Chiến thắng Scotland trong một trận giao hữu chưa thể nói lên nhiều điều. Nhưng ít nhất, nó đã tạo ra nền tảng niềm tin, thứ mà họ đã đánh mất dưới thời Basile.

Cảm xúc của “Cậu bé vàng”

Nếu ai từng ít nhất 1 lần nhìn thấy Maradona cuồng nhiệt thế nào trên khán đài với tư cách một khán giả thì hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi chứng kiến vẻ trầm tư của anh trên băng ghế huấn luyện. Trong suốt cả hiệp 1, Maradona gần như không rời khỏi khu kỹ thuật.

Sau trận đấu, Maradona nói rằng sở dĩ anh trầm ngâm như vậy là vì lo lắng cho cô con gái Gianina phải nhập viện ngay trước khi trận đấu diễn ra, do có biến chứng về thai sản (cũng vì lý do này nên Aguero đã không thể ra sân). Tuy vậy, Cậu bé vàng cần phải hiểu rằng, một HLV chuyên nghiệp thì không được để cảm xúc riêng tư chen lẫn vào công việc, nhất là khi đây lại là trận đấu ra mắt.

Nhưng sang hiệp hai, Cậu bé vàng đã trở lại là chính mình. Anh không giấu nổi vẻ giận dữ khi Tevez để mất bóng dễ dàng, hay gào lên giục Lucho phải chuyền bóng cho Maxi. Đó mới là phong cách mà người ta muốn thấy ở Diego, để có thể truyền lửa cho các học trò.
 
Kỷ nguyên Maradona khởi đầu bằng một chiến thắng

Có thế, về kỹ năng huấn luyện, Maradona kém xa những người tiền nhiệm, từ Bielsa, Basile, Passarella hay Pekerman. Song tất cả những nhân vật đó đều đã không thể đem lại cho Albiceleste một danh hiệu ở cấp ĐTQG dù xét ở chừng mực nào đó, họ đã làm khá tốt công việc của mình. Điều quan trọng nhất là họ đã không thể thổi một luồng sinh khí thật sự sống động vào đội bóng. Đó có thể là một trong những lý do khiến Argentina luôn thất bại trước Brazil trong những năm qua.

Nhưng Maradona đã chứng minh, anh là người có khả năng ấy. Điểm khác biệt lớn nhất của Argentina trong trận gặp Scotland so với những trận đấu cuối dưới triều đại của Basile chính là ở yếu tố tinh thần. Họ chơi không thật sự hay, điều bình thường khi mà Maradona mới bắt tay vào việc được vài ngày. Song rõ ràng, sức nóng đã bắt đầu lan tỏa. Và các CĐV Argentina đã có lý do để mà hy vọng vào một chân trời mới.
 

Bài toán số 10

Bielsa, Basile, Passarella hay Pekerman đều ra mắt bằng sơ đồ 4-3-1-2. Nhưng Maradona lại bắt đầu bằng 4-4-2 cổ điển.

Tuy vậy, không hẳn Cậu bé vàng muốn đem lại một điều gì đó khác lạ xét trên quan điểm chiến thuật so với những người tiền nhiệm. Thực tế, sơ đồ 4-2-3-1 đã định hình với ĐT Argentina suốt từ hơn một thập kỷ qua, và dù họ không giành được danh hiệu nào, song nó đã được chứng minh là phù hợp nhất đối với họ (ở TVH Bắc Kinh 2008, đội Olympic của Batista cũng đã thành công với sơ đồ này). Thế nên, lý do chủ yếu khiến Maradona quyết định không sử dụng sơ đồ trên là vì Riquelme đã không có mặt trong trận đấu ở Hampden Park.

Không có Riquelme, Maradona đã mạnh dạn sử dụng Mascherano đá cặp với Gago ở tuyên giữa, dù theo định danh của bóng đá Argentina thì cả hai đều là những “số 5” điển hình (chơi phía trước cặp trung vệ, có lúc dâng cao như libero). Dĩ nhiên, Cậu bé vàng cũng có điều chỉnh đôi chút khi cho phép Gago được dâng cao hơn. Lúc đó, hàng tiền vệ của Argentina gần như được chuyển đổi thành hình viên kim cương. Chính quyết định này đã “giải phóng” sức sáng tạo của Gago. Tiền vệ đang chơi cho Real Madrid được đánh giá là cầu thủ chơi hay nhất trận khi đảm nhiệm tốt vai trò cầu nối giữa các tuyến. Cũng chính anh là người phát động pha bóng đem lại bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Nhưng từ đây lại nảy sinh ra một vấn đề lớn: Liệu khi số 10 đích thực Riquelme, rồi cả Messi, cũng đang có xu hướng chơi như một số 10, trở lại, Maradona sẽ tính sao. Khi ấy, Gago hẳn nhiên sẽ không được phép chơi tự do như bây giờ, nếu không, sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng dẫm chân nhau ở hàng tiền vệ.

Tuy nhiên, nếu như Maradona đã từng biến chiếc áo số 10 trở thành một huyền thoại thì hẳn anh cũng sẽ biết biết làm thế nào để giải quyết bài toán khó ấy, bài toán mà rất nhiều HLV lừng danh đã không tìm thấy lời giải trong suốt nhiều năm qua. Do đó, trận đấu với Scotland mới chỉ là khúc dạo đầu mà thôi. Phần chính của bản giao hưởng do Mardona biên soạn sẽ được bắt đầu từ trận giao hữu với Pháp vào tháng 2/2009, và sau đấy là trận vòng loại gặp Venezuela vào tháng 3. Lúc ấy, thử thách mới thực sự bắt đầu.
 
Thùy Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm