(TT&VH Online) - Với việc trụ vững lâu như vậy trên chiếc ghế Chủ tịch FIFA, chắc chắn Sepp Blatter là một chính trị gia khôn ngoan. Thế nhưng cũng rất rõ ràng rằng ông là một kẻ ăn nói hớ hênh đến ngạc nhiên.
Người ta không lạ gì những phát ngôn gây sốc của Blatter, được mệnh danh là người một ngày nghĩ ra 50 sáng kiến song…51 là vô dụng. Tuy nhiên, khi Blatter ví von Ronaldo bị M.U đối xử như “nô lệ thời hiện đại” thì quả thật, không hiểu người đứng đầu bóng đá thế giới này nghĩ gì trong đầu.
Với tất cả mọi người, so sánh một thanh niên 23 tuổi hưởng lương tới 120.000 bảng/tuần chỉ để chơi bóng với một nô lệ thực sự là một sự xúc phạm. Ngay cả UEFA cũng phải xen vào khi Giám đốc truyền thông William Gaillard “kê tủ đứng” vào miệng sếp: “Cần phải nhắc mọi người rằng nô lệ ở thời nào cũng không bao giờ được nhận lương”. Mà đây còn là mức lương hậu hĩnh cho cầu thủ, thứ lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát như thừa nhận của Gaillard.
Blatter dường như bị nhầm lẫn không chỉ trong khái niệm nô lệ mà với cả điều mà ông ta thực sự muốn. Ông gửi thông điệp nhân vụ Ronaldo: “Tôi luôn bảo vệ cầu thủ và nếu cầu thủ muốn ra đi, hãy để anh ta đi”. Thế nhưng nó hoàn toàn mâu thuẫn với chính những gì mà Blatter tuyên bố hồi đầu năm rằng việc các cầu thủ không tuân thủ điều khoản hợp đồng sẽ hủy hoại bóng đá.
Sau vụ Tòa án trọng tài thể thao (CAS) phán quyết thuận lợi cho trường hợp trung vệ Scotland Andy Webster (vận dụng điều 17 trong luật chuyển nhượng FIFA để tự giải phóng khỏi hợp đồng với Hearts và chuyển sang Wigan thi đấu), Blatter đã bực bội nói: “Vì phán quyết không may này, nguyên tắc về sự ổn định của hợp đồng, cái duy trì trật tự cho hệ thống chuyển nhượng, đã trở nên kém quan trọng hơn những lợi ích trước mắt của cầu thủ”.
Nghịch lý về sự công bằng
Vậy tóm lại, Blatter muốn gì? Ông kêu gọi M.U trả tự do cho Ronaldo, người vừa mới ký hợp đồng 5 năm với M.U hồi năm ngoái. Ở vị trí người đứng đầu FIFA, có thể hiểu rằng FIFA đang muốn áp đặt loại hợp đồng một chiều, dĩ nhiên là chiều nghiêng về các cầu thủ. Họ thích làm gì thì làm, không cần đợi đủ thời hạn 3 năm như điều 17 mà đi luôn như trường hợp Ronaldo.
Có thể tiến tới Blatter sẽ yêu cầu hủy bỏ thị trường chuyển nhượng vì nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Có thể tiến tới ông thúc giục các cầu thủ thoải mái ra đi khi nào muốn, kể cả khi CLB sở hữu không đồng ý với mức giá đưa ra. Tóm lại, thế giới bóng đá sẽ hỗn loạn. Các CLB không còn khái niệm về sở hữu cầu thủ nữa và điều này chỉ có lợi cho những “đại gia” lắm tiền nhiều của, trả lương hậu hĩnh như kiểu Chelsea.
Rồi viễn cảnh tệ hại nào nữa? Mọi người đang thắc mắc liệu Blatter có mở rộng quyền tự do cầu thủ từ cấp CLB lên cấp ĐTQG. Tại sao một cầu thủ lại không thể chuyển đội tuyển khi anh ta muốn như thế nhỉ? Lấy ví dụ Emmanuel Adebayor có được passport Vương quốc Anh sau một thời gian sinh sống ở đây. Liệu anh ta có thể chuyển từ ĐT Togo sang “Tam sư” nếu khao khát điều đó không? Nếu vậy, không hiểu World Cup của Blatter sẽ biến thành gì? Có lẽ một Qatar nhỏ bé nhưng giàu có sẽ vô địch dài dài với dàn sao nhập khẩu!
Hẳn ông Blatter cũng không thích điều đó xảy ra. Thế nên hãy hiểu những tuyên bố mới đây của vị chủ tịch này thuần túy là nói vung mạng không suy nghĩ. Thực ra, cũng có khái niệm nô lệ bóng đá nhưng là chỉ những cầu thủ chỉ được nhận lương bèo bọt từ CLB.
Trong thập kỷ 70 và 80, nhiều đội bóng châu Âu (nhất là ở Bỉ) bắt đầu lôi kéo các tài năng trẻ châu Phi bằng những hợp đồng dài hạn nghe thì “hoành tráng” song thực tế lại chẳng khác một cái bẫy. Lấy ví dụ đối với một thanh niên Ghana, mức lương 200 USD/tháng là quá ổn. Nhưng điều tệ nhất là các cầu thủ này không có khái niệm về chi phí cuộc sống đắt đỏ ở châu Âu. Thế nên họ rơi vào bi kịch đi tìm thiên đường nhưng lại thấy địa ngục, sống một cuộc sống đói nghèo nơi đất khách quê người.
Nếu họ không tiến bộ, các CLB sẽ không bao giờ thay đổi hợp đồng bèo bọt ban đầu. Dĩ nhiên, thời đó chẳng có khái niệm cầu thủ kiện CLB như Bosman 13 năm trước hay Webster hồi năm ngoái, những vụ kiện làm thay đổi cán cân quyền lực giữa cầu thủ và CLB.
Thời nay, những trường hợp nô lệ kiểu đó vẫn còn. Nhiều thiếu niên có tài năng bóng đá ở các nước nghèo bị “buôn lậu” khắp thế giới. Rồi sau đó xuất hiện những nhà bảo trợ dang tay cứu giúp nhưng đổi lại là một phần quyền sở hữu cầu thủ. Đây chính là vấn đề “quyền sở hữu của bên thứ ba” đã từng làm Premier League đau đầu với vụ Carlos Tevez.
Đó mới là các trường hợp mà Blatter nên quan tâm hơn là giải cứu một trong những cầu thủ được chiều chuộng nhất thế giới như Ronaldo. Đây chính là nghịch lý về sự công bằng, một bất cập ngày càng rõ trong bóng đá hiện đại. FIFA muốn các cầu thủ được đối xử bình đẳng hơn trong quan hệ với CLB. Thế nhưng trong khi những “nô lệ” thực sự không được quan tâm đúng mức thì những “nô lệ triệu phú” như Ronaldo, Gareth Barry hay Adebayor đang tận dụng cơ hội chạy nháo nhào dưới cơn mưa tiền…
Top 10 “tối kiến” của Blatter:
1.Tại sao chỉ có 2 hiệp trong khi có thể tách thành 4 hiệp như bóng rổ nhỉ? Kế hoạch của Blatter nhằm làm bóng đá trở nên phổ biến ở Mỹ này chìm nghỉm nhanh chóng.
2.Các nữ cầu thủ nên mặc quần bó hơn để trận đấu thêm phần “sexy”.
3.Lại là chuyện chị em. Blatter nhận xét rằng tình ái đồng giới ngày càng phổ biến trong bóng đá nữ.
4.Các trận đấu ngày càng buồn tẻ. Chúng ta cần nhiều bàn thắng hơn. Làm thế nào nhỉ? Mở rộng khung thành thôi, cao thêm 25cm và rộng thêm 50cm (thật tội nghiệp cho các thủ môn)
5.“Tôi nghĩ ngày nay bóng đá quá thừa mứa trên truyền hình”. Không hiểu khi nói như vậy, Blatter có tình cờ quên rằng chính truyền hình là nguồn thu chính và béo bở của FIFA.
6.Nửa năm trước, Blatter dọa cấm ĐT Tây Ban Nha thi đấu quốc tế khi chính phủ nước này yêu cầu liên đoàn phải dân chủ hơn. Nếu điều đó xảy ra, không hiểu đội nào vô địch EURO 2008 vừa qua.
7.Tại sao chỉ có 1 trọng tài trong khi có thể sử dụng 2 người ở hai phần sân nhỉ? Có lẽ, tranh cãi sẽ nhiều gấp đôi!
8.Blatter bị cả Italia ghét sau tuyên bố rằng Azzurri đã “gian dối” trong VCK World Cup 2006, giải đấu mà họ đăng quang.
9.Trong một chuyến thăm Ấn Độ nhằm tuyên truyền cho bóng đá ở đất nước đam mê cricket này, Blatter đã tuyên bố lãng xẹt: “Nếu người thân của bạn xin một con cá, hãy đừng cho mà dạy anh ta cách bắt”. Chẳng ai hiểu!
10.Nếu muốn thêm ví dụ, hãy tra tìm cụm từ khóa “Blatter” và “điên rồ” trên Google, bạn sẽ có hơn 100.000 kết quả!
|
Vũ Anh