22/08/2012 09:33 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Những nghệ sĩ từng, những cộng tác viên thân thuộc của Thể thao & Văn hóa đã chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm chân thành của họ dành cho tờ báo thân thiết.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cảm ơn TT&VH vì những thông tin về điện ảnh
"30 năm qua, chưa bao giờ trong gia đình tôi lại thiếu vắng sự xuất hiện của TT&VH mỗi ngày. Vợ chồng tôi đã trở thành hai người bạn của TT&VH ngần ấy năm. Đó là một sự yêu mến rất lớn bởi cảm thấy không thể thiếu TT&VH. Ngay cả khi gia đình đặt nhiều báo thì TT&VH luôn là tờ báo hàng đầu trong số các tờ báo được gia đình tôi yêu thích, đọc đầu tiên.
Văn hóa và thể thao là hai lĩnh vực đi vào đời sống vì thể thao thì đến phụ nữ cũng thích và quan tâm. Còn mảng văn hóa của TT&VH thường xuyên có những bài báo rất chất lượng, đi vào lòng người đọc. Nhân đây tôi cũng cảm ơn TT&VH ở mảng điện ảnh đã luôn cập nhật thường xuyên, khai thác những vấn đề nóng của điện ảnh, những bộ phim hay, hay chân dung những nghệ sĩ luôn hết lòng cho ngành của mình.
TT&VH là một trong những tờ báo cập nhật ngay lập tức, nóng hổi và đồng hành cùng điện ảnh chúng tôi rất nhiều. Nếu chúng tôi làm việc mà không có TT&VH đưa tin, bài, hình ảnh thì bạn đọc cũng không thể biết được chúng tôi làm gì. Đó là công rất lớn của TT&VH khi trở thành cầu nối giữa độc giả và những người làm nghề như chúng tôi".
NSND Thanh Hoa: Nhà báo vừa là nghệ sĩ
"Tôi thấy TT&VH thực sự đúng tầm với tên gọi khi luôn đem đến những tin tức nóng hổi, những điều cần thiết về thể thao cũng như văn hóa cho độc giả. Là một độc giả rất thích tờ báo này nhưng đôi khi tôi đi mua báo toàn bị hết, cứ chậm một chút là không còn. Đó cũng là điều mừng của TT&VH. Nhà báo hiện nay cũng rất giống nghệ sĩ. Giống ở sự nhạy bén, luôn cập nhật những gì đang xảy ra xung quanh trong xã hội và không chỉ tìm cho ra những sản phẩm giải trí, sinh động mà còn hướng tới yếu tố thẩm mỹ cho công chúng.
NSND Thanh Hoa
Lịch sử của chúng ta sau nhiều năm chiến tranh nên phải phục hồi về kinh tế nhiều hơn văn hóa, văn hóa đôi khi phải đứng sau và đó cũng là gánh nặng trên vai của những người làm báo, nhất là phải chuyển tải những cái hay, cái đẹp của văn hóa đồng thời lên án chỉ ra những cái sai để khán giả thấy. Đó cũng là cách để hướng đến cái đẹp trong công việc của nghề báo. Trước đây những nghệ sĩ như chúng tôi vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ. Còn bây giờ, các bạn nhà báo cũng vừa là nhà báo, vừa là nghệ sĩ, các bạn cũng cần có những rung động tâm hồn thì mới chia sẻ được thẩm mỹ đích thực cho bạn đọc. Cũng có lúc trở thành “công cụ” của truyền thông nhưng dù sao, các nghệ sĩ bao giờ cũng được ưu ái nên dù được khen, chê, ghét thì vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà báo.
Tôi nghĩ rằng, để tỏ lòng yêu mến với các nghệ sĩ trên sân khấu chắc luôn dễ hơn như đối với các nhà báo. Nhà báo cũng làm việc hết sức vất vả nhưng với độc giả, nếu gặp một bài báo hay thì họ cũng chỉ có thể khen bài báo này hay ngay khi đọc chứ cũng không thể chạy đến gặp các nhà báo để vỗ tay được".
Tác giả Tân Linh, giải C cuộc thi Bạn đọc với 30 năm TT&VH: Một tờ báo giải trí lành mạnh
Tôi vừa xúc động, vừa tự hào khi nhận được giải C cuộc thi Bạn đọc với 30 năm TT&VH. Quan trọng hơn, vì đất nước có một tờ báo giải trí mang một sắc thái sang trọng, lành mạnh và như một món ăn tinh thần "bổ dưỡng" cho độc giả. Và vì đơn giản, nó là Thể thao & Văn hóa.
“Đó là nghệ thuật măng- sét từ xa xưa tới giờ của ban biên tập. Cuộc đời ngoài cái lo ăn lo làm, chỉ còn thú giải trí là thể thao và văn hóa. Báo TT&VH đề cập được hai vấn đề ấy. Và tôi tự hào khi đất nước mình có một tờ báo như vậy.
|
Hồi ở Buôn Mê Thuột, tôi làm ở Ban Tuyên huấn, cũng trồng cà phê, làm rẫy, đi săn với Y Moan… Nói chung, cũng làm nhiều việc nhưng đam mê của tôi vẫn là thể thao. Y Moan có cái rẫy cách chỗ tôi 20 cây số. Anh em cùng lên đấy nuôi gà, nuôi heo… Y Moan thì đam mê nghệ thuật. Nên anh ấy rất chú ý mảng văn hóa. Và cũng như tôi, Y Moan cũng ghiền TT&VH. Và kỷ niệm sâu sắc nhất của chúng tôi là khi hai anh em cùng chia sẻ nhau và đọc chung một tờ TT&VH. Ngày xưa, hồi báo còn khổ bé, mỗi lần đến nhà Y Moan, tôi đều mang theo một số TT&VH để hai anh em cùng ghiền ngẫm.
Về giải thưởng, khi hay tin mình được giải, tôi rất bất ngờ. Vì tôi chỉ viết cảm tưởng bình thường. Bài viết cũng rất ngắn và đơn giản. Bởi theo tôi, cảm xúc bao giờ cũng ngắn nhưng chứa đựng được rất nhiều. Ví dụ như mình khẳng định việc chọn măng- sét cũng là một nghệ thuật. Thứ hai, đây là một tờ báo sang trọng, và là tờ báo giải trí đầu tiên trong quá khứ và đứng đầu trong thời buổi hiện tại. Đặc biệt, tờ báo làm nhiều về lĩnh vực giải trí mà không rẻ tiền. Ngược lại, báo TT&VH rất lành mạnh và lịch lãm.
Khi báo phát động cuộc thi Bạn đọc với 30 năm TT&VH, tôi nghĩ, mình yêu tờ báo mà không viết cái gì đó thì thật ân hận quá. Ngẫm ngợi một chút, rồi viết một mạch. Và sản phẩm là bài viết Đơn giản là…Thể thao & Văn hóa vừa được giải, tôi chỉ thực hiện trong 10 phút. Vì viết vậy nên tôi đã nói được hết lòng mình. Đó hoàn toàn là cảm xúc rất chân thành và tươi rói.
Để nói ngắn gọn về một tờ báo đã 30 năm tuổi thật khó nhưng phải nói rằng, trải qua nhiều đời lãnh đạo cũng như nhiều biến đổi xã hội song TT&VH vẫn đều đặn giữ được bản sắc suốt 30 năm qua. Và đấy là điều tuyệt vời nhất!”
Phạm Mỹ (ghi)
* Dịch giả Anh Vũ: Truyện cười "bậy" lại là hay Với mục Truyện cười bốn phương từ năm 1997, dịch giả Anh Vũ đã có hơn 15 năm gắn bó với báo TT&VH. Rất nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn, bày tỏ sự yêu thích đối với “đặc sản” này của TT&VH. Trong bàn nhậu từ vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, truyện cười "made in Anh Vũ" được dùng như "món mồi" ngon... Và không ít cuộc tranh luận nổ ra, khi bàn đến tục hay không tục trong truyện cười Anh Vũ. "Truyện cười luôn mấp mé giữa "bậy" và có vẻ như "bậy"..." - dịch giả Anh Vũ tủm tỉm cười - "Rất khó để lựa chọn dịch sao có thể chấp nhận được. Ấy thế nhưng những truyện "bầy bậy" lại là… hay nhất”. Dịch giả Anh Vũ tên thật là Vũ Đình Bình, từng công tác tại NXB Hội Nhà văn. Năm 1997, theo lời đề nghị của TBT báo TT&VH – nhà báo Hữu Vinh – về việc thử làm những truyện cười thư giãn, dịch giả Anh Vũ quyết định thử sức mình trên địa hạt mới mẻ này. Ban đầu mục Truyện cười bốn phương do vài người thay nhau làm, sau thời gian ngắn, một mình dịch giả Anh Vũ đảm trách. Áp lực nhất là thuở làm 3 kỳ/tuần. Không bao giờ lấy truyện cười đã có sẵn, được dịch ra tiếng Việt, từ ba ngoại ngữ mà ông am hiểu: Anh, Pháp, Nga, dịch giả Anh Vũ cập nhật liên tục những truyện cười mới nhất vừa xuất hiện trên các sách hay tạp chí thế giới. Có thời gian sang Pháp, dịch giả Anh Vũ tranh thủ đi mua sách in truyện cười. Khác với vẻ hóm hỉnh, vui tươi, lắm khi dễ dãi qua các câu truyện cười, dịch giả Anh Vũ là một người chỉn chu, điềm đạm, nhỏ nhẹ, có vẻ không ưa lắm nơi ồn ào, làm việc như một viên chức mẫn cán và chắc chắn luôn đúng hẹn. Nhiều khi đến tòa soạn, không thấy tôi, dịch giả lặng lẽ để lên bàn làm việc chùm truyện cười photo từ bản viết tay, chữ gọn gàng, sạch sẽ, đánh số thứ tự từng truyện rất cẩn thận. Nhiều khi báo ra số đặc biệt, dịch giả cũng chu đáo chuẩn bị trước, chưa cần BTV cậy nhờ. "Nhờ từ khi giữ mục “Truyện cười bốn phương”, tôi thấy vui hơn". Dịch giả Anh Vũ tâm sự. "Đọc nhiều truyện cười, tôi được dạy rất nhiều, nhất là hiểu ra cuộc đời này có rất lắm loại người, nhờ thế, lòng tôi rộng mở hơn, nhìn cuộc đời nhẹ nhàng hẳn. Và thấu hiểu, cuộc đời này có những niềm vui mà mình không cần cứ phải đào sâu, nghiêm túc quá!". An Vũ |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất