Báo ảnh Việt Nam: 55 năm khắc họa chân dung đất nước

15/10/2009 07:09 GMT+7 | Thế giới

Phạm Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập phụ trách BAVN

Kể từ ngày ra mắt bạn đọc số đầu tiên ngày 15/10/1954, chỉ 5 ngày sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Báo ảnh Việt Nam (BAVN) với tên gọi ban đầu là "Hình ảnh Việt Nam" đến nay đã xuất bản trên 600 số báo với gần 40 triệu bản gửi tới bạn bè 5 châu. Có người ví, suốt hành trình phát triển vừa qua, BAVN như một cuốn biên niên sử bằng ảnh khắc họa chân thực và sinh động chân dung đất nước. Đây là những tư liệu vô giá cho các thế hệ mai sau tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam với tất cả các khía cạnh của cuộc sống.

55 năm trước, khi những người làm số BAVN đầu tiên chọn hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ bế trên tay một em bé do nhà nhiếp ảnh quân đội Bùi Duy Ly thực hiện làm bìa 1 đã gây xúc động cho hàng vạn độc giả trên khắp năm châu. Đó chính là khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc của một dân tộc luôn phải trải qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc. Lần giở lại các số báo của 55 năm qua, đất nước Việt Nam như một thước phim quay chậm khiến nhiều người xúc động khi nhìn thấy biết bao thử thách khốc liệt mà dân tộc ta đã phải trải qua để có được cuộc sống thanh bình ngày hôm nay. Ở Việt Nam, có lẽ chỉ ở BAVN mới lưu giữ đầy đủ và sinh động đến thế hình ảnh của chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc chuẩn bị cho đến khi hoàn toàn thắng lợi, làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu. Đó là những hình ảnh mà bạn đọc có thể tìm thấy ở ngay số 1 và 2 của BAVN.

Bìa BAVN số 1 (tháng 10/1954)


Hơn nửa thế kỷ qua, lớp lớp phóng viên BAVN luôn đồng hành cùng đất nước, ghi lại hình ảnh của một dân tộc kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cần cù trong lao động xây dựng đất nước, giàu lòng nhân ái và có truyền thống lâu đời, một dân tộc yêu hòa bình và mong muốn là bạn của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, dân tộc Việt Nam lại phải trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước khốc liệt hơn. Hình ảnh của cuộc chiến đấu ngoài tiền tuyến và hình ảnh lao động xây dựng XHCN ở hậu phương được đăng tải đầy đủ trên các trang báo. Nhiều phóng viên cũng đã tay máy, tay súng ra mặt trận và có người  đã anh dũng hy sinh, nhưng những bức ảnh các anh để lại thật vô giá. Thời kỳ đó, những hình ảnh chân thực trên BAVN đã giúp thế giới thấy được sự ác liệt của chiến tranh, sự ngoan cường hy sinh chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh gây xúc động lòng người trên BAVN góp phần dấy lên phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, phóng viên BAVN có cơ hội nhiều hơn để giới thiệu với bạn đọc các nước trên thế giới hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, với truyền thống văn hóa lâu đời, một đất nước có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng.

Hiện nay BAVN in bằng 5 ngữ: Việt, Anh, Hoa, Tây Ban Nha, Lào, phát hành tới 55 nước. Hàng ngày bạn đọc của trên 100 quốc gia truy cập vào báo điện tử BAVN phát trên mạng Internet với 7 ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Hoa, Nhật. BAVN đã lập được nhiều kỷ lục, thành tích mà nhiều tờ báo mong muốn: Báo nhiều ngữ nhất Việt Nam; Báo được in và phát hành ở nhiều nước nhất; 1 trong 2 tờ báo của Việt Nam có mặt tại thư viện lớn nhất của LHQ và Trung tâm Dữ kiện và Tư liệu của LHQ tại New York - Mỹ.

Các trang báo đã đưa bạn đọc đi khắp chiều dài đất nước, từ vùng rừng núi hùng vĩ phía Bắc, những bãi biển đẹp tuyệt vời ở miền Trung đến các kênh rạch ở ĐBSCL; đến với các địa danh nay đã thành di sản của thế giới: vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn…

Không chỉ có văn hóa, BAVN còn cho bạn đọc thấy một Việt Nam năng động và đầy tiềm năng trong phát triển kinh tế. Qua những hình ảnh đầy sống động trên BAVN, bạn đọc có thể thấy được Việt Nam đang đổi mới và phát triển, đang làm nên những điều kỳ diệu, vượt lên mọi thách thức để đưa đất nước từ lúc phải nhập khẩu gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Rồi cà phê, hồ tiêu, thủy – hải sản… cũng là những thế mạnh rất lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam. Các ngành công nghiệp dầu khí, khai thác than, đóng tàu biển, hàng không… được giới thiệu trên BAVN đã cho thế giới thấy một hình ảnh Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầy tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Những hình ảnh các Hội nghị quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như APEC, ASEM, ASEAN…, những chuyến thăm hữu nghị các nước của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và của các đoàn quốc tế đến Việt Nam… cũng cho thấy vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, một Việt Nam với chính sách ngoại giao rộng mở, đa diện hóa, đa phương hóa muốn là bạn với tất cả các nước và đang tích cực hội nhập với thế giới.

Và nổi bật hơn cả là chân dung con người Việt Nam, những con người làm nên kỳ tích cả trong chiến tranh và trong hòa bình, trong kinh tế và trong văn hóa. Bạn đọc có thể gặp gỡ trên trang báo từ những nhân vật lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến những nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sĩ, các doanh nhân, VĐV thể thao, những người nông dân bình dị và cả chân dung những người Việt ở muôn phương tuy xa Tổ quốc, nhưng vẫn đầy tâm huyết đóng góp cho quê hương, những người nước ngoài với tấm lòng hướng về Việt Nam không chỉ tình cảm mà cả sự giúp đỡ quý báu.

Với vai trò người chép sử đất nước bằng ống kính, các thế hệ phóng viên BAVN vẫn hàng ngày có mặt trên khắp mọi nẻo đường để tiếp tục khắc họa chân dung đất nước. Kỷ niệm 55 năm lần này, BAVN vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Đó là niềm vui rất lớn cho các thế hệ làm BAVN và cũng là đòi hỏi lớn hơn cho những thành viên BAVN trên hành trình khắc họa chân dung đất nước.

Một số  bức ảnh do phóng viên BAVN thực hiện, đã đăng BAVN.

Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam (năm 1969). Ảnh: Hữu Minh.


Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và V.Gorbatco (7/1980). Ảnh: Phạm Tiến Dũng.


Cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ảnh: Triệu Đại.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm