Man United vẫn gặt hái thành công trên thương trường: Thành công nhờ 'câu cá nhỏ'

22/08/2014 10:19 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Đoàn quân của HLV Louis van Gaal đã mở màn Premier League mùa giải 2014-15 bằng một thất bại. Nhưng ít ra, họ vẫn nhận được sự an ủi từ tình hình kinh doanh của CLB.

Cứ mỗi mùa giải mới, lượng đối tác của Man United trên toàn thế giới lại tăng thêm, từ hãng sơn, rượu cho tới… mỳ gói, đóng góp không ít tiền bạc vào tổng doanh thu của đội bóng.

“Tích tiểu thành đại”

6 năm trước, khi tiếp quản Man United, nhà Glazer đã nhận thấy tiềm năng kinh tế của đội bóng đang rất hùng mạnh dưới sự dẫn dắt của HLV Sir Alex Ferguson. Để cụ thể hóa tiềm năng này, giới chủ Mỹ đã vạch đường hướng kinh doanh thông qua hợp đồng đối tác với những thương hiệu nhỏ ở các quốc gia trên toàn thế giới.

Vài tháng sau khi được đề xuất, chiến lược này chính thức khởi xướng bằng bản hợp đồng đưa hãng Diageo trở thành “đối tác cung cấp đồ uống” ở châu Á - Thái Bình Dương.

Số lượng đối tác dạng này của Man United sau đó tăng dần qua mỗi mùa giải. Tại Malaysia, TM là đối tác viễn thông của họ, tại Thái Lan là hãng bia Singha. Trong khi đó ở Ả rập Xê út, “Quỷ đỏ” ký hợp đồng với STC…

Những bản hợp đồng này được bị coi là nhỏ lẻ khi đem so sánh với gói bản quyền truyền hình 3 năm trị giá 9,4 tỷ USD của Premier League. Tuy nhiên, theo số liệu đánh giá của công ty nghiên cứu chiến lược kinh doanh trong thể thao Repucom, hướng đi của Man United đang cho thấy hiệu quả không ngờ. Tính đến nay, Man United thu về 42,6 triệu USD từ 38 bản hợp đồng. Doanh thu từ hợp đồng tài trợ của Man United cao hơn 350% so với Barcelona, đối thủ của họ trên BXH các CLB giàu có nhất thế giới.

Số lượng đối tác của Man United ngày càng tăng sau mỗi mùa giải

“Trong khi bản quyền truyền hình vẫn là dòng thu nhập chính của những CLB hàng đầu châu Âu, hoạt động thương mại là nguồn cung lớn thứ 2, chiếm 29% tổng doanh thu. Định hình cách thức để tăng doanh thu cho CLB thông qua những hợp đồng như vậy thực sự quan trọng với các CLB” - chuyên gia về tài chính bóng đá Andrew Walsh chia sẻ với CNN.

Nhà Glazer “đi trước” cả FFP

Ít năm trước, thế giới bóng đá choáng ngợp trước sự lớn mạnh của những “đại gia” mới nổi như Man City hay PSG. Nhờ thế lực, hầu bao của giới chủ, các CLB này dễ dàng giành lợi thế trong các thương vụ chuyển nhượng và thâu nạp về đội bóng những ngôi sao hàng đầu. Nhưng khi FFP ra đời, các CLB này không thể tiếp tục sống dựa dẫm. Luật do UEFA và Premier League áp dụng yêu cầu các đội bóng phải tồn tại bằng sức lực của chính mình, muốn có tiền mua sắm thì phải tạo ra doanh thu, thua lỗ sẽ đi kèm với án phạt.

Hàng xóm của Man United là Manchester City gần đây đã bị xử phạt do vi phạm FFP. Án phạt khiến họ thay đổi suy nghĩ, nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết phải bổ sung doanh thu từ các nhà tài trợ, trong đó có hợp đồng 6 năm với Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của Việt Nam. Barcelona cũng đã ký hợp đồng với hãng bia Tecate của Mexico, còn Liverpool chọn ComeOn!- một hãng cá cược ở Scandinavia - làm đối tác.

Dựa trên các thương hiệu nội địa đã liên kết với những CLB hàng đầu châu Âu, dễ dàng nhận thấy châu Á đang được coi là thị trường màu mỡ nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, xu hướng phát triển sẽ đặt ra yêu cầu về mở rộng thị trường. Bắc Mỹ đang được coi là mục tiêu tiếp theo để họ khai phá.

Những thương gia tài ba tất nhiên cũng sẽ biết cách làm kinh tế thông qua sự phát triển lớn mạnh của truyền thông xã hội, nơi có thể dễ dàng khai thác lòng trung thành của người hâm mộ. Nhưng về dài hạn, nhân tố quyết định thành công trong chiến lược kinh doanh của CLB chính là thành công trên sân cỏ.

Bởi thế, vai trò của HLV Louis van Gaal ở Old Trafford trong thời gian tới có tác động rất lớn tới tiền bạc của CLB. Chiến lược gia người Hà Lan có trách nhiệm khôi phục lại phong độ của đội bóng để đảm bảo tiền bạc từ hoạt động thương mại tiếp tục đổ về.

Hân Như

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm