(TT&VH cuối tuần) - Không khí trước vụ “Big Bang” đầu tiên của mùa giải bị bao trùm bởi sự trở lại của vấn nạn hooligan, bị phân tán bởi cuộc chơi của Arsenal ở vòng loại knock-out Champions League. Nhưng khi “Nhà hát của những giấc mơ” đỏ đèn cuối tuần này, đó là 90 phút xứng đáng được dõi theo đặc biệt. Một phép thử thực sự cho M.U lẫn Arsenal mà đá hay vàng có thể chưa rõ sau hồi còi chung cuộc song chí ít, thực lực của cả hai sẽ bộc lộ khá nhiều ở màn đọ sức này.
Trận chiến từng một thời là tâm điểm của Premier League đã mất đi ít nhiều vẻ sang trọng vốn có trong những năm qua. Sự sa sút của Arsenal khiến nhiều lúc, “derby nước Anh” trở nên tẻ nhạt hoặc vô nghĩa. Song song với tình trạng mất giá đó là những cuộc khẩu chiến vang trời giữa Sir Alex Ferguson cùng Arsene Wenger cũng lặng lẽ lùi vào quá khứ. Nó được thay bằng sự đối đầu Sir Alex - Jose Mourinho hay Sir Alex - Rafael Benitez.
Không khí căng thẳng của trận “derby nước Anh” đang quay trở lại
Nhưng khi người ta bắt đầu nhớ da diết những màn nảy lửa ở Old Trafford, ở Highbury ngày nào thì “derby nước Anh” đột ngột trở lại ngoạn mục. Lâu lắm rồi, 90 phút M.U - Arsenal mới mang vóc dáng thực sự là trận chiến giữa hai ứng cử viên sáng giá như lúc này. M.U đương nhiên vẫn giữ vị thế quen thuộc đó. Còn Arsenal đang khởi đầu ngoạn mục và cười nhạo những dự đoán trong mùa Hè rằng họ sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.
Premier League 2009-2010 mới trôi qua 3 vòng. Còn quá sớm cho những nhận định về M.U và Arsenal, nhất là khi còn Chelsea đang chễm chệ ngôi đầu cùng thành tích tuyệt đối. Nhưng ai nở nụ cười chiến thắng tại Old Trafford, người đó sẽ được tiếp thêm tự tin quan trọng cho hành trình còn dài phía trước. Với kẻ thất bại, đấy sẽ là gáo nước lạnh thực sự. Khó khăn của M.U giai đoạn “hậu Ronaldo” sẽ càng bộc lộ hay ngọn lửa hừng hực của Arsenal sẽ bị đứt đoạn?
Chung một triết lý
Xét cho cùng, Sir Alex và “Giáo sư” Wenger dù không đội trời chung nhưng lại khá giống nhau về quan điểm bóng đá: Đó là xây dựng sức mạnh tập thể dựa trên sức trẻ và sự gắn kết, nhuần nhuyễn tích tụ cùng thời gian. Nó khác với kiểu “mua” thành công nhanh chóng của Mourinho hay góp nhặt “quý hồ đa bất quý hồ tinh” của Benitez. Phong cách chơi của M.U và Arsenal dù được so sánh như whisky với champagne nhưng cơ bản đều dựa trên những miếng phối hợp nhóm, nghiêng về kỹ thuật nhiều hơn là kiểu thô, mạnh của bóng đá Anh truyền thống.
Điểm khác biệt lớn nhất là Sir Alex thuộc diện “nhà có điều kiện” hơn Wenger! Song song với những thế hệ trẻ liên tục được đào tạo, M.U luôn sẵn sàng bổ sung “nóng” các tài năng lớn đã chứng minh được phẩm chất. Trong khi đó, để xây dựng ngôi nhà mới Emirates khang trang, nhiều năm qua Arsenal phải thắt lưng buộc bụng và thậm chí không giữ chân được các ngôi sao vừa “chín” tới của mình trước sự quyến rũ của các đội khác. “Giáo sư” Wenger như một ông thầy không mệt mỏi, cần mẫn tìm kiếm các tên tuổi còn vô danh để vun bồi cho họ dù không ít trường hợp, Arsenal chẳng được hưởng trái ngọt.
Nhưng mùa Hè này, có vẻ như Sir Alex lại… học theo Wenger. Bán đi Ronaldo, M.U không đưa về tên tuổi lừng lẫy nào mà lại là các cầu thủ còn lạ lẫm như Antonio Valencia, Gabriel Obertan hay trường hợp bị coi là “hết thời” là Michael Owen. Cộng thêm chính sách chuyển nhượng U-26, không ít người cho rằng Sir Alex ở chặng cuối sự nghiệp đang bắt tay vào xây dựng một thế hệ mới mà đích ngắm là tương lai chứ không phải hiện tại. Màn thể hiện khá khấp khểnh của M.U sau 3 vòng đầu càng dấy lên những ngờ vực về tham vọng lập kỷ lục 4 mùa liên tiếp đăng quang. Ngược lại, Arsenal đang thể hiện một sức trẻ mạnh mẽ với những chiến thắng giòn giã ở Premier League cũng như trước Celtic. Phải chăng, đã đến lúc chấm dứt cơn khát danh hiệu của Emirates?
Chung một bài kiểm tra
Yếu tố nào quan trọng nhất cho cuộc đại chiến đầu tiên của mùa giải? Đó là sự ổn định. Với M.U, xen kẽ giữa một chiến thắng nhọc nhằn trước Birmingham, một màn công phá tan nát Wigan là cú sốc thất thủ trước Burnley. Thực tế, “Quỷ đỏ” vẫn thường nhập cuộc chậm chạp như vậy mà điển hình là mùa giải năm ngoái sau 3 trận đầu, họ chỉ được có 4 điểm. Nhưng khi đó, Ronaldo chấn thương. Còn giờ đây, anh đã khoác màu áo trắng của Real Madrid.
Khoảng trống Ronaldo để lại tiếp tục là chủ đề ở Old Trafford suốt từ mùa Hè cho đến lúc này. Dù hàng công đã khai hỏa rầm rộ với chiến thắng 5-0 trước Wigan nhưng ngay cả trong “cơn mưa” đó, Wayne Rooney và Dimitar Berbatov vẫn như hai kẻ lạc lõng không liên hệ được với nhau. Owen đã có bàn ra mắt, song ít ai dám tin đây sẽ là một họng súng chủ lực cho M.U. Hàng tiền vệ vừa thiếu vững chắc, vừa ít sáng tạo trong khi tuyến phòng ngự đang mong ngóng Rio Ferdinand trở lại (mà nhanh nhất cũng chỉ là cho trận gặp Tottenham ở White Hart Lane ngày 12/9).
Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất của M.U trong những năm tháng vinh quang qua không phải gói gọn vào Ronaldo. Vũ khí tối thượng của “Quỷ đỏ” là độ bền và khả năng “đàn hồi” cao, sẵn sàng gượng dậy mạnh mẽ sau các kết quả không như ý. Mùa giải trước là minh chứng rõ nét cho thực tế rằng M.U không phải là đội xuất sắc nhất trong những cuộc đại chiến “tứ đại gia” (mà là Liverpool) song các khúc ngoặt có chệch choạc đó không cản trở họ là cán đích vinh quang. Giờ đây, màn đọ sức với Arsenal vừa là dịp test khả năng trong các trận cầu đinh, vừa kiểm tra phong độ ổn định của một M.U-không-Ronaldo.
Và chẳng kém M.U, Arsenal cũng đang rất cần được kiểm chứng sức bền. Khởi đầu hoàn hảo thật đấy, song đa số vẫn nhìn “lũ trẻ” của Wenger bằng ánh mắt mang hình dấu hỏi. Liệu họ giữ được đà này trong bao lâu? Liệu hình ảnh mới của những nỗi thất vọng trước đây là Emmanuel Eboue, Nicklas Bendtner có lấp lánh dài hạn? Thời điểm này không thể rõ ràng hơn cho một cuộc kiểm nghiệm. Tại Old Trafford, Arsenal sẽ không có “nhạc trưởng” Cesc Fabregas, sẽ nhọc nhằn trong lịch thi đấu khi chỉ được nghỉ chưa đầy 2 ngày sau trận tiếp Celtic. Nếu vượt qua được thử thách khắc nghiệt này, họ xứng đáng nhận những dự đoán “hồng” hơn là việc lo giữ chân trong Top 4 như nhiều nhận định trong mùa Hè qua.
Có một điều khác trước cuộc đại chiến M.U - Arsenal năm nay so với trong quá khứ. Thay vì hâm nóng nó bằng những lời lẽ “đao to, búa lớn”, cả hai ông thầy lại đều cố hạ mức độ quan trọng. Wenger tuyên bố trận lượt về với Celtic còn ý nghĩa hơn bởi thua là mất tất. Còn Sir Alex dù thừa nhận những cuộc đấu nội bộ “tứ đại gia” này có ý nghĩa quan trọng đến ngôi vô địch nhưng vẫn chốt lại rằng với ông, giai đoạn Giáng sinh mới thực sự là quyết định.
Đều là những nhà cầm quân lão luyện, họ hiểu rằng cuộc chơi mới chỉ bắt đầu. Từ giờ đến tháng 5 năm sau, đêm dài hẵng còn lắm mộng. Đặt ý nghĩa sống còn cho một cuộc đại chiến quá sớm như vậy chỉ tự tạo sức ép lên chính mình. Dù rằng, ở Old Trafford, ai cũng đang mơ củng cố niềm tin…
Trung Sơn (Hong Kong)