Man City du đấu Việt Nam: Làm thương hiệu bóng đá khó hơn showbiz

22/07/2015 12:48 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ông vua của ngành quảng cáo thế giới - David Ogilvy có câu nói nổi  tiếng về bí quyết thành công của mình: Tôn thờ sự đơn giản và tinh tế, bất chấp mọi quy tắc.

1.  Trong cuộc sống hiện nay, quả thực nhiều người nổi tiếng một cách quá ư đơn giản (có khi chẳng cần tinh tế), thách thức mọi nguyên lý, quy tắc quảng cáo chuyên nghiệp.

Ví dụ, anh chàng nông dân trồng ổi có nghệ danh Lệ Rơi. Mấy ngày nay bộ ảnh nữ thổ dân trần trụi "xinh nhất Việt Nam"  đang gây sốt ầm ầm cư dân mạng. Chỉ sau nửa ngày, bộ ảnh bán khỏa thân nhận được gần 30.000 like, hơn 3.200 lượt chia sẻ và hơn 10.000 bình luận.

Tương tự, bộ ảnh “Cô gái cao nhất Vịnh Bắc Bộ” cũng đưa Bùi Thị Thảo Phương từ vô danh vào hàng mỹ nhân Việt. Nổi tiếng dễ thật?

Đến đây, dư luận đang  lại băn khoăn, Man City sang Việt Nam lần này,  liệu chúng ta đưa hình ảnh bóng đá Việt lên  tầm cao hơn.

Làm thương hiệu cho bóng đá vốn rất nan giải. Nhớ lại vụ Arsenal sang thăm Việt Nam năm 2013, cả một hệ thống cùng chung sức làm thương hiệu, rốt cuộc bị che mờ bởi một anh chàng “Running Man” Vũ Xuân Tiến. Tiến cắm mặt chạy theo xe chở đội Arsenal mấy km,  vụt nổi tiếng khắp năm châu, bốn biển, thơm lây cho cả nền bóng đá Việt Nam.

Cái sự nổi tiếng của Tiến, theo kiểu rất đơn giản, vô quy tắc!

Chúng tôi rất chia sẻ nỗi khổ tâm của bầu Hiển, ông hiểu rất rõ nếu thực sự muốn hợp tác lâu dài với Man City, cần phải thành công sự kiện này. Nhưng thành hay bại lại phụ thuộc quá nhiều yếu tố, một mình ông là chưa đủ.

2. Vẫn thấy ông Hiển, cùng bầu Đức còn cô đơn trên con đường thiên lý - tìm hướng đi mới cho các CLB Việt. Chúng ta, ở vĩ mô, bao năm mới tìm ra con đường “học tập Nhật Bản”. Cấp CLB vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán: đâu là mô hình tốt nhất? Bóng đá quân đội, lực lượng vũ trang, Nhà nước, Nhà nước-  doanh nghiệp, Công ty CP, số phá sản, số đang hoạt động kiểu cầm cự, tất cả đều chưa đưa bóng đá chuyên nghiệp phát triển như mong muốn.

Hợp tác với CLB nước ngoài đang là mô hình mới, nhưng lại quá thiểu số. Nhìn giải hạng Nhất đang trở về với nhiều đội bóng mang sắc thái địa phương, một số tên tuổi “truyền thống” đang cựa quậy, không cẩn thận, một ngày chẳng xa bóng đá lại trả về cho các Sở và địa phương quản lý.

Như thế chưa chắc đã hỏng. Chúng ta đã trả giá không rẻ khi lãnh đạo địa phương buông lỏng quản lý, giao phó hết đội bóng cho doanh nghiệp.

Nhớ thời ông Nguyễn Bá Thanh còn sống, SHB.Đà Nẵng đã rất ngoan bởi ngoài vai trò bầu Hiển, cầu thủ rất nể- sợ cái tình ông Bá Thanh. Sự quan tâm của ông Thanh, khác hẳn lãnh đạo Đà Nẵng hiện nay.

Hôm SHB.Đà Nẵng đá với B.Bình Dương vòng 16, lần đầu tiên sau khi ông Bá Thanh mất, khu VIP có đầy đủ lãnh đạo thành phố: Bí thư, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở VH,TT& DL…  Ai cũng mừng, rốt cuộc lãnh đạo cũng quan tâm đến bóng đá, chắc không phải đến để làm “thương hiệu”. Nhưng đến trận gặp Đồng Nai vòng 17, chẳng thấy ai. Nghĩ cũng tủi thân cho thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức. Bóng đá Đà Nẵng đang đánh mất dần thương hiệu.

Trở lại với trận gặp Man City. Với bộ phận không nhỏ cầu thủ, chắc họ suy nghĩ đơn giản: Nếu có mặt trong trận giao hữu gặp Man City, đây là dịp làm thương hiệu tốt, khi mùa giải đã trôi dần về đích, nhiều bản hợp đồng sắp hết hạn. Thế nên, ông Mai Đức Chung phàn nàn một số cầu thủ B.Bình Dương đá giữ chân để lên tuyển, còn ông Miura cũng thắc mắc, không hiểu sao tuyển thủ lên các ĐTQG đá tốt, về CLB thì năm nóng, năm lạnh. Chắc BHL một số đội mấy vòng gầy đây cũng sợ xanh mặt. Phe vé vẫn thế, “chém”  dân mình thẳng tay.

Bóng đá làm thương hiệu khó hơn showbiz. Arsenal, Olympic Brazil…, đến rồi sẽ đi, thương hiệu bóng đá Việt Nam vẫn thế! BTC thời gian qua lo “xanh mặt”, liệu lần này Man xanh sang, thương hiệu có vớt vát?

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm