Bóng đá Anh & luật công bằng tài chính: Chơi đẹp hay...chơi xấu?

18/07/2011 05:59 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần)- Ai cũng rõ khi Chủ tịch UEFA Michel Platini đưa ra Luật Công bằng tài chính (Finance Fair Play - FFP), đích ngắm chính là Premier League, giải đấu có tốc độ tiêu tiền nhanh chẳng kém tốc độ triển khai bóng trên sân. Thậm chí, ông chủ của Chelsea, Roman Abramovich, ngày trước còn bị coi là một “thủ phạm chính” gây nên tình trạng lạm phát lương và giá cầu thủ trong khi CLB thua lỗ, nợ nần chồng chất. Giờ đây, khi luật đang đứng trước thời điểm triển khai, những ông chủ như Abramovich ở xứ sương mù sẽ ứng phó thế nào?

Không có sự công bằng nào là tuyệt đối và không có luật nào là kín kẽ hoàn toàn. Mục đích mà UEFA hướng tới dĩ nhiên rất cao đẹp: Tạo một sân chơi “ngang cơ” hơn giữa các đội bóng, xóa dần tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Tuy nhiên, khi mà sân cỏ đã được thị trường hóa như hiện nay, mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Hiểu một cách đơn giản nhất, FFP quy định các CLB không được chi tiêu quá các nguồn thu liên quan đến bóng đá. Hình thức xử lý vi phạm là cấm tham dự những giải hàng đầu Champions League, Europa League cũng thể hiện quyết tâm mạnh tay của UEFA. FFP mang theo hy vọng là những cơn sốt giá cầu thủ sẽ chấm dứt, kiểu tiêu pha không cần nghĩ sẽ tuyệt chủng, không còn nữa phong cách “lấy tiền đè chết đối thủ”...

Thông qua hợp đồng tài trợ kỷ lục với Etihad, Man.City đang tạo ra một thách thức lớn cho Luật Công bằng tài chính của UEFA- Ảnh Getty

Nhưng sự công bằng trong mơ này có thể phải đối mặt với các nguy cơ chính: Xung đột trên khía cạnh dân sự, những khó khăn với chính các CLB nhỏ mà FFP hướng tới bảo hộ và những lách luật khéo léo.

Với nguy cơ đầu tiên, cho đến giờ chưa nổ ra những tranh cãi mạnh mẽ nào khi tất cả CLB ở châu Âu đều “nhất trí” bề ngoài với UEFA. Đây là điều đương nhiên. Song không loại trừ khả năng, UEFA sẽ bị thách thức trước những tòa án dân sự, kinh tế. Hầu hết các CLB hiện nay đều đã mang hình thái doanh nghiệp, nhiều thương hiệu trở thành tài sản tư nhân. Trên lý thuyết, không thể can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Họ có thể lỗ, nhưng khi ông chủ vẫn “cười tươi” và lo liệu được mọi thứ thì có vấn đề gì đâu?

Chẳng CLB nào dại dột đối đầu với UEFA lúc này bởi họ đều cần đến những cỗ máy in tiền như Champions League. Song một khi cảm thấy FFP quá nặng nề, họ có thể tác động theo “cửa” khác. Chẳng hạn, một ngày đẹp trời nào đó, một nghị sĩ EU nào đó đặt ra vấn đề phải chăng FFP xung đột với tính tự do của kinh doanh? Hay đột nhiên một CLB dũng cảm thách thức FFP. Sẽ rối rắm và phức tạp nếu nổ ra tranh cãi hay bị đưa ra các tòa án quốc tế. Trước đây, thế giới bóng đá đã từng thay đổi đến chấn động từ một vụ kiện Bosman ban đầu tưởng “nhỏ nhoi”.

Nguy cơ thứ hai thể hiện tính tương đối của FFP. Đúng là các đại gia như Chelsea, Man.City sẽ không còn có thể hùng hổ tăng cường sức mạnh. Nhưng bản thân các đội bóng nhỏ thì sao? Với nguồn thu hạn chế, họ càng bị khóa chặt chi tiêu hơn. Không có những đột phá khẩu mạnh mẽ để tăng cường lực lượng, họ sẽ chỉ càng chôn chân ở vị thế yếu kém. Tại Premier League, thu nhập cơ bản từ bản quyền truyền hình còn được phân chia khá công bằng. Song ở La Liga, miếng bánh lớn chủ yếu thuộc về Barcelona và Real Madrid. Vỡ nợ, xin bảo hộ phá sản, chậm lương... đang là câu cửa miệng ở nền bóng đá này. FFP đến quá muộn và chưa biết có thể xoa dịu được nguy cơ hay càng làm khó khăn trầm trọng hơn với những “cá bé”?

Trong khi hai nguy cơ kể trên còn ở thì tương lai hoặc chưa rõ ràng thì nguy cơ “lách luật” đang là đề tài nóng hổi tại Premier League. Không ít con mắt hướng về cuộc tranh cãi liên quan đến hợp đồng tên sân của Man.City, vụ được coi là “lách luật” đầu tiên đang bị UEFA theo dõi sát sao. Liệu Man.City có bị xử lý? Hay đây chính là CLB tiên phong tìm cách ứng phó với FFP?

Nguồn thu “ảo”

400 triệu bảng từ hãng hàng không Etihad. Đây rõ ràng là hợp đồng tài trợ kỷ lục trong lịch sử bóng đá. Nó bao gồm phí mua tên sân của Man.City trong vòng 10 năm, kéo dài hợp đồng tài trợ áo đấu thêm 10 năm cùng khoản đầu tư vào tổ hợp Etihad Complex (trong đó có một sân tập mới hoành tráng).

Ai cũng hiểu mối quan hệ giữa Man.City với các nhà tài trợ như thế này thuộc diện gì. Nói một cách đơn giản, nó giống như cầm tiền ở túi bên phải bỏ sang túi bên trái. Thử điểm danh các nhà tài trợ của Man.City. Ngoài Etihad là Aabar Investments, Abu Dhabi Tourist Board và Etisalat. Tất cả đều đến từ Abu Dhabi. Mà ông chủ của Man.City chính là hoàng thân tiểu quốc này!

Thực ra, xét về phương diện làm ăn, chuyện các nhà tài trợ có nguồn gốc từ quê nhà của ông chủ đội bóng là rất bình thường. Lấy ví dụ như không lâu sau khi thâu tóm được Birmingham, tỷ phú Hong Kong Carson Yeung đã lôi kéo được tập đoàn trang thiết bị thể thao Xtep của Trung Quốc trở thành nhà tài trợ quan trọng. Đó là chưa kể việc mỗi mùa có 8 trận của Birmingham sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh thể thao CCTV5 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Yeung mới đây bị bắt vì cáo buộc rửa tiền còn Birmingham thì xuống hạng nên công cuộc làm ăn kinh doanh này đang mập mờ tương lai.

Song nếu hướng đi của Birmingham là khuếch trương thương hiệu, tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường rộng lớn Trung Quốc thì vấn đề với Man.City là số tiền tài trợ quá lớn, bị cho là vượt xa giá trị thực tế. “Giáo sư” Arsene Wenger, người có bằng master về tài chính, đã kêu gọi UEFA cần điều tra vụ này. Theo Wenger, đây đặt ra dấu hỏi lớn cho FFP. Ngay cả Arsenal ở thời hưng thịnh năm 2006 cũng chỉ kiếm được 100 triệu bảng trong hợp đồng bán tên sân tận 15 năm cũng với một hãng hàng không Arab là Emirates.

Ai cũng thấy thương vụ kỷ lục của Man.City chỉ là hình thức lách luật để ông chủ bơm tiền vào CLB thông qua nguồn thu tài trợ. Nhưng để chứng minh đây là “foul play” (chơi xấu) thì quá khó bởi nhà đầu tư có thể biện luận họ tin tưởng rằng Man.City sẽ thành công rực rỡ trên sân cỏ trong tương lai. UEFA sẽ phải giải bài toán khó này như thế nào đây?

Đương nhiên, không có nhiều đội có thể áp dụng phương pháp như Man.City. Nó đòi hỏi một ông chủ “chịu chơi”, phạm vi ảnh hưởng lớn. Chelsea có thể thực hiện chiêu này. Nhưng M.U thì lại không thể. Với những nguồn thu khá tốt từ bản quyền truyền hình, vé vào sân, kinh doanh thương hiệu…, bài toán với M.U nếu muốn duy trì quỹ chuyển nhượng mạnh là phải cắt giảm được phần chi quan trọng: trả lãi ngân hàng cho khoản vay khổng lồ mà gia đình Glazer trút sang. Cách đây không lâu, có thông tin nhà Glazer đang cân nhắc đưa M.U trở lại “sàn” mà cụ thể là thị trường chứng khoán Hong Kong. Khi đó, vấn đề nợ ngân hàng sẽ dễ dàng được giải quyết và không còn phải oằn mình trả lãi, chuyện cân bằng tài chính thu - chi trở nên đơn giản.

Còn với các đội bóng nhỏ hơn ở Premier League, họ đang lo ngại nhìn những “đại gia” tranh thủ gom hàng trước khi chịu tác động của FFP. Về ngắn hạn, tình trạng chênh lệch thực lực sẽ càng bị nới rộng. Nhưng về dài hạn, FFP sẽ khuyến khích các đội đầu tư mạnh hơn vào hệ thống đào tạo, các học viện. Tính cạnh tranh của giải sẽ được nâng cao. Chỉ có điều từ giờ đến khi viễn cảnh đó thành sự thực, chẳng ai biết trước những “đại gia” sẽ còn nghĩ ra các cách lách luật thế nào?

Vũ Anh

Premier League và FFP

- Hơn 3/4 số CLB ở Premier League thua lỗ trong mùa 2009-2010 với tổng lỗ là 484 triệu bảng. Tổng tiền lương chi trả lên tới 1,4 tỷ bảng (trung bình 70 triệu bảng mỗi đội) và chiếm tới 68% trong tổng doanh thu.

- Khoảng 3/4 số CLB ở Premier League được bơm tiền từ những ông chủ giàu có, những người đã ném vào hơn 2 tỷ bảng kể từ khi đến với giải này. Phần lớn khoản đầu tư đó là cho phí chuyển nhượng và lương cầu thủ.

- Trung bình mỗi năm, một CLB đầu tư cho học viện của mình khoảng 30 triệu bảng, quá nhỏ nhoi so với quỹ lương hay quỹ chuyển nhượng.

- CLB được phép thua lỗ 39,7 triệu bảng trong 3 mùa từ 2011-2012 đến 2013-2014 và không được dựa vào “trợ cấp” từ các ông chủ. Giới chủ chỉ được đầu tư 12 triệu bảng mỗi năm vào CLB.




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm