Rằm tháng 7: Nét văn hóa Việt

11/08/2008 16:15 GMT+7 | Thế giới

Trong tiềm thức người Việt, rằm tháng 7 ngoài ngày “xá tội vong nhân”, còn mang ý nghĩa là ngày con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ nên rất được coi trọng.
 
Theo phong tục truyền thống, rằm tháng 7 là tết trung nguyên. Còn lễ Vu Lan xuất phát từ tích truyện Đại Mục Kiều Liên, là lễ cầu siêu giải thoát cho ông bà, cha mẹ bảy đời, xuất phát từ lòng báo hiếu.

Không giống như các rằm khác, nhiều người thường cúng rằm tháng bảy từ rất sớm, có khi mới 10 âm lịch đã thấy có nhà đốt mã nghi ngút. Ngoài việc đốt vàng mã tiền bạc, xiêm áo và nhiều vật dụng theo kiểu “trần sao âm vậy” cho những người đã mất, các gia đình khá giả thường có thêm mâm cúng chúng sinh ở ngoài sân cho những linh hồn lang thang không nơi nương tựa, không còn người thân ở trần gian hoặc oan hồn.

Ngày xá tội vong nhân, ở địa phương nào cũng cúng chúng sinh, nhưng cách cúng và đồ lễ mỗi nơi mỗi khác. Ở Hà Nội rất nhiều gia đình bên cạnh việc cúng gia tiên còn cúng chúng sinh đặt ngoài trời. Một số nơi khác, các gia đình chỉ cúng gia tiên, còn việc cúng chúng sinh được các cụ già tập chung cúng ở chùa. Đồ lễ gồm có vàng mã, gạo muối, cháo trắng, các loại bỏng, ngô khoai, hoa quả, xôi oản,…

Những năm gần đây, lễ Vu lan ngày càng được coi trọng, thể hiện lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ.

Từ ngày 11 âm lịch, nhiều chùa tại Hà Nội cũng tổ chức cầu lễ Lễ Vu Lan theo đúng nghi lễ truyền thống của Phật Giáo. Những chùa có tiếng như Phúc Khánh, Quán Sứ, Bồ Đề, vào những ngày này, hàng nghìn tăng ni phật tử đến chùa làm lễ cầu cho người đã mất siêu thoát, cầu bình an cho gia đình.

Tại chùa Quán Sứ làm lễ Vu Lan trong 3 ngày, từ 11/7 âm lịch. Mỗi ngày 6 khóa lễ, các tăng ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái dân an. Kết thúc lễ Vu Lan, tối 13 nhà chùa đã làm lễ đàn Mông Sơn chẩn tế cô hồn để thỉnh Phật về bố thí cho tất cả chúng sinh. Chiều 14, chùa tổ chức Chư Tăng lễ tự tứ.

Chùa Phúc Khánh tổ chức lập đàn cầu siêu vào ngày 12/7. Ngày 13, nhà chùa tổ chức lễ Vu Lan báo ân cha mẹ. Vào lúc 19h30, tại chùa sẽ tổ chức đại lễ Vu Lan. Hàng ngày trong chùa có các khóa lễ, tụng kinh cho phật tử khắp nơi tới thắp hương khấn cầu.

Tại các tỉnh phía nam lại có phong tục rất riêng trong ngày lễ Vu Lan. Người dân thường lên chùa làm lễ, và trên ngực họ bao giờ cũng có một bông hồng. Nếu hoa màu đỏ là người đó còn có mẹ, còn cài hoa trắng là mẹ đã không còn.

Từ ngày 10 tháng 7 âm lịch, rất đông phật tử đến làm sớ và cúng chùa. Bà Hoàng Thị Cúc, phật tử chùa Quán Sứ cho biết: “Lễ Vu Lan là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, thể hiện tín ngưỡng của con cháu nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, dịp để người con thể hiện lòng hiếu thảo. Rằm tháng 7 còn là ngày xá tội vong nhân, ngày tha thứ mọi lỗi lầm, ngày mà mọi người đều ăn năn, sám hối”.

Bà Cúc năm nay làm lễ sớm. Để con cháu cả nhà có dịp được tụ tập quây quần bên nhau, bà đã làm cơm cúng vào chủ nhật. Ngoài những đồ lễ để dâng cho ông bà tổ tiên: quần áo, tiền vàng bà cũng có một mâm cúng chúng sinh dành cho những cô hồn cơ nhỡ - không được cúng lễ. Theo bà: “Lễ Vu Lan là dịp báo hiếu với cha mẹ, ngày xá tội vong nhân, tổ chức thế nào thì tùy vào từng điều kiện gia đình. Đừng quá cầu kỳ và lãng phí bởi điều quan trọng nhất đó là sự thành tâm”.

Theo Afamily

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm