Malaysia lần đầu vô địch AFF Cup: Vua mới

02/01/2011 10:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - Hai từ “vua mới” đã được dùng hai năm trước khi Việt Nam đăng quang với một lối chơi thuyết phục làm ngỡ ngàng cả Đông Nam Á. “Vua mới” của bóng đá Đông Nam Á năm 2008 được ví là một tập thể khát khao chiến thắng với lối chơi phản công rất thông minh và sắc sảo.

2010 thì bóng đá Đông Nam Á lại đón chào một “vua mới”. Lần này là Malaysia chậm chạp và khó khăn ở trận khai mạc rồi lừng lững tiến vào chung kết sau khi xô đổ hàng loạt đội bóng lớn.

Nhưng “vua mới” của bóng đá Đông Nam Á năm 2010 lại không mới về lối chơi và tư tưởng chơi bóng như vị vua 2008. Hoàn toàn có thể xem đấy là phiên bản của bóng đá Việt Nam hai năm trước. Chỉ có điều là người Mã lên ngôi bằng những sản phẩm của riêng mình: HLV người Malaysia và các cầu thủ cũng đều trưởng thành ở trong nước.

Hình ảnh thầy trò Rajagobal đăng quang trên sân Bung Karno giữa bốn bề là các cổ động viên Indonesia ngập tràn sắc đỏ cho thấy họ rất “lạnh” và bản lĩnh dù đây là đội bóng trẻ chỉ sau Myanmar.

Bóng đá Malaysia lên ngôi chỉ với một vệt đen là ánh sáng tia laser mà các cổ động viên Malaysia sử dụng tại Bukit Jalil để chi phối các thủ môn đội khách, nhưng điều đó không thể phủ nhận tất cả nỗ lực của thầy trò Rajagobal.


Malaysia lần đầu vô địch AFF Cup - Ảnh AP

Nói ông Rajagobal là một kiến trúc sư xây ngôi nhà bóng đá Malaysia cũng đúng bởi từ khi ông được LĐBĐ Malaysia trao quyền lèo lái các đội tuyển thì HLV này đã tạo ra một sức sống mới nơi đội tuyển Malaysia.

Nói ông Rajagobal “học nghề” ông Calisto cũng chẳng sai bởi cách xây dựng, hướng đi và phương pháp đọc trận đấu của HLV này rất giống với ông Calisto. Chỉ có điều hai nhà lãnh đạo của hai “vua mới” ở hai thời kỳ khác nhau trong quan điểm làm bóng đá sau khi có thành tích. Ông Calisto sau chức vô địch AFF Cup 2008 đã sĩ diện với danh hiệu của nhà vô địch và xây dựng lối chơi với tư thế nhà vô địch. Và chính cái tư thế ấy đã làm đương kim vô địch mất đi bản sắc của mình ở sân chơi lớn khi tìm cách đá tấn công trước những đối thủ đá chặt chẽ và khôn ngoan. Đội bóng của ông với tư thế nhà vô địch không thể có được bàn thắng, đã phải chơi với hàng công rất cùn.

Ông Rajagobal sau chức vô địch SEA Games vẫn xem đội bóng của mình là kèo dưới. Ông xây dựng cho cầu thủ tư tưởng cầu tiến để học hỏi và phải biết người biết ta rồi chọn đấu pháp, chọn lối chơi khôn ngoan để yếu thắng mạnh hoặc giành chiến thắng trước đối thủ ngang cơ mà ít mất sức nhất.

Điều ông Rajagobal có, ông Calisto đều đã có hay nói đúng hơn là Rajagobal chính là bản sao của Calisto hai năm trước.

Vua mới của bóng đá Đông Nam Á đã đi bằng lộ trình và bằng cách chơi của chính bóng đá Việt Nam hai năm trước.

Đêm 29/12 bóng đá Malaysia đã lên ngôi thuyết phục để lại cho người hâm mộ Việt Nam và cả những nhà chuyên môn của bóng đá Việt Nam chút tiếc nuối: “Tại sao họ bắt chước thế mạnh của ta để lên ngôi còn ta lại sĩ diện với tư thế nhà vô địch và thay đổi lối chơi truyền thống để không còn là chính mình?”.

Đấy lại là vấn đề của những nhà hoạch định chiến lược mà hình như với bóng đá Việt Nam, ông Calisto muốn gì là làm, bất chấp “ông chủ” VFF có rất nhiều ban bệ nhưng cứ phó mặc cho “người làm thuê” quyết tất.

Trí Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm