(TT&VH) -
Nếu như hiểu biết của các cá nhân có thể kết tinh thành sự nhận thức chung của cả tập thể, thì có thể nói PSG hiểu Lyon rất rõ, với quá nhiều những “gián điệp” là cựu Lyon trong đội hình.Đó là thủ thành Gregory Coupet, chơi ngót 360 trận ở Ligue 1 cho Lyon từ 1996 đến 2008, giành đủ 7 chức VĐQG. Đó là Mathieu Bodmer, giành được một chức vô địch cùng Lyon trong 3 năm chơi bóng (2007-2010), chơi 68 trận và ghi 7 bàn. Là Ludovic Giuly, bắt đầu sự nghiệp ở Gerland, chơi 56 trận cho Lyon (17 bàn) từ 1996-1998. Hay Jeremy Clement (34 trận, 2003-2006) và Peguy Luyindula (91 trận, 33 bàn, 2001-2004).
Luyindula (trái) từng khoác áo Lyon nhưng nay đầu quân cho PSG, Ảnh Getty |
Tức là nhìn vào đội hình của PSG hiện tại, có thể tìm thấy lịch sử của Lyon. Tất cả những con người ở trên đã chứng kiến bước tiến thần tốc của Lyon trong thập niên đầu thế kỷ mới, với 7 chức VĐQG và 11 năm liên tiếp lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất Champions League. Thành công khó tin của đội bóng này gắn liền với cách dùng người rất khôn ngoan: Tìm ra những viên ngọc thô, mài giũa và khai thác thật hiệu quả.
Nó kết hợp giữa sự khôn ngoan trong lĩnh vực chuyển nhượng (thể hiện qua những thương vụ “bất hủ” của Sonny Anderson, Juninho, Essien, Diarra…) của ông Jean-Michel Aulas và sự đào thải nhân sự liên tục ở Gerland. Phần lớn những cầu thủ đang đứng trong đội hình PSG hiện tại, trừ Giuly, đều rời Lyon sau khi để lại Gerland những năm tháng đỉnh cao nhất sự nghiệp của họ.
Người gần nhất là Bodmer, dù là một cầu thủ có trình độ, cũng khiến đội bóng mất kiên nhẫn với những chấn thương dai dẳng của anh. Luyindula chơi tồi đi thấy rõ sau khi rời Lyon (sang Marseille, rồi được cho Auxerre và Levante mượn, trước khi trở lại Pháp chơi cho PSG). Clement không chứng tỏ được nhiều, bị đẩy sang Rangers một mùa, trước khi được PSG đón về. Coupet thì đến Parc des Princes ở tuổi của một “ông nội bóng đá”: 37, và đến giờ chỉ bắt dự bị cho Edel.
Trường hợp của Giuly là một ngoại lệ: Anh không cống hiến những gì đẹp nhất trong sự nghiệp cho Lyon, nhưng PSG cũng chỉ khai thác được cầu thủ này khi anh đã ở tuổi về hưu và qua lâu rồi thời đỉnh cao. Lyon đã xây dựng thành công trong thập niên đầu thế kỷ mới (7 năm vô địch liên tiếp) theo một cách ngược lại: Các cầu thủ gắn bó với Lyon thường ở giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của họ, và nếu họ có ra đi, thì hoặc là vì kiếm lời (Essien, Diarra, Benzema…), hoặc là vì họ đang xuống dốc.
Thật kỳ lạ là một đội bóng trẻ trung như PSG (thành lập năm 1970) lại chọn cách đưa về những “ông già” đã bắt đầu ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, còn một CLB lâu đời như Lyon (thành lập năm 1899) luôn biết cách khai thác các cầu thủ ở giai đoạn đẹp nhất trong sự nghiệp của họ. Đội bóng thủ đô Paris, không hiểu là ngẫu nhiên hay có chủ ý, đã “bắt chước” Lyon một cách rất máy móc là mua về những cầu thủ đã từng đem về thành công cho đội chủ sân Gerland.
Có thể là Lyon đang đi chệch khỏi quỹ đạo thành công, khi họ chưa tìm ra thế hệ kế cận xứng đáng cho những con người đã từng 7 năm vô địch Ligue 1 liên tiếp, nhưng họ không sai lầm nặng nề như PSG. Đội bóng thủ đô, với tiềm lực tài chính và thế lực không hề nhỏ chút nào, đã tự hạn chế sự phát triển của chính họ suốt gần 2 thập niên (chức VĐQG gần nhất là năm 1994) vì một sự ám ảnh khó hiểu. Sự ám ảnh nằm trong chính đội hình “cựu Lyon” mà họ đang có, với gần 500 trận đấu và những tinh hoa đã… ở lại Gerland hết rồi.
Phạm An