03/04/2023 22:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Mạo hiểm thả gần 400 tử tù cho về quê ăn Tết, vì sao Đường Thái Tông lại ra lệnh ân xá khi họ trở lại? Nguyên nhân sâu xa được hậu thế khen ngợi và kính phục.
Nhà Đường là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong đó, với sự trì vì của Đường Thái Tông Lý Thế Dân (598 – 649), vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường đã giúp triều đại này phát triển đến giai đoạn cực thịnh, thậm chí còn có nhiều ảnh hưởng tới văn hóa tại quốc gia này cho đến tận ngày nay.
Đường Thái Tông thường được xem là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đế vương của Trung Hoa. Thời kỳ trị vì đất nước của ông được sử sách gọi là Trinh Quán chi trị. Nhà Đường lúc bấy giờ không những phát triển về kinh tế, hùng mạnh về quân sự mà còn cực kỳ nở rộ về văn hóa nghệ thuật và thi từ ca phú.
Đường Thái Tông nổi tiếng là vị hoàng đế giỏi việc cai trị quốc gia. Không lặp lại những vết xe đổ của các vị hoàng đế xưa kia, Đường Thái Tông từng nói: "Lấy lịch sử làm gương soi thì có thể biết sự hưng suy. Lấy người làm gương soi thì có thể biết sự được mất".
Trong quá trình Đường Thái Tông trị vì nhà Đường cũng có rất nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra.
Bạch Cư Dị, một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường, từng làm thơ đại ý ca ngợi rằng: "Ba nghìn cung nữ rời khỏi hậu cung, bốn trăm tử tù được trở về nhà mà không có ai giám sát"
Đây là hai trong số những việc làm được coi là rất kỳ lạ của vị hoàng đế lỗi lạc này. Nhưng cũng chính nhờ đó là dân chúng trong thiên hạ luôn ca tụng ông.
Trên thực tế, đây là hai sự việc có thật và đã được ghi lại trong các tư liệu lịch sử. Đặc biệt là việc Đường Thái Tông bất ngờ tạm thả 390 tử tù về quê ăn Tết.
Cụ thể, theo ghi chép trong Tân Đường thư, Tư trị thông giám, vào cuối năm Trinh Quán thứ 6 (tức năm 632), Đường Thái Tông đã đích thân xem lại các vụ án. Nhận thấy sắp đến Tết, vị hoàng đế này ban hành một chiếu chỉ gây bất ngờ, đó là để 390 tử tù đang bị giam trong ngục chờ bị xử tử được trở về quê đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, họ phải thực hiện giao ước với hoàng đế là tự giác trở lại kinh thành để chịu tội và nhận bị hành quyết vào mùa thu năm sau.
Những tử tù này đã khấu đầu tạ ơn ân điển của hoàng đế và hứa sẽ tự giác quay trở lại nhà lao.
Sau khi lắng nghe mệnh lệnh của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, nhiều đại thần tỏ ra khó hiểu, thậm chí còn lo lắng, xin hoàng đế minh xét, suy nghĩ lại, bởi lòng người vốn phức tạp khó lường. Hơn nữa, 390 tử tù này đều phạm phải tội ác tày trời, chỉ chờ ngày hành quyết. Do đó, nếu tất cả những người tử tù này được thả ra ngoài thì e rằng sẽ không có một người tự nguyện trở về. Thử hỏi trên đời có mấy người nguyện ý đón nhận cái chết?
Tuy nhiên, vào ngày ước hẹn của mùa thu năm sau, kết quả của sự việc kỳ lạ này thực sự nằm ngoài dự đoán của các quan đại thần.
Tại kinh thành, các vị quan viên phụ trách tiếp nhận 390 tử tù đã có mặt trước cửa nhà lao. Điều bất ngờ là những người tử tù này đã thực sự lần lượt quay trở lại. Khi đếm số lượng những người đến nhận án tử, cai ngục phát hiện chỉ mới có 389 tử tù, thiếu đúng một người. Khi kiểm tra danh sách, họ phát hiện tử tù này sống ở Phù Phong.
Lúc bấy giờ không chỉ các quan viên nhận sự ủy thác của hoàng đế mà ngay cả những người bạn tù cũng cảm thấy lo lắng vì sợ phá vỡ giao ước.
Sau đó, tất cả đổ dồn sự chú ý vào một chiếc xe bò đang chầm chậm tới gần. Đó chính người tử tù thứ 390 đang trên đường tới địa điểm giao hẹn. Do quê nhà ở xa kinh thành, đồng thời đã lớn tuổi nên phạm nhân này phải thuê một chiếc xe bò để chở đi. Do đó, ông đã đến muộn hơn so với thời gian đã giao ước.
Như vậy, tất cả những tử tù này đều đã trở về kinh thành. Nhận được tin này, hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân vô cùng vui mừng và cảm động. Ông hạ lệnh lập tức ân xá cho 390 tử tù, không ai trong số họ phải chết.
Sau sự việc này chứng tỏ Đường Thái Tông là một một vị hoàng đế nhân từ. Ông lại càng được lòng dân và từ đó cũng giúp vị hoàng đế này rất nhiều trong quá trình trị vì đất nước.
Câu hỏi đặt ra rằng tại sao Đường Thái Tông Lý Thế Dân lại có thể đoán được những tử tù trên sẽ tự giác quay trở lại?
Nhiều người cho rằng, việc cho phép 390 tử tù về quê mà không có người giám sát là một nước cờ mạo hiểm của Lý Thế Dân. Bởi lẽ tử tù vốn là những tội phạm cực kỳ nguy hiểm và đương nhiên nếu có cơ hội thì ai cũng muốn thoát khỏi cái chết.
Vậy, tại sao hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân lại quả quyết cho họ về quê? Hóa ra có 3 lý do chính.
Thứ nhất, bản thân những người tử tù này đều biết về tội ác và hình phạt của họ. Hình phạt của tử tù cũng đã được công bố trong thiên hạ và chỉ chờ đến ngày hành quyết. Hơn nữa, việc hoàng đế cho phép họ về thăm nhà lần cuối là một đặc ân chưa từng có. Điều này khiến cả tử tù và gia đình của họ biết ơn. Vì vậy, để báo đáp hoàng đế, họ đều tự giác quay trở lại nhà lao đúng theo thỏa thuận.
Chính vì sự chân thành của những tử tù này mà Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã động lòng trắc ẩn và đồng ý ân xá.
Thứ hai, mặc dù cho phép 390 tử tù được về quê đoàn tụ với gia đình, nhưng Đường Thái Tông đương nhiên cũng biết lòng người khó lường. Ông không cho người giạm sát họ trên đường trở về nhưng cũng có lệnh cho các quan chức ở địa phương âm thầm theo dõi. Do đó, những người tử tù này cũng không có ý định bỏ trốn để tránh mang tai họa tới cho gia đình.
Thứ ba, luật pháp của nhà Đường lúc bấy giờ rất nghiêm minh, thậm chí có những hình phạt liên đới, khiến người dân rất sợ hãi. Bởi nếu một người trong gia đình phạm pháp thì cả gia đình và thậm chí là hàng xóm cũng sẽ bị liên lụy. Do đó, vì sự an toàn của bản thân, sau khi tử tù trở về thăm nhà, những người xung quanh sẽ luôn theo dõi nhất cử nhất động và ngăn cản nếu họ có hành vi phạm pháp.
Quả thực việc làm chưa từng có trong tiền lệ của hoàng đế Đường Thái Tông đều khiến dân chúng cảm động. Thay vì chỉ biết dùng hình phạt để răn đe, vị hoàng đế này lại lấy sự đức độ, khoan dung để cảm hóa lòng người.
Trong suốt thời gian trị vì đất nước, để tránh người dân bị oan khuất, Đường Thái Tông ra lệnh các vị quan viên cần phải thận trọng tra xét kỹ để đưa ra các hình phạt thích hợp. Điều này có thể là một trong những minh chứng cho thấy vì sao triều đại nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông lại phát triển mạnh về nhiều mặt như vậy.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất