Ly kỳ chuyện bá tước Nga cưỡi ngựa xuyên Việt hơn 100 năm trước

07/11/2016 11:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả Alexei Syunnerberg vừa có một bài viết trên Sputnik khảo tả lịch sử thú vị về hành trình kỳ lạ của bá tước người Nga tên là Konstantin Vyazemski đã cưỡi ngựa rong ruổi khắp Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Không chỉ thế, vị bá tước còn để lại cuốn nhật ký lữ hành với những trang ghi chép vô giá về lịch sử văn hóa Việt Nam hơn 100 năm trước.

Vào cuối thế kỷ 19 người châu Âu chỉ có thể đến Việt Nam bằng đường biển. Và đối với họ chuyến du ngoạn khắp đất nước này vào thời điểm đó lại không hề có máy bay hoặc xe buýt, xe máy hoặc ô tô. Khi đó chỉ mới bắt đầu lắp đặt tuyến đường sắt từ Hà Nội và đường xe điện ở Sài Gòn. Người ta di chuyển bằng những cách khác nhau: trên kiệu, trong xe kéo thắng trâu hoặc là trên bành voi.

Duy có một người Nga mà phương tiện giao thông là con ngựa. Cho đến nay ông vẫn là vị du khách độc nhất đã đến Việt Nam và rong ruổi khắp từ Bắc vào Nam, trên lưng ngựa. Đó là thành viên Hiệp hội Địa lý Nga, Bá tước Konstantin Vyazemski.


Ải Nam Quan cuối thế kỷ 19. Ảnh tư liệu (Ảnh có tính chất minh họa)

Nhà nghiên cứu ở Matxcơva là TS Anatoly Sokolov, người đã có công để cuốn nhật ký lữ hành của Bá tước được xuất bản tại Matxcơva, kể rằng: "Konstantin Vyazemski sinh năm 1852. Bá tước sống trên đời 52 năm, thì có 16 năm ông dành cho những chuyến đi khắp nước Nga, châu Á, châu Âu và châu Phi. Bá tước đã cưỡi ngựa vượt qua hơn 300.000 km, tức là bằng 8 lần vòng quanh Trái đất theo đường xích đạo. Thời gian cuối đời, Bá tước trở thành tu sĩ và chọn lối sống ẩn dật trong tu viện".

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hành trình du ngoạn của vị Bá tước người Nga này đến châu Á. Vyazemski khởi hành vào năm 1891, vượt qua 46.000 km xuyên Mông Cổ, Trung Hoa, Việt Nam, Campuchia, Lào, Xiêm và Ấn Độ. Trên chặng đường ấy ông đã không chỉ một lần gặp khó khăn nguy hiểm khác trên đường trường: vị lữ khách Nga không chỉ một lần bị tấn công, hai lần bị cướp, trúng thương ở vai và chân, bị bắt làm tù binh với hai tuần lễ sống trong cảnh giam hãm, lên cơn sốt cao đến kiệt sức.

* Đồn binh Đồng Đăng: Binh lính sống với...vợ trong doanh trại

Vyazemski khởi đầu cuộc hành trình từ hoang mạc Gobi. Xuyên qua Trung Quốc, ngày 14 tháng Ba 1892 Bá tước Nga đặt chân lên đất Việt. Tại đồn binh Đồng Đăng, cách biên giới Trung Quốc 6 km, du khách Nga đã gặp một viên sĩ quan Pháp và những binh lính người Việt.

Vyazemski ngạc nhiên khi nhìn thấy rằng trong trại quân có cả những người vợ lính cùng sống ở khu gia binh và đám phụ nữ cũng phải tuân thủ kỷ luật nhà binh giống như ông chồng của họ: phải đứng nghiêm trước mặt sĩ quan, nếu có hành vi phạm lỗi nào đó thì vợ lính cũng chịu phạt giam hoặc bị đánh bằng hèo tre.


Đồng Đăng xưa

 Ở Lạng Sơn, Bá tước Vyazemski đã nhìn thấy những binh sĩ người Âu từ đội quân Lê dương. Vyazemski nhận xét rằng trong lính Lê dương có người Đức, người Ý, và thậm chí cả những người Nga lưu vong. Một người Nga từng là sĩ quan trong quân đội Sa hoàng, vì đấu súng mà bị giáng cấp và đào tẩu từ Nga sang Pháp rồi gia nhập đội quân viễn chinh Lê dương.

Cũng ở Lạng Sơn, Bá tước thích thú đến thăm nhà hát địa phương, nơi hầu hết các tiết mục trên sân khấu đều diễn cảnh kháng chiến chống quân xâm lược Trung Hoa mà những người Việt Nam luôn giành chiến thắng.

*Người dân Việt Nam niềm nở với lữ khách Nga

Con đường tiếp bước viễn du của Vyazemski chạy qua Hà Nội và Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, Vinh và Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, cuối cùng hoàn thành vào tháng Bảy năm 1892.


Bá tước Nga Viazemsky từng được đón tiếp trọng thị trong triều đình Huế

Đáng chú ý là khi rong ruổi qua suốt chiều dài đất nước Việt Nam vị lữ khách Nga không hề gặp sự cố gì nghiêm trọng. Ở khắp nơi mọi người, cả dân địa phương, cả nhà cai trị Pháp, đều đón tiếp lữ khách Nga một cách niềm nở. Có thể nguyên nhân của sự hanh thông này là bởi trước đó một năm ở Việt Nam đã diễn ra cuộc thăm viếng thành công của Thái tử Nikolai kế vị ngai vàng Hoàng đế Nga. Chúng tôi đã kể chuyện này chương trình chuyên mục.

Bá tước Vyazemski ghi nhật ký đều đặn, ông mô tả cơ cấu hành chính trong nước, các truyền thống dân tộc và phong tục của người dân. Bá tước người Nga đã chia sẻ ấn tượng của ông về các tiết mục ca nhạc và sân khấu bản địa, lược thuật các chủ đề kịch hát của Việt Nam. Ông thậm chí còn đưa đính chính vào bản đồ của Tổng hành dinh Pháp ở Việt Nam, xác định đúng đắn khỏang cách từ Thanh Hóa đến Vinh.

Trong nhật ký của Bá tước Nga có nhiều trang dành mô tả diện mạo, trang phục và phong cách lễ tân của đại diện chính quyền Việt Nam mà ông có dịp gặp gỡ và cùng trò chuyện.


Triều đình Huế

Vyazemski nhận xét rằng, các vị quan lại Việt Nam hầu như chẳng biết gì về nước Nga, ngoài ấn tượng đó là xứ sở lạnh giá nhất trong các nước trên thế giới. Một trong những vị quan hàng tỉnh của Việt Nam đến gặp Bá tước Nga với sự tháp tùng của một quan chức Pháp, đã đặc biệt kinh ngạc vì chuyện, xứ Nga không hề thần phục đế chế nước ngoài nào, kể cả Trung Hoa, Pháp hoặc là Anh quốc. Viên quan này hỏi "Vì sao mà nước Nga không bị ai đánh chiếm vậy?". Quan chức người Pháp trả lời: "Không thể có chuyện đó, vì Nga là đất nước rộng lớn và hùng mạnh, đánh chiếm rất khó". Còn ở kinh đô Huế, Bá tước Vyazemski đã có dịp bệ kiến vua Thành Thái.

 * Vị bá tước Nga được vua Thành Thái tặng huy chương

Cho đến nay, hàng trăm công dân Nga đã được trao tặng Huân chương, hàng ngàn người khác được nhận huy chương của Việt Nam. Nhưng ai là người Nga đầu tiên được trao tặng danh hiệu này? Và điều đó xảy ra khi nào?

Lời đáp cho câu hỏi này có thể tìm thấy trong cuốn nhật ký du hành của bá tước Constantine Viazemsky được công bố tại Moskva năm 1892, khi ông đến thăm Việt Nam.

Xin nói thêm là ông Viazemsky đã có mặt tại đất nước các bạn lâu hơn các vị khách đến thăm Việt Nam vào giai đoạn đó. Ông đã ở Việt Nam trong vòng bốn tháng liền và cưỡi ngựa rong ruổi từ Bắc tới Nam.

Sau khi biết bá tước Nga đến Huế, ông được mời đến gặp vua Thành Thái. Và đây là những gì mà ông Vyazemsky đã viết về chuyện đó: "Hoàng đế Việt Nam, một cậu bé mười lăm tuổi, sống gần như một tù nhân trong cung điện của mình. Ngài lên ngôi thay anh trai của mình, đã bị người Pháp đày đi Algeria vì bất tuân phục"

 Vyazemsky mô tả tỷ mỉ cung điện vua Thành Thái, những người trong Hoàng gia và giới cận thần, tiệc yến mà nhà vua thết đãi bá tước Nga, các bản nhạc được chơi trong khi ăn, những tiết mục trên sân khấu tiếp theo đó. Nhà vua đã ban cho vị khách Nga nhiều món quà tặng, trong đó có hai chiếc quạt lớn bằng lông công có tay cầm bằng ngà và chiếc ô sang trọng.


Bá tước Nga Viazemsky từng được vua Thành Thái tặng huy chương

Nhà vua cũng thưởng cho bá tước Viazemsky hai huy chương dân sự và quân sự Việt Nam cao quý nhất, cùng với mười huy chương ý nghĩa thấp hơn. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng bá tước Vyazemsky là người Nga đầu tiên được nhận tặng thưởng của nhà nước Việt Nam.

* Khảo tả từ kinh thành Huế, đến Sài Gòn, núi Bà Đen

Một trong những trang thú vị nhất cuốn nhật ký lữ hành của bá tước Vyazemsky kể về chuyện ông đã ở trong kinh đô Việt Nam như thế nào. Đây quả là một cuộc điều tra thực sự về kinh kỳ Huế vào thời điểm đó. Thành phố này được tác giả mô tả trong các khía cạnh khác nhau: kiến trúc, chính trị, hành chính, lịch sử, văn hóa và xã hội.

Bá tước thực sự đặc biệt ngưỡng mộ lăng tẩm của các hoàng đế. Vyazemsky mô tả chi tiết các cụm công trình kiến trúc, và lấy làm tiếc rằng "các ngôi mộ trong tình trạng đổ nát và được chăm sóc kém, gạch đá lở tứ bề, sân lăng đầy rác".


Cảng Sài Gòn xưa

Từ Huế, bá tước Nga cưỡi ngựa đến Đà Nẵng. Trong nhật ký của mình, ông lưu ý rằng từ thành phố này người Pháp đã thâm nhập rộng rãi ra khắp Đông Dương. Bá tước phân tích giá trị kinh tế của cảng Đà Nẵng và liệt kê các sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu qua cảng này đến các nước khác. Bá tước Vyazemsky lưu ý đến số lượng lớn người Âu ở thành phố này và sự Âu hoá mạnh mẽ ở Đà Nẵng. "Ngay cả vợ con các quan lại Việt Nam cũng tán chuyện với nhau bằng tiếng Pháp và mặc trang phục châu Âu".

Trong vùng ngoại ô Tây Ninh, ông Vyazemsky leo núi Bà Đen, từ trên đỉnh núi cao ngắm nhìn "vẻ ngoạn mục đáng yêu của đất nước". Ông cũng tham gia một nghi lễ tôn giáo tại ngôi chùa trên núi.

Đối với vị du khách người Nga, trước đó đã đến thăm hàng chục quốc gia châu Á, Sài Gòn là thành phố văn minh nhất Viễn Đông và cũng là thành phố Âu hóa nhất mà ông thấy ở châu Á. Đặc biệt ấn tượng nhất là dinh Công sứ, dinh Thống đốc, bưu điện, bệnh viện và phòng thí nghiệm, nơi mà Pasteur hướng dẫn học trò tiến hành nghiên cứu vắc-xin.

Bá tước rất khâm phục Vườn bách thảo địa phương. Ông lưu ý trong nhật ký của mình "Khu vườn này nổi tiếng khắp Đông Dương". Trong Chợ Lớn, bá tước Nga chú ý đến "sự pha trộn giữa châu Âu với các yếu tố châu Á. Người người ai cũng mải mê buôn bán. Tất cả các con sông nườm nượp tàu thuyền chở gạo".

Du khách Nga kinh ngạc thấy rằng trong Chợ Lớn người ta công khai bào chế, buôn bán thuốc phiện, thậm chí đưa vào sản xuất công nghiệp. Lên án chính quyền Pháp, ông Vyazemsky cáo buộc người Pháp "vô đạo đức hoàn toàn" trong vấn đề này.

Sau khi rời Sài Gòn tháng 7 năm 1892, bá tước Nga vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình qua Campuchia, Xiêm La (Thái Lan), Miến Điện (Myanmar). Ông sống ba tháng ở Ấn Độ và sau đó qua dãy Himalaya, Tây Tạng, Trung Á, Ba Tư và Caucasus trong năm 1894, rồi trở về St. Petersburg.

Nói về chuyến lữ hành trên đất Việt Nam của bá tước Vyazemsky, sử gia Moskva Anatoly Sokolov đánh giá rằng, "đối với 19, chuyến đi này thật sự độc đáo. Và nhật ký của bá tước Vyazemsky quả là chuyên khảo khoa học và nghệ thuật tuyệt vời. Cho đến nay, nhiều chuyên gia các lĩnh vực khác nhau vẫn có thể tìm thấy ở các trang sách này rất nhiều điều hữu ích."

Theo Sputnik

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm