Nga điếng người trước hành động của ông Tập Cận Bình

30/08/2016 11:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khi lãnh đạo tối cao Trung Quốc nói nước này tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, điều đó có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kỳ vọng Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề lợi ích cốt lõi.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Độc lập của Ukraine, tờ Kyiv Post cho hay Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới Tổng thống Petro Poroshenko và nhân dân Ukraine. Bức điện như trích dẫn của Văn phòng Báo chí của Tổng thống Ukraine nêu rõ: “Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên công nhận độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Ukraine. Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như tôn trọng con đường phát triển phù hợp với đặc điểm đất nước của nhân dân Ukraine”.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine gần đây leo thang, các lực lượng ly khai miền Đông Ukraine mà truyền thông bên ngoài cho là được Nga ủng hộ hàng ngày giao tranh kịch liệt với quân đội Ukraine, việc lãnh đạo tối cao Trung Quốc lên tiếng ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không chỉ được truyền thông Ukraine đăng tải rộng rãi mà còn nhận được sự quan tâm chú ý lớn của phía Nga.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Đặc biệt, nội dung bức điện mừng của ông Tập Cận Bình được tiết lộ gần như cùng với việc Nga và Trung Quốc xác nhận sẽ tổ chức diễn tập quân sự chung trên Biển Đông từ 12-19/9. Đây là hoạt động thao dượt hải quân đầu tiên giữa hai nước sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.

Vì vậy, vấn đề Ukraine có thể có mối quan hệ nào đó với vấn đề Biển Đông. Nhà phân tích chính trị hàng đầu của Nga, ông Andrei Grozin cho rằng sự ủng hộ cần phải đến từ hai bên. Nếu Trung Quốc cần sự ủng hộ nhiều hơn của Moskva trong các vấn đề như biển Đông, Nga đương nhiên cũng mong muốn nhận được sự "báo đáp" tương đương từ Bắc Kinh.

Mặt khác, trong vấn đề Ukraine, Nga cũng không mong muốn nhìn thấy sự can thiệp của Trung Quốc. Ông Grozin nhấn mạnh: “Không ai hy vọng vào việc Trung Quốc có thêm ảnh hưởng, càng không muốn Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào vấn đề giữa Moskva và Kiev”.

Moskva và Bắc Kinh gần đây có xu hướng xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt vì những cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn Trung Quốc thì liên tục hứng chỉ trích từ các nước trong khu vực bởi những động thái gây hấn trên biển.

Hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra một tuyên bố chung về "củng cố sự ổn định chiến lược toàn cầu", nhấn mạnh vào tầm nhìn chung giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Khi đó, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc và Nga nên hỗ trợ lẫn nhau trước các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi”.

Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn của Đài RFI bằng thư điện tử, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã dẫn ra phản ứng mới đây của Moskva đối với phán quyết của Tòa Trọng tài, hoàn toàn không giống như những gì mà Bắc Kinh mong đợi.

Theo Giáo sư Carl Thayer, Nga không trực tiếp giúp Trung Quốc hoặc hậu thuẫn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó được phản ánh rất rõ khi Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, nói rằng Nga ủng hộ luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng Moskva sẽ không can dự vào việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Theo Hoàng Hà - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm