25/11/2012 13:00 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Khi bắt tay vào làm phim Brokeback Mountain về hai chàng cao bồi đồng tính, nhiều người cho rằng Lý An đã thực hiện một quyết định mạo hiểm. Nhưng với ông, bộ phim mới nhất mang tên Life Of Pi(Cuộc đời của Pi) mới đúng là sự lựa chọn nhiều rủi ro nhất.
Bộ phim 3D Life Of Pi sẽ được công chiếu tại các rạp chiếu ở Mỹ từ tuần này, là tác phẩm chuyển thể của cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel. Đã từng có những ý kiến cho rằng người ta không thể làm phim về cuốn sách này.
Bởi lẽ đó, khi bắt tay vào làm phim Lý An đã phải lao lực rất nhiều. Ông phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, sử dụng rất nhiều hình ảnh do máy tính tạo ra để gây ấn tượng thị giác mạnh trên màn bạc. Ngoài ra ông cũng phải dành tới một năm rưỡi để xử lý hậu kỳ của phim.
Vừa qua, phóng viên của Reuters đã có cuộc trò chuyện với Lý An về chủ đề của phim, các rào cản kỹ thuật và vì sao ông lại chọn một diễn viên vô danh làm nhân vật chính trong phim
* Vì sao người ta lại xem Life Of Pi là tác phẩm không thể dựng thành phim?
- Bởi vì anh không thể khiến một con hổ làm mọi điều mình muốn và vì thế anh phải dùng kỹ thuật số. Một con vật kỹ thuật số, cho tới cách đây 2 năm vẫn chưa phải là ý tưởng mang tính thực tế, chưa nói gì tới phim 3D. Ngoài ra việc mô phỏng môi trường nước rất khó khăn.
Lý An (phải) và diễn viên chính trong phim Life Of Pi, Suraj Sharma |
* Đây có phải là trải nghiệm làm phim khó khăn nhất của ông không?
- Ồ đúng vậy. Và phim này còn dài nhất nữa, bên cạnh những khó khăn kỹ thuật và quy mô của bộ phim. Vì phim có bối cảnh trải dài trên nhiều châu lục nên tôi quyết định quay phần lớn cảnh ở Đài Loan. Nhưng rồi chúng tôi đã phải tới Ấn Độ để quay trong 2-3 tuần, vì anh không thể làm giả được các vùng Pondicherry và Munnar. Rồi chúng tôi quay thêm một số cảnh nữa ở Canada.
* Nhưng Brokeback Mountain cũng là một phim có nhiều yếu tố mạo hiểm mà?
- Không, với tôi thì không phải vậy. Ít nhất là khi làm phim đó, tôi nghĩ về nó chỉ trên góc độ nghệ thuật và ít người thấy được điều này. Và phim đó ít tốn kém hơn nhiều khi sản xuất. Nên tôi không thấy mạo hiểm lắm... Nhưng rồi đã có lúc tôi cũng hơi lo, kiểu như "chà, người ta chắc sẽ hành hình mình mất, vì tội dám làm một phim về cao bồi đồng tính và phim sẽ được bán ở các trung tâm mua sắm".
* Trở lại với Life Of Pi, tại sao ông lại chọn người vô danh như Suraj Sharma để vào vai Pi?
- Tôi muốn có một người thật đáng tin cậy, không có thói quen xấu. Điều đó có nghĩa anh sẽ phải đào tạo họ lại từ đầu.
Tại sao ông lại thay thế Tobey Maguire và quay lại các cảnh của anh ấy bằng diễn viên Rafe Spall kém nổi tiếng hơn?
- Đó là một vai nhỏ còn anh ấy là một sao điện ảnh lớn. Anh ấy là bạn tốt của tôi và sẵn sàng nhận vai đó mà chẳng đòi hỏi gì. Nhưng trong vai đó anh ấy cũng không làm gì nhiều, chỉ ngồi một chỗ và lắng nghe trong phần lớn thời gian. Tôi nghĩ rằng anh ấy có thể hơi gây mất tập trung cho phim.
* Bộ phim khám phá yếu tố tâm linh ra sao?
- Với tôi, niềm tin là thứ khó nắm bắt... Nguồn gốc của mọi vật tới từ sự hư vô, trong đó ảo ảnh hình thành dựa trên những điều ta có thể chứng minh được. Đó là nguyên tắc, bản chất của cuộc đời, rằng cuộc đời là một dạng ảo ảnh chứ không phải vô hình. Đó là thứ ảo ảnh xứng đáng để người ta theo đuổi.
Đôi khi tôi cảm thấy mình có thể tin tưởng ảo ảnh hơn đời thực, vốn đầy sự giả dối, mánh khóe và sự bao biện.
* Có việc phải khám phá niềm tin đã khuyến khích ông làm phim này?
- Cuốn sách của nhà văn Yann Martel rất thú vị, nó nói về niềm tin. Nhưng nó không khiến tôi tin vào Thượng đế hay điều gì đó... Tôi không đi nhà thờ hoặc tới thánh đường sau đó. Khi bắt đầu làm phim, tôi có cảm thấy rằng niềm tin xuất hiện và đưa mình qua nghịch cảnh. Nhưng thực tế tôi nghĩ nhiều hơn tới việc kể chuyện, giá trị của việc kể chuyện và cách thức người ta chia sẻ câu chuyện. Bởi vì một câu chuyện luôn có cấu trúc mở bài, thân bài, kết luận. Nó luôn mang một ý nghĩa nào đó, trong khi cuộc đời không giống như thế.
* Ông có theo tôn giáo nào không?
- Không. Mẹ tôi theo Công giáo nên bà bắt tôi đi nhà thờ vào mỗi Chủ nhật và tôi cầu nguyện ở đó 4 lần mỗi ngày cho tới tận năm tôi 14 tuổi. Vào giờ ăn trưa, lũ trẻ ở trường thường cười khúc khích khi thấy tôi cầu nguyện... Tôi lập tức ngừng cầu nguyện. Và 2 tuần sau, chẳng có gì xảy ra với tôi nên tôi không cầu nguyện nữa.
Tôi không phải là người đặc biệt mộ đạo. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự đối mặt với câu hỏi về việc Thượng đế đang ở đâu, vì sao chúng ta được tạo ra, cuộc sống sẽ đi tới đâu, vì sao chúng ta lại tồn tại, đại loại vậy. Và ngày hôm nay nói về những điều như thế lại càng khó khăn, bởi người ta không thể chứng minh, có câu trả lời cho chúng. Thảo luận về chúng dựa trên lý trí là việc rất khó khăn.
* Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất