Nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Cho không” cái tên Điệp viên không không thấy

15/11/2011 13:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong số các nhân vật của nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa, Điệp viên không không thấy “bị”… “cầm nhầm” để đặt tên cho một bộ phim đang chiếu rạp do danh hài Mr. Bean đóng vai chính. Nếu gặp nhà văn khác, vụ “xài chùa” vì mục đích thương mại này có thể đưa tất cả đến tòa. Nhưng Lê Văn Nghĩa thì một mực: “thây kệ nó!”…

NXB Trẻ vừa ấn hành tuyển tập trào phúng Chuyện chán phèo của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa. Tuyển tập tuy chưa “gộp” hết những gì Lê Văn Nghĩa đã viết trong hơn 30 năm qua, nhưng cũng đủ để người đọc yêu thích thể loại trào phúng thấy được diện mạo của một tác giả.

Khi vừa nhận được cuốn sách Chuyện chán phèo, đọc hết nội dung, tôi gặp nhà văn Lê Văn Nghĩa để phỏng vấn anh, vì phỏng vấn thì nhà văn sẽ nói được nhiều điều mà trong sách không nói hết. Thế nhưng, Lê Văn Nghĩa đã từ chối, vì theo anh: “Nhà văn muốn nói gì cũng đã nói trong tác phẩm rồi, tôi tránh việc lập ngôn bên ngoài tác phẩm”. Sự thực thì lâu nay gần như Lê Văn Nghĩa không có trả lời phỏng vấn trên báo, anh luôn tránh chuyện “tiếp thị mình” một cách khá...  cực đoan. Nhưng trong thời buổi nhiều người tranh thủ PR, tiếp thị, quảng cáo về mình, sự “cực đoan” này của Lê Văn Nghĩa lại rất... dễ thương. Lê Văn Nghĩa nói ngắn gọn về mình: “Tánh tình của tôi thuộc loại hời hợt và ưa thích sự vui vẻ. Tôi chỉ mong bạn đọc của tôi vừa đọc, vừa cười và sau đó quên đi cũng được”.


Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Người bán nụ cười

Các nhân vật trào phúng của Lê Văn Nghĩa trong Chuyện chán phèo đều mang dáng dấp các “thói hư tật xấu” của một ai đó trong cuộc đời này. Do vậy khi đọc Lê Văn Nghĩa nhiều người dễ bị giật mình vì “hình như thằng cha nhà văn này đang đem mình ra để cười nhạo”.

Chẳng hạn, truyện Sự chờ đợi của một nhà văn lớn, Lê Văn Nghĩa “giễu” đồng nghiệp cầm bút mà cũng là “giễu” chính mình. Một nhà văn trong truyện ngày đêm lo nuôi mộng về tác phẩm “vĩ đại” nhưng... không chịu viết, nên dù ốm o gầy mòn mơ mộng đã 10 năm liên tục, rốt cục thì chẳng có tác phẩm nào ra đời. Các nhà văn thích lập ngôn bên ngoài tác phẩm hơn là cầm bút, thích chê bai văn người mà không xem lại chính mình có viết được gì hay không, như một thứ bệnh khá phổ biến của các nhà văn. Lê Văn Nghĩa “tổng kết” về chứng bệnh này, cũng là tự nhắc nhở bản thân: “Chưa viết được chữ nào, Trần Thế đâm ra bị bệnh mất ngủ vì đêm nào cũng phải suy nghĩ để chọn đề tài viết bằng thể loại nào. Anh ta cứ mải mê nằm chê bai và suy nghĩ về tác phẩm lớn của mình, từ đêm này, đến đêm khác, tính ra đã được chục năm”.

Lê Văn Nghĩa dùng tiếng cười để phê phán những mặt xấu của đời sống như một việc “phải làm”, vì ngoài viết văn trào phúng, anh còn là một nhà báo “châm biếm” có... thương hiệu. Để cười người không khó, vì “nhân vô thập toàn”, ai cũng có điểm xấu để người khác “trào lộng”. Nhưng cười chính mình, “tự phê bình” được cái dở của bản thân mới khó và hình như rất ít người dám “tự bêu xấu” trước người khác. Một trong nhiều “cái dở” của Lê Văn Nghĩa, như chính anh “phát hiện” là có những chuyện thiên hạ cười rần rần còn mặt mình thì bí xị.

Truyện Người bán nụ cười rất gần với chân dung “tự họa” của Lê Văn Nghĩa.  Tôi nói với anh: Người bán nụ cười và nhiều truyện khác, sao giống tự truyện của anh quá. Lê Văn Nghĩa cười: “Nếu bạn đọc nghĩ truyện này, truyện kia là chân dung của tôi cũng không sao, quyền của người đọc mà, không ai cấm quyền hiểu của người khác”. Trong truyện này, Lê Văn Nghĩa “họa” chân dung ông như một anh hề có cái mặt buồn thiu. Anh hề thường đi xem hài kịch, vở diễn nào anh hề mặt càng buồn thì người xem càng đông, vở nào anh hề cười hô hố thì rạp hát “vắng như chùa bà đanh”. Điều này cũng là nghịch lý của nghề viết trào phúng, người viết thì cau có, đau đớn suy nghĩ còn người đọc thì cười hả hê.

Lê Văn Nghĩa “tự bạch” về nghề viết trào phúng: “Mỗi người viết đều cần phải có nét riêng, giống như trên sân khấu... Tôi nghiệm ra rằng làm hề không dễ, và tôi an tâm trở thành kép phụ trong lĩnh vực hề, với quan niệm: Ngày nào còn mang được nụ cười đến cho một ai thì cuộc đời của tôi mới có chút ý nghĩa nào đó”- Người bán nụ cười.



 “Không không thấy” hay “không không biết”?

Tuyển tập trào phúng Chuyện chán phèo chia thành bốn phần: Chuyện chán phèo, Chuyện như đùa, Đại Văn Mỗ Điệp viên không không thấy. Đây là tập sách thứ 16 của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa sau 13 tập truyện trào phúng, một tập truyện ngắn và một tập kịch bản phim truyện. Đọc tuyển tập Chuyện chán phèo, người đọc sẽ gặp lại nụ cười từ thời cơ chế bao cấp đến thời kinh tế thị trường. Độc giả sẽ được cười từ chuyện nhỏ như “cái đinh” đến chuyện lớn như “dự án Metro”...

Ngoài các truyện cười được cập nhật từ đời sống, Lê Văn Nghĩa còn xây dựng được các nhân vật trào phúng, mà khi nhắc đến các nhân vật này thì người đọc sẽ nhớ đến tác giả. Với một nhà văn, để có một nhân vật được người đời nhớ đến kiểu như Chí Phèo của Nam Cao, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng... thì ngòi bút của nhà văn đó đã thành công hơn mong đợi. Lê Văn Nghĩa có các nhân vật Đại Văn Mỗ, Điệp viên không không thấy, Linda Kiều... rất quen thuộc với người đọc trào phúng hiện nay. Tuy các nhân vật Đại Văn Mỗ, Điệp viên không không thấy... chưa có “tuổi thọ” bằng các nhân vật Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ..., nhưng nếu so với các nhà văn bây giờ, liệu có bao nhiêu người sáng tạo được các nhân vật mà người đọc nhớ tên?!

Trong số các nhân vật của Lê Văn Nghĩa, Điệp viên không không thấy còn “bị” một nhà phát hành phim tại Việt Nam “xài chùa” để đặt tên cho một bộ phim đang chiếu rạp do danh hài “Mr. Bean” đóng vai chính. Bộ phim này nếu chuyển ngữ đàng hoàng từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì không có liên quan gì đến cụm từ “Điệp viên không không thấy” hết. Tìm hiểu một số nhà phát hành phim, việc đổi tên so với tên gốc của các phim nước ngoài khi chiếu tại Việt Nam là “chiêu” lôi kéo người xem đến rạp. Nhà phát hành phim đã lấy tên “Điệp viên không không thấy” của Lê Văn Nghĩa cũng không ngoài mục đích bán vé. Thế nhưng, nhà phát hành phim này đã không hề xin phép “cha đẻ” của chàng “Điệp viên không không thấy” chuyên phá những vụ án “kỳ cục” lấy một lời.

“Điệp viên không không thấy” ra đời đã mấy chục năm nay, chàng thường xuyên “phá án” trên báo Tuổi Trẻ cười - tờ báo trào phúng có lượng phát hành lớn nhất Việt Nam, lẽ nào nhà phát hành phim “không không thấy” hay “không không biết”? Hỏi Lê Văn Nghĩa về vụ này, anh nói: “Thôi, thây kệ nó!”. Nếu gặp ông nhà văn khác, vụ “chôm” tên nhân vật của mình cho mục đích “thương mại” sẽ được mời ra tòa, còn nhà văn Lê Văn Nghĩa thì “thây kệ nó!”. Hóa ra, ông nhà văn có cái “mặt sầu” Lê Văn Nghĩa không chỉ là “người bán nụ cười”, mà anh còn “cho không nụ cười”.

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm