Asian Cup 2011, lượt trận cuối cùng bảng D: Khi Triều Tiên phải tấn công

19/01/2011 11:36 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Sau 2 trận toàn thắng, Iran không những chắc một suất ở vòng tứ kết, mà còn chiếm luôn ngôi đầu bảng D, khiến tấm vé còn lại chỉ còn là cuộc đua giữa bộ ba Iraq, CHDCND Triều Tiên và UAE.

Jong Tae Se (trái) có cứu được Triều Tiên?, Ảnh Getty

UAE là đội yếu thế nhất khi họ buộc phải thắng đối thủ mạnh Iran trong trận cuối cùng nếu muốn có hy vọng đi tiếp, trong khi Iraq, nhiều hơn 2 điểm so với 2 đối thủ còn lại, đang có lợi thế. Họ chỉ cần hòa CHDCND Triều Tiên là sẽ có mặt ở vòng tứ kết. Trong trường hợp cả Triều Tiên và UAE cùng thắng trận, đội nào thắng đậm hơn sẽ đi tiếp.

Tuy nhiên, kịch bản đó không dễ xảy ra. Đã chắc ngôi đầu bảng, nhiều khả năng HLV Afshin Ghotbi của Iran sẽ để hầu hết các cầu thủ trụ cột được nghỉ ngơi chuẩn bị cho trận tứ kết diễn ra trong 3 ngày nữa. Nhưng ngay cả với đội hình hai, không có cả hai ngôi sao đang khoác áo Osasuna tại La Liga, Javad Nekounam và Masoud Shojaei, Iran vẫn được đánh giá cao hơn UAE khi hầu hết các cầu thủ của HLV Ghotbi ở giải lần này đều là những người dày dạn kinh nghiệm và đã có thời gian gắn bó lâu dài cùng ĐTQG.

Như vậy, trận đấu quyết định ở bảng D có lẽ là cuộc đọ sức giữa Triều Tiên và Iraq. Về mặt lực lượng, có lẽ không có khác biệt nhiều giữa hai đội. Triều Tiên nhỉnh hơn một chút với một đội hình gắn kết, từng rất thành công ở chiến dịch vòng loại World Cup 2010, cộng thêm các ngôi sao đang chơi bóng ở châu Âu và Nhật Bản như Cha Jong Hyok, Kim Kuk Jin (đều đá cho FC Wil, một đội hạng 2 ở Thụy Sĩ), Ryang Yong Gi (Vegalta Sendai, Nhật Bản), An Yong Hak (Omiya Ardija, Nhật Bản), Hong Yong Jo (FC Rostov, Nga) và đặc biệt là “Rooney của Đông Á” Jong Tae Se (Bochum, Đức).

Tuy nhiên, những trận đấu với UAE (hòa 0-0) và Iran (thua 0-1) cho thấy vấn đề lớn nhất của đội bóng Đông Á từng góp mặt tại World Cup 2010 không phải là lực lượng, mà là thái độ tiếp cận trận đấu. HLV 51 tuổi Jo Tong Sop, lên thay Kim Jong Hun sau giải đấu bết bát ở Nam Phi khi họ bị BĐN nã vào lưới tới 7 bàn ở vòng bảng, hầu như giữ nguyên đội hình và không thay đổi gì trong lối chơi của Triều Tiên. Đội bóng Đông Á từng rất thành công với lối chơi phòng ngự tử thủ và chớp thời cơ khi cần thiết để đảm bảo những chiến thắng tối thiểu, nhưng lúc này đây, phong cách đó có vẻ không còn thích hợp.


Nếu World Cup 2010 là cột mốc của bóng đá Triều Tiên, thì lẽ ra HLV Jo Tong Sop, với những gì ông được thừa kế, nên xây dựng cho đội bóng của mình lối chơi của một kẻ chiếu trên, tấn công và áp đặt đối thủ, thay vì tiếp tục thế trận phòng ngự bế tắc. Triều Tiên giờ đã ở vị thế khác. Họ không phải là người đi tìm kiếm một trận hòa nữa, mà nhiều khi chính các đối thủ của họ, như UAE ở trận mở màn, hay như Iraq tối nay, mới mong muốn điều đó.

DỰ ĐOÁN CÙNG GUUS HIDDINK

Triều Tiên - Iraq: 1-0

UAE - Iran: 1-2


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm