01/02/2023 15:40 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Có người đi làm lương 10 triệu đồng suốt ngày than thở hết tiền, nhưng cũng có người vừa để dành được 4-5 triệu/tháng, vừa sống đúng với những sở thích cá nhân.
Nhiều người cho rằng, khi sống ở thành phố lớn với mức chi phí đắt đỏ như Hà Nội, mức lương chỉ từ dưới 10 triệu đồng - 15 triệu đồng rất khó để sinh hoạt thoải mái.
Nhưng với một bộ phận người trẻ hiện nay, nhờ cách quản lý chi tiêu thông minh, họ vẫn có thể thoải mái sống với những sở thích cá nhân mà đảm bảo khoản tiền tích lũy, tiết kiệm hàng tháng.
Dương Mộc (nhân viên văn phòng, 28 tuổi) chia sẻ: “Từ hồi mới đi làm, lương 6-7 triệu/tháng, tôi vẫn sống thoải mái như vậy, trà sữa chiều chiều, tiết kiệm đều đều, vẫn có tiền đưa cho bố mẹ hàng tháng, không nhiều thì ít. Cứ tập quản lý như vậy mãi thì cũng thành quen, sau này thu nhập cao hơn, tôi cứ giữ thói quen chi tiêu như vậy. Có những lúc tiết kiệm tới 70% tháng lương cũng vẫn thấy rất ổn, chuyện nhỏ mà!”
Ảnh minh họa.
“Khoản đầu tiên tôi để riêng chính là tiền sinh hoạt hàng tháng gửi cho bố mẹ. Vì hiện giờ bố mẹ đều lớn tuổi, tôi luôn đưa khoảng 7-8 triệu/tháng để đỡ đần phần nào gánh nặng tài chính của gia đình. Đương nhiên, đó không phải số tiền lớn, nhưng vì gia đình không tốn kém tiền thuê nhà, hay phải trả nợ gì, nên chỉ cần chi tiêu cho việc ăn uống hàng ngày cũng đủ”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ.
“Khoản thứ hai chính là tiền điện, nước, Internet của gia đình, vào khoảng 1 triệu đồng/tháng. Thường thì sau khi nhận lương, tôi đều sẽ chuyển 2 khoản tiền này sang 1 tài khoản khác, không để chung với tiền sinh hoạt.”
“Khoản thứ ba là dự chi sinh hoạt cá nhân. Trước kia, tôi chỉ tiêu khoảng 2 triệu đồng/tháng cho bản thân. Giờ thì ‘xông xênh’ hơn, tự cho phép mình tiêu khoảng 4-5 triệu, nhưng hầu như chưa tháng nào tiêu quá số tiền này cả. Thay vì mua túi hiệu, quần áo, giày dép tiền triệu, tôi chỉ uống vài cốc trà sữa mấy chục nghìn, đáng bao nhiêu đâu. Ít tiền thì thỏa mãn những nhu cầu nhỏ nhỏ xinh xinh, thế là vui cả ngày.”
“Sau khi trừ hết 3 khoản này, tôi để lại 1 triệu dự phòng, rồi gửi thẳng phần còn lại vào tài khoản tiết kiệm. Có tháng thu nhập tính theo hiệu suất có thể lên cao, khoảng trên 20 triệu, tôi cũng gửi hết vào tiết kiệm chứ không để lại bao giờ.”
Mục đích chính của việc tiết kiệm là để có thêm thu nhập - không phải là giữ lại phần thu nhập đó sau khi chi tiêu xong. Tức là bạn có thể hiểu, việc bạn tiết kiệm được 1 đồng, được tính vào phần “thêm” chứ không phải phần “dư”.
Nếu đợi đến lúc chi tiêu tất cả mọi thứ, bạn mới để ý tới phần “dư” thì con số đó chắc chắn rất nhỏ. Vì ham muốn cá nhân sẽ không ngừng gia tăng, chứ rất ít khi mất đi một cách tự nhiên. Thay vì để cảm xúc quyết định, bạn hãy lý trí vạch ra những dự toán rõ ràng ngay từ khi vừa nhận lương.
“Nhờ vậy, Tết vừa qua, mặc dù công ty chỉ thưởng 1 tháng thu nhập nhưng mình vẫn có thể trích từ tài khoản tiết kiệm ra một khoản khấm khá để gửi bố mẹ, đến mồng 1 cũng mừng tuổi ‘hai cụ’ 1 triệu/người. Bố mẹ cười toe, phấn khởi lắm vì thấy con gái dù chưa lấy chồng, nhưng tài chính vững vàng,
Từng trải qua khoảng thời gian vật lộn với tài chính cá nhân, giờ đây, Anh Tuấn (nhân viên truyền thông, 26 tuổi) đã học cách đặt ra những mục tiêu tiết kiệm rất cụ thể, với kế hoạch rõ ràng.
Anh Tuấn chia sẻ: “Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến thuế giá trị gia tăng (VAT), có thể hiểu một cách đơn giản rằng, khi bạn mua 1 món hàng giá 10 đồng, bạn sẽ phải bỏ thêm ít nhất là 1 đồng cho thuế VAT. Tức là phải trả 11 đồng cho một chi tiêu giá trị 10 đồng. Như vậy, tôi cũng áp dụng quy tắc ‘tiết kiệm VAT’ cho bản thân.”
Mỗi khi bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì, Anh Tuấn lại trích “thêm” số phần trăm mà bạn muốn tiết kiệm để riêng ra. Vậy thì sau mỗi lần mua sắm, số tiền tiết kiệm cũng sẽ dần được tăng lên. Đặc biệt phải tuân thủ nguyên tắc, khi tiêu hết số tiền trong túi, tuyệt đối không được lấy tiền tiết kiệm ra để xài.
Ảnh minh họa.
Với mức lương 10 triệu, Anh Tuấn sẽ chi 30% cho nhu cầu thiết yếu, trong đó có cả việc mua sắm, phục vụ sở thích cá nhân. Vậy áp dụng cách hoạt động của thuế VAT, Anh Tuấn sẽ chỉ dành 20% để chi tiêu thực tế, và trích 10% còn lại để đưa vào quỹ tiết kiệm. Cứ sau 1 lần mua sắm là tài khoản tiết kiệm được tăng lên.
Đơn giản có thể hiểu, theo cách làm này, bạn đang chuyển dần số tiền chi tiêu mua sắm sang số tiền tiết kiệm. Làm như vậy sẽ khiến bạn chi tiêu có mức độ hơn, và sau mỗi lần “quẹt thẻ” vẫn có cảm giác đang tiết kiệm.
Với số tiền tiết kiệm được tích lũy dần theo thời gian như thế, đây chính là hình thức “chờ thời”, tích lũy đủ vốn rồi thì nên đầu tư thôi, khiến tiền đẻ ra tiền một cách thụ động. Vậy nên đầu tư vào việc gì?
HA (freelancer, 27 tuổi) đề ra, “Nếu không có đủ kiến thức, kinh nghiệm hay vốn liếng để tự tin đầu tư hết vào chứng khoán, bất động sản… thì bạn có thể lựa chọn theo cách như sau.
Một, đầu tư vào bản thân: Tiền học thêm, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ,... gọi chung là sự nghiệp đầu tư vào bản thân. Số tiền này chắc chắn không dừng ở vài nghìn hay vài trăm nghìn đồng, mà là số tiền triệu đồng hay thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ, tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Hai là, đầu tư để tăng thu nhập. Đây là mới là vấn đề khó nhất cần giải quyết của câu chuyện tài chính. Cách mà tôi làm chính là chia nhỏ số tiền thành nhiều phần. Kể cả khi lương 1x triệu, chúng ta vẫn áp dụng được công thức này dễ dàng.
Đầu tiên, hãy chia 10% cho tiêu khiển, giải trí, là số tiền được đầu tư để giúp cơ thể, tinh thần được thư giãn. Nếu trong ngày, tôi cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, tôi hoàn toàn có thể ‘đầu tư’ cho mình một cốc trà sữa hoặc cà phê. Chỉ khi tâm lý và sức khỏe ở trạng thái tốt, thoải mái và giải tỏa được áp lực, mình mới có thể làm việc nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn.
Sau đó, có thể dành 10% để đầu tư mạo hiểm với những khoản có rủi ro rất lớn, nhưng cũng có thể đem lại lợi nhuận cực cao. Và đây là khoản chi tiêu chỉ những người có tâm lý vững và kiến thức tốt mới nên thử.
Khoảng 20-30% tiếp theo được dùng cho đầu tư tích lũy dài hạn, với những loại tài sản nắm chắc trong tay, không bị mất giá dù thời hạn dài, và có khả năng sinh lời theo thời gian, ít nhất là so với tiền mặt. Những khoản đầu tư này đủ an toàn để bạn an tâm coi đó là một phần tài sản.”
Trong suốt sự nghiệp, bạn sẽ gặp nhiều môi trường khác nhau, với những đãi ngộ khác nhau. Có nơi lương thưởng thật cao, nhưng cũng có nơi thu nhập không quá tốt. Chúng ta cần hiểu rằng, điều quan trọng là chúng ta “co kéo” như thế nào.
“Nếu thu nhập quá thấp đến mức không đủ sống thoải mái, thay vì than thở chê bai hoặc cứ chắt bóp tằn tiện, hạ thấp chất lượng cuộc sống tại sao chúng ta không mạnh dạn nhảy việc sang chỗ khác để được sống thoải mái hơn?”, Dương Mộc nhận định.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất