Man United thay đổi như thế nào từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu?

07/11/2016 18:25 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 3 năm từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. 3 năm với biết bao xáo trộn và những vấn đề nảy sinh với Man United. Chúng ta cùng xem một số vấn đề cơ bản Quỷ đỏ gặp phải trong thời kỳ “hậu Alex Ferguson”.


1.Không còn vô địch, thậm chí không tiến gần ngôi vô địch

Mùa cuối cùng Sir Alex cầm quân ở Old Trafford cũng là mùa cuối cùng cho tới nay Man United vô địch Ngoại hạng Anh. Sau đó là 3 mùa sa sút không phanh và họ đang đứng trước mùa giải thứ 4 liên tiếp không vô địch.

2.Kém tham vọng, dễ thỏa mãn hơn

Thời Sir Alex còn cầm quân, Man United cực kỳ lỳ lợm, khó chơi. Họ là biểu tượng của sự ổn định. Bằng chứng: 21 mùa Alex Ferguson làm HLV thì không mùa nào họ kết thúc mùa giải thấp hơn vị trí thứ 3, chỉ 1 lần mất ngôi vô địch do kém đối thủ về chỉ số phụ và 3 lần về nhì do kém đối thủ 1 điểm. Vậy mà thời David Moyes hoặc Van Gaal kết thúc mùa bóng ở vị trí thứ 4 đã được coi là chấp nhận được. Đến thời Mourinho thì lúc đầu ông ta bảo lọt vào top 4 là chưa đủ nhưng giờ mà United kết thúc mùa bóng trong top đã được coi là thành công.


3.Thiếu kinh nghiệm, thiếu thủ lĩnh

Thời Alex Ferguson, Man United có rất nhiều cựu binh với thâm niên chinh chiến đáng nể như Ryan Giggs, Paul Scholes, Roy Keane, Vidic, Ferdinand, Evra... Giờ thì hai cầu thủ có thâm niên nhất của họ là Rooney và Carrick lại không phải những người đá chính thường xuyên trong đội bóng của Mourinho. Những người còn lại còn khá trẻ và rất thiếu kinh nghiệm thi đấu.

4.Nhiều tiền vệ mới nhưng ít chất lượng

Thời Alex Ferguson suốt từ 2007 đến 2012 ông chỉ ký hợp đồng với Owen Hargreaves và Nick Powell vì khi đó United có rất nhiều tài năng ở trung tuyến. Sau khi ông nghỉ hưu, hàng loạt những gương mặt mới đã được bổ sung như Marouane Fellaini, Ander Herrera, Daley Blind, Morgan Schneiderlin, Bastian Schweinsteiger và Paul Pogba. Nhưng vẫn chưa có ai đạt thành công nổi bật hay lấp đầy khoảng trống Roy Keane để lại.


5.Không còn là quyền lực đáng sợ

0Dưới thời Sir Alex, Man United là cỗ máy chiến thắng, là thế lực mà các đối thủ khác cần đánh bại. Họ có thể chiến thắng ngay cả khi họ đá không hay. Mấy mùa qua, truyền thống ấy không còn được duy trì. United thua nhanh và thua dễ. Họ đánh mất cái uy của một “đại ca” hàng đầu Premier League, đánh mất sự nể sợ trong mắt các đối thủ cạnh tranh.

6.Bộ máy huấn luyện xuống cấp

Sau khi Sir Alex nghỉ hữu, ông David Moyes kế nhiệm đã mắc sai lầm đắt giá là loại bỏ hết các cộng sự của Sir Alex và thay bằng những người từng phụ tá cho ông ở Everton nhưng họ làm việc không hiệu quả. Đến thời Van Gaal, ông Van Gaal lại chỉ dùng Ryan Giggs hạn chế còn đến thời Mourinho thì Ryan Giggs không còn chỗ đứng và buộc phải ra đi.

7.Ảnh hưởng của truyền thông

Thời Sir Alex, truyền thông chỉ tác động tối thiểu đến các hoạt động chuyên môn hoặc liên quan tới chuyên môn của Man United. Từ khi ông nghỉ hưu, mọi chuyện thay đổi hẳn. Tất cả các vụ chuyển nhượng, những hoạt động cá nhân của cầu thủ, những hoạt động tập huấn, đối thoại giữa cầu thủ với cầu thủ, HLV với cầu thủ...đều lập tức xuất hiện trên Twitter, Facebook... Điều này dẫn đến tình trạng mất tập trung và ảnh hưởng xấu đến các cầu thủ United.

8.Tiêu tiền hoang phí, kém hiệu quả

Trong 5 mùa cuối cùng Sir Alex cầm quân, Man United chỉ chi tổng cộng khoảng 200 triệu bảng để mua sắm. Nhưng 4 mùa gần nhất, họ tiêu đến 456 triệu bảng. Tiền đầu tư thì nhiều nhưng phần lớn các ngôi sao mua về đều gây thất vọng do không thích nghi được hoặc bị đánh giá sai về trình độ. Tóm lại là có rất nhiều vụ mua hớ.


9.Lỗi hẹn với Champions League

Thời Sir Alex, United là khách quen của Champions League và thường xuyên vào sâu ở giải này. Sau khi ông nghỉ hưu, David Moyes thất bại với sự mệnh duy trì truyền thống ấy còn Van Gaal chỉ đưa United dự Champions League trong mùa đầu ông ở đây mà United cũng không qua nổi vòng bảng. Còn với Mourinho ở mùa đầu tiên này thì ngay cả việc giành vé dự Champions League đã là thách thức lớn với Quỷ đỏ.

10.Rò rỉ thông tin từ phòng thay đồ

Thời Sir Alex cầm quân, chuyện này hiếm khi xảy ra. Beckham là cầu thủ cuối cùng thời Alex Ferguson làm lộ thông tin nội bộ và bị loại bỏ năm 2003. Đến thời David Moyes những câu chuyện trong phòng thay đồ của United thường xuyên lộ ra ngoài. Thông tin về đội hình thi đấu của Quỷ đỏ vào ngày có trận đấu thường xuyên bị một cầu thủ nào đó tiết lộ với giới truyền thông.

11.Bóng đá trẻ sa sút

Thời Alex Ferguson, United rất mạnh về đào tạo, phát triển bóng đá trẻ. Họ cũng thường xuyên trao cơ hội thể hiện mình cho các cầu thủ trẻ. Các đội trẻ của United thường chơi tốt ở các giải nhưng những năm gần đây đội U18 của Man City mới là thế lực đáng sợ trong khi đội trẻ của United đang tụt lại phía sau.

12.Sai lầm lớn vì chia tay David Gill, bổ nhiệm Ed Woodward

Để CEO David Gill ra đi cùng thời điểm Sir Alex nghỉ hữu là sai lầm đắt giá của Man United. Bởi từ khi ông Ed Woodward nắm công việc điều hành đội bóng, United thường xuyên thất bại trong các hoạt động chuyển nhượng. Họ hoặc là chậm chân hơn các đối thủ cạnh tranh trong nhiều vụ áp phe quan trọng, hoặc là mua hớ khi bỏ cả đống tiền chiêu mộ những cầu thủ không có giá trị tương xứng.

13.Mất tự tin

Thời Alex Ferguson, cứ mỗi khi bước ra sân là cầu thủ nào cũng tâm niệm sẽ thi đấu với tinh thần bất khuất, như chơi một trận chung kết và tuyệt đối tin tưởng vào chiến thắng chung cuộc. Từ sau khi Sir Alex nghỉ hữu, niềm tin ấy đã suy giảm nghiêm trọng. Những thất bại từ trong tư tưởng xuất hiện ngày một nhiều.

HT
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm