Quyền của Bà Tưng

26/09/2013 15:15 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Sắc đẹp có quyền năng, gây kính trọng và cả tội ác!

Cuộc chiến thành Troy kéo dài trong 10 năm cho thấy những người đàn ông sẵn sàng dùng tới bạo lực để mong giành được vẻ đẹp của nàng Helen – người có "khuôn mặt có thể khởi thuỷ hàng nghìn con thuyền".

Niềm khát khao cái đẹp là phổ biến ở toàn cầu và xuyên suốt mọi thời đại. Đẹp và làm đẹp là một thứ quyền! Không thế mà lại có chuyện "trai đẹp" người Ả Rập Omar trong lần đến Việt Nam vừa qua đã đòi BTC chi thêm 100 triệu đồng, nếu không sẽ không lên sân khấu chỉ vì trời bất ngờ đổ mưa?!

Chẳng những phụ nữ phải có nghĩa vụ thực hiện quyền làm đẹp, mà ngày nay, bản thân nam giới cũng tích cực làm đẹp, không ngại phẫu thuật chuyển giới để được làm một người đẹp cũng không ít. Người nhiều tiền thì đi thẩm mỹ viện, học yoga, tập gym, ít tiền thì mua trái dưa leo, quả cà chua về đắp mặt cũng là làm đẹp. Nói chung là, làm đẹp, kể cả làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ là một nhu cầu rất chính đáng của mọi con người. Đó thậm chí còn là một tiêu chí cơ bản của bảng đánh giá chất lượng cuộc sống, nhất là trong một xã hội phát triển, khi mà con người ngày càng bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Quyền em sửa mũi, sửa cằm/ Quyền thiên hạ chửi tối tăm… diễn đàn
2. Không người phụ nữ nào không muốn mình đẹp và cũng không người đàn ông nào không muốn ngắm nhìn một phụ nữ đẹp. Nếu ai đó nói không, chẳng qua là đang tự lừa dối mình mà thôi.

Nhìn tổng thể, Bà Tưng - Huyền Anh cũng là một người đẹp về hình thức. Nhưng cái đẹp về hình thức ấy cũng chẳng là gì, khi mà “nội dung” về tâm hồn, phẩm hạnh của cô đã bị chính cô làm "hỏng" bằng những việc làm, hành động, phát ngôn chưa chín chắn của mình.

Mới đây, nhiều thông tin nói Bà Tưng được tài trợ 2 tỷ đồng để phẫu thuật “nâng cấp sắc đẹp”. Điều đó thêm một lần nữa cho thấy, người nhiều tiền luôn “hào phóng” cho cái đẹp, có thể "mua" cái đẹp, bất kể tâm hồn hay phẩm hạnh của người đẹp đã bị số đông định giá là không ra gì. Đáng tiếc là, “sự kiện” này của Tưng thêm một lần nữa tạo hiệu ứng dư luận, mà chủ yếu là "ném đá" Tưng.

Đành rằng, mỗi người đều có thể lên án những điều trái mắt của Tưng trước đó, nhưng không có nghĩa thoải mái “ném đá” hay công kích dữ dội Bà Tưng khi xem được bộ ảnh cô nằm viện trong những ngày đi sửa mũi… Cô ta đi làm đẹp, nào đâu phải đi làm bẩn xã hội bằng những trò lố thiếu văn hóa như trước mà dư luận phải bức xúc, phẫn nộ đến thế? Cô ta nếu đẹp lên thì cũng tốt, còn chẳng may bị ung thư do tiêm thuốc trắng da thì cô phải chịu chứ đâu phải chúng ta?! Việc một số người cho rằng Tưng “tút dung nhan” là “dở hơi”, là “bà điên vừa xổng trại”, khuyên “nên đi phẫu thuật thẩm mỹ nhân cách”, hay “vấn đề của cái đầu thì sửa bên ngoài làm gì”… là thiếu công bằng, nếu không muốn nói chỉ là cái máy phản ứng đầy cảm tính.

Điều đó cũng cho thấy thị hiếu tầm thường của một số người trong xã hội hỗn loạn thông tin ngày nay. Vì rằng, nếu đã biết bà Tưng chẳng ra gì thì tại sao không tìm đến những nguồn thông tin bổ ích hơn, tốt đẹp hơn? Tại sao nhiều người muốn biết về cô ta để thỏa mãn trí tò mò, xong rồi lại xúm vào miệt thị Tưng? Và nói như Tưng “bây giờ, nghe tên là người ta đã chửi rồi dù em chẳng làm gì nữa hết?!”

3. Suy cho cùng. Tưng cũng như bao nhiêu người khác, là một thế giới riêng, đều có quyền được hưởng những quyền lợi chính đáng trong thế giới ấy. Mọi chuyện sẽ được giải quyết theo thời gian. Người viết không không kêu gọi lòng từ tâm, vị tha của mọi người cho Tưng, cũng không mong xã hội tạo ra, hay xuất hiện thêm hàng loạt những phiên bản như cô ta. Vì nếu có nhiều Tưng mà công chúng (kể cả truyền thông) chỉ tập trung soi mói, a dua, áp đặt suy nghĩ cá nhân lên người khác thì xã hội này cũng không chứng tỏ được lòng tử tế.

Hãy “nghĩ về tất cả những cái đẹp còn sót lại quanh bạn mà vui vì chúng” (Anne Frank).

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm