Man City: Tống khứ Tevez để 'tử tế' như Barca

29/06/2013 14:50 GMT+7 | Man City

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều chuyển động ở Manchester City trong mùa Hè này cho thấy rất có thể ban lãnh đạo ở Etihad đang nhắm tới việc xây dựng một hình ảnh mới cho đội bóng áo xanh.


Bán Balotelli (trái) và Tevez, Man City trở nên thân thiện hơn?

Thật ra, những thay đổi đã bắt đầu từ quyết định bán đi Mario Balotelli vào mùa Đông, rồi cuộc chia tay Roberto Mancini sau khi mùa giải kết thúc, được tiếp nối bằng những thỏa thuận bổ nhiệm Manuel Pellegrini và thanh lý Carlos Tevez. Tất cả đều là những chỉ dấu về một hình ảnh mới của Man City.

Cắt đứt "ung nhọt"

29 Trong năm 2013, Man City đã thu về 29 triệu euro từ tiền bán cầu thủ, bao gồm bán Mario Balotelli cho AC Milan tháng 1/2013 thu về 20 triệu euro và Carlos Tevez cho Juventus tháng 6/2013 với giá 9 triệu euro. Cả năm 2012, họ chỉ thu về 30 triệu euro từ bán cầu thủ.

82 Tổng số tiền mà các CLB đã bỏ ra để sở hữu Carlos Tevez và tất cả những rắc rối kèm theo. Corinthians mua anh từ Boca (15 triệu euro), rồi tới lượt West Ham (15 triệu euro), M.U (13 triệu euro), Man City (30 triệu euro) và Juventus (9 triệu euro).

11 Tổng số danh hiệu lớn mà Tevez đã giành được với các CLB mà anh từng khoác áo.

Tevez từng được coi là một biểu tượng của tham vọng ở Etihad thời kỳ các ông chủ Ả rập, một poster-boy theo đúng nghĩa đen, khi tấm bảng khổng lồ với hình ảnh tiền đạo người Argentina dang rộng đôi tay kèm theo dòng chữ “chào mừng đến Manchester” được dựng lên bên ngoài thành phố Manchester.

Tuy nhiên, đó đã là một lựa chọn sai lầm của ban lãnh đạo Man City thời cựu Giám đốc điều hành Gary Cook. Thay vì là một hình mẫu cho CLB, Tevez đã trở thành kẻ gây rối khó chịu thứ hai ở Etihad dưới thời Mancini, chỉ chịu nhường danh hiệu đệ nhất phá quấy cho “Siêu quậy” Balotelli.

Không ai có thể nghi ngờ khả năng của 2 tiền đạo này, nhưng những rắc rối họ gây ra cho CLB có lẽ là lớn hơn đóng góp trên sân bóng. Với việc bán đi Balotelli và Tevez, ngoài khoản phí chuyển nhượng thu về hay khoản tiền lương tiết kiệm được, còn có cảm giác nhẹ nhõm thấy rõ tại Etihad với những “cục nợ” thực sự trong phòng thay đồ.

Giống như những lần quậy phá ngông cuồng của Balotelli, kiểm đếm danh sách gây sự của Tevez cũng là một công việc mất nhiều thời gian. Anh cãi nhau với Gary Neville của M.U, chống lệnh Mancini, nhận án lao động công ích 250 tiếng đồng hồ vì lái xe phạm luật giao thông, giơ tấm biển gây tranh cãi “Yên nghỉ, Fergie”, bỏ về Argentina không xin phép, nằng nặc đòi ra đi với 2 lần nộp đơn xin chuyển nhượng và còn nhiều vụ việc khác.

Nếu như ở thời kỳ đầu xây dựng đội bóng Manchester bằng tiền bạc, ban lãnh đạo của Etihad đành phải chấp nhận những người như Tevez và Balotelli (hay cả Robinho trước đó) vì đội bóng chưa có đủ bề dày thành tích và sự ổn định để thu hút những ngôi sao vừa biết đóng góp trên sân bóng, vừa có cuộc sống mẫu mực ngoài đời (như Robin van Persie hay Gareth Bale), thì giờ đây, Man City đã thay đổi.

Một Man City "hiền lành"

Với hai vị lãnh đạo trụ cột là người TBN, Giám đốc điều hành Ferran Soriano và giám đốc thể thao Txiki Begiristain, không chỉ có triết lý bóng đá ở Etihad thay đổi, mà cả cách nhìn nhận về hình ảnh đội bóng nữa. Việc Soriano và Begiristain, những người cũ của Barcelona, muốn xây dựng Man City theo mô hình đội bóng xứ Catalan là điều chẳng có gì bí mật (thật ra, họ được ông chủ Khaldoon Al Mubarak đưa về Etihad để làm như thế).

Trên sân bóng, họ đang hướng tới một Man City giàu chất latin hơn, với hai hợp đồng lớn ngay khi kỳ chuyển nhượng vừa mở cửa là Fernandinho từ Shakhtar Donetsk và Jesus Navas từ Sevilla, cũng như HLV Pellegrini trên ghế huấn luyện, một chiến lược gia quốc tịch Chile đã có cả thập kỷ làm việc ở TBN. Nhưng tầm vóc của một đội bóng không chỉ là ở những danh hiệu.

Bên ngoài sân, Begiristain và Soriano đang có những nỗ lực nghiêm túc để cải thiện hình ảnh đội bóng, chấm dứt những tranh cãi trong phòng thay đồ, những cầu thủ lập dị, quậy phá có thể gây ra sự tổn thương nghiêm trọng lên thương hiệu đội bóng cũng như sự đoàn kết trong phòng thay đồ. Nếu như Mancini là một HLV chỉ nhắm tới các danh hiệu và khôn ngần ngại chửi bới, thậm chí ẩu đả với cầu thủ nếu thấy phật ý (như các trường hợp của Balotelli và Tevez), thì Pellegrini là hình ảnh hoàn toàn khác.

Trên khắp châu Âu hiện giờ, hiếm có HLV nào học thức như ông, với bằng kỹ sư dân dụng, thói quen đọc sách để giải trí và tính tình hòa nhã điềm đạm tuyệt vời. Chiến lược gia người Chile chính là hình ảnh mà Man City đang hướng tới, trong công cuộc Barca hóa từ trong ra ngoài của Begiristain và Soriano.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm