15/01/2011 11:28 GMT+7 | Hạng Nhất
(TT&VH) - Sự việc Hoàng Danh Ngọc bị kỷ luật 18 tháng và bồi thường hợp đồng đào tạo tới 2,4 tỷ đồng (8 năm x hệ số 10 x 30.000.000 = 2,4 tỷ đồng) đang khiến cho làng bóng đá VN điên đảo. Dễ hiểu, bởi đây là án phạt được xem là nặng nhất, thậm chí vô tiền khoáng hậu.
Sẽ khoan không bàn tời chuyện đúng sai nữa (bởi chắc chắn Danh Ngọc đã sai, khi tự ý phá hợp đồng), mà người ta phải bận tâm lục lại, hoặc đưa ra những sự vụ tương đương, để so sánh mức độ nặng nhẹ của bản án. Vấn đề là tại sao và như thế nào, Danh Ngọc, một tuyển thủ U23 QG và là tài sản QG, có đáng bị phạt nặng thế không, hay đây là án điểm mà những người có liên quan đã chủ động đề xuất, xuống tay, trừng trị một cầu thủ mới 21 tuổi?! Chưa bao giờ Ngọc cảm thấy cô đơn và thất vọng như lúc này.
Cô đơn giữa biển người
Khi Danh Ngọc bị kỷ luật, người chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nhất đương nhiên là cầu thủ này. Kế đến, là CLB sở hữu Nam Định, khi sẽ không có sự phục vụ của tiền vệ được xem là sáng giá nhất của thế hệ sinh năm 1990 trong khoảng thời gian Ngọc chịu án. Và thứ 3, đội bóng mà Ngọc dự định sẽ đầu quân, V.NB, cũng bị vạ lây, bởi đội bóng này chưa có tiền lệ ký hợp đồng với một cầu thủ để rồi lãng phí tới một năm rưỡi không dùng. Lợi ích quốc gia trong tình huống này được tính đến sau cùng, khi đáng ra nó phải xếp trước nhất.
Sẽ có những câu hỏi đặt ra, là tại sao ban Kỷ luật (hay nói thẳng ra là Nam Định) lại chọn Ngọc làm án điểm, khi không lâu trước đó, những vụ ra đi khác như Văn Duyệt, Mạnh Dũng…, diễn ra rất êm xuôi?! Nó bắt đầu từ bản hợp đồng mới nhất mà Nam Định đề nghị ký với những cầu thủ như Danh Ngọc. Không biết đích xác giá trị của nó (và bản thân Ngọc cũng chẳng biết bản hợp đồng đó hình hài thế nào), nhưng đã có những cầu thủ dứt khoát không ký như Văn Duyệt, Mạnh Dũng, và họ cũng từng bị dọa kỷ luật.
V.NB gần như vô can, tức là không mang tiếng “đi đêm” hay tiếp xúc trái phép trong các bản hợp đồng với Văn Duyệt, Mạnh Dũng và gần đây nhất là Đắc Khánh. Cầu thủ tự thương lượng với đội bóng cũ, phần việc của V.NB chỉ là chi tiền bồi thường và ký mới. Trong trường hợp của Danh Ngọc, V.NB cũng sẵn sàng 2,4 tỷ đồng trả cho Nam Định, đồng thời soạn sẵn một bản hợp đồng 3 năm với Ngọc (có điều khoản gia hạn) với không dưới 1,5 tỷ đồng/mùa, gọi là tiền lót tay. Nhưng, chuyện đến nước này thì có vẻ như đôi ba bên đều bị bắt bí rồi.
Tại sao, Nam Định trở thành vùng trắng?
Liên quan tới Danh Ngọc và những tình huống tương tự, phải xem lại vai trò của những người điều hành bóng đá Nam Định. Sau khi V-League 2009 kết thúc, 8 trụ cột (Quang Huy, Trọng Lộc, Thanh Tùng, Quốc Tuấn, Văn Biển, Xuân Phú, Đức Dương, Ngọc Lung) đã tìm đường đào thoát khỏi thành Nam, là vì lý do gì?! Trước Ngọc, Mạnh Dũng, Văn Duyệt…, cũng rời Thiên Trường. Nó phải bắt đầu từ những nhu cầu rất bóng đá và cũng rất con người, khi họ không tìm thấy tương lai phát triển ở đội bóng quê hương.
Cho đến trước khi nhận vé xuống chơi giải hạng Nhất, Nam Định đã sống lay lắt suốt nhiều năm liền tại mặt trận V-League. Kết thúc V-League 2004, giải đấu cuối cùng bóng đá Nam Định khởi sắc, ngôi sao sáng nhất là Trung Kiên bị bán cho TMN.CSG, rồi Duy Hoàng được “biệt phái” (thực ra là chuyển nhượng luôn) vào HA.GL không lâu sau đó. Sau này, có thêm Ngọc Tú, Văn Nhiên… Tất cả những trường hợp chuyển đi, cầu thủ gần như không được hưởng bất cứ quyền lợi nào, và tiền được chuyển cho đội bóng.
Sau rất nhiều những cuộc đào thoát, và sẵn sàng chấp nhận thiệt hại, có thể thấy tư duy của cầu thủ Nam Định đã thay đổi. Họ sẽ không chấp nhận chịu “chết” bởi những câu chuyện muôn thuở của cái gọi là cơ chế mà bóng đá Nam Định đã luôn mắc phải trong suốt chiều dài lịch sử.
Lãnh đạo, những người trực tiếp điều hành nền bóng đá Nam Định, có lẽ nên xem lại và nhận trách nhiệm về mình, thay vì chỉ biết đưa ra những chế tài nhằm vào quyền lợi của VĐV. Thử hỏi sau những án phạt mang tính thị uy này, bóng đá Nam Định sẽ còn lại gì?
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất