03/02/2018 00:16 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) – Là luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bóng đá ở Việt Nam, luật sư Hoàng Kim Thoa nhận định rằng vụ việc đăng tải bảng giá quảng cáo sự kiện thủ môn Bùi Tiến Dũng vừa qua có thể chỉ là chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp.
* Thưa luật sư, bà có biết thông tin về vụ việc bảng giá quảng cáo của thủ môn Tiến Dũng mấy ngày vừa qua hay không?
- Thực sự tôi chỉ biết vụ việc này qua báo chí nhưng thấy có vấn đề.
* Vậy theo bà vấn đề là ở đâu? Từ góc độ cá nhân bà thì Bùi Tiến Dũng có thể ký hợp đồng quảng cáo cá nhân mà không cần ý kiến của CLB hay không?
- Tôi đã tư vấn pháp lý cho rất nhiều CLB bóng đá Việt Nam, khi các bên tiến hành ký kết hợp đồng thì đều có điều khoản là mọi hợp đồng quảng cáo cũng như các hoạt động thương mại đều cần phải có sự thông qua của CLB.
Nhất là với đội FLC Thanh Hoá thì đã có bộ khung hợp đồng hoàn chỉnh, bao giờ cũng có điều khoản là mọi hoạt động quảng cáo đều phải có sự đồng ý của CLB. Đây là vấn đề tiền bạc và thương hiệu của CLB, vì họ phải mất tiền đào tạo mới có được cầu thủ.
Muốn biết cầu thủ có được làm gì hay không thì trước hết phải xem được hợp đồng của cầu thủ. Mọi tổ chức cá nhân muốn sử dụng hình ảnh cầu thủ để quảng cáo đều phải hỏi qua CLB và phải nhận được sự đồng ý bằng văn bản.
Thậm chí với những hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn thì CLB nắm quyền chi phối và cầu thủ chỉ được hưởng một phần, đấy là thoả thuận của hợp đồng gồm 3 bên, giữa cầu thủ, CLB và đối tác quảng cáo.
* Vậy trong trường hợp có một bên thứ 3 sẵn sàng bỏ tiền đền bù để phá vỡ hợp đồng thì sao, thưa bà?
- Vấn đề này còn phụ thuộc vào hợp đồng đào tạo, dành cho cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB. Mà hợp đồng đào tạo thường có những cam kết về thời hạn phục vụ của cầu thủ đối với CLB.
Tóm lại tôi nghĩ CLB sẽ nắm quyền chủ động trong mọi trường hợp, vì lịch sử V-League đã có nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp nên các CLB bây giờ đều có ý thức chỉnh sửa hợp đồng theo hướng ngày càng chặt chẽ.
Vì thế, khả năng để một cầu thủ nào đó có thể đơn phương phá vỡ hợp đồng với CLB là rất khó.
* Theo quan điểm luật sư, liệu có phải đơn vị truyền thông tung ra bảng báo giá quảng cáo cho Tiến Dũng nói trên đã nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện việc công bố này hay chỉ tiến hành thăm dò dư luận theo kiểu “ném đá dò đường”?
- Nói chung có nhiều nguyên nhân lắm, có thể đấy là một cách PR của người ta. Không loại trừ trường hợp doanh nghiệp lợi dụng tình huống như thế này, họ biết có thể sẽ chẳng nhận được quyền lợi kinh tế gì cả nhưng đổi lại thương hiệu của họ sẽ được biết tới. Đấy chẳng qua chỉ là cách để quảng cáo của người ta mà thôi, còn ở góc độ pháp lý thì tôi khẳng định họ sẽ thua luôn.
* Vậy có nghĩa là có thể đơn vị truyền thông này biết rõ sẽ không thể đơn phương ký hợp đồng quảng cáo với Tiến Dũng nhưng vẫn cố tình công bố bảng giá?
- Như tôi đã nói trong trường hợp này có thể người ta có mục tiêu thực sự là quảng bá doanh nghiệp, vì qua vụ việc này thì dư luận biết tới thương hiệu của người ta. Vì thế tôi mới nói đây chỉ là hình thức quảng cáo mà thôi, còn về pháp lý thì rất khó.
Cần phải biết rằng các hợp đồng của đội bóng Thanh Hoá đều rất chặt chẽ và họ có hẳn một Ban Pháp chế. Tôi đã có nhiều lần làm việc với đội bóng Thanh Hoá khi tư vấn nhập tịch cho các cầu thủ nên tôi biết rất rõ là hợp đồng của họ rất chặt chẽ.
Tôi không phải là người tư vấn cho các hợp đồng đó nhưng đội Thanh Hoá có Ban Pháp chế. Khi tiến hành nhập tịch cho cầu thủ tôi đã có cơ hội tiếp xúc với hợp đồng của đội bóng Thanh Hoá và tôi nhận thấy nội dung của hợp đồng cực kỳ kín kẽ, không có khả năng lách luật.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.
Huy Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất