Chuyên đề Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã xuất hiện liên tục 10 kỳ trên báo in và báo điện tử. Qua các góc nhìn khác nhau về sự cải cách, canh tân chữ quốc ngữ (tiếng Việt) trong suốt chiều dài lịch sử, người đọc có thể thấy đây là vấn đề luôn mang tính thời sự.
Xung quanh vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bên cạnh đề xuất xây dựng Luật Ngôn ngữ Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến cần phải có chính sách chặt chẽ cho ngôn ngữ (trong đó bao gồm tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài). Nhưng hiện thực hóa như thế nào không phải chuyện dễ.
Ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Để có được một bộ Luật ngôn ngữ, chúng ta phải xem xét đến một loạt khái niệm liên quan đến ngôn ngữ như: Kế hoạch hóa ngôn ngữ, Chính sách ngôn ngữ và Lập pháp ngôn ngữ.
Nếu như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nhu cầu cấp thiết đưa đến đề xuất phải xây dựng Luật ngôn ngữ Việt Nam, thì sự phát triển hài hòa và bình đẳng ngôn ngữ của các dân tộc được đánh giá là một trong những nội dung cơ bản không thể thiếu của đạo luật này.
Trên thế giới nhiều nước đã có Luật Ngôn ngữ như Pháp, Kazakhstan, Bỉ… cho nên Việt Nam hoặc một nước nào đó nghĩ đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ cũng là điều bình thường.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam, từ câu chuyện "cải tiến chữ Quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền, có thể thấy tiếng Việt đã được người dân và giới chuyên môn quan tâm trở lại.