Ra mắt truyện tranh 'Long Thần Tướng': Xấu về hình thức, nhưng 'đẹp' về quan niệm thẩm mỹ

03/11/2014 09:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Từ các nhân vật đẹp trai của phiên bản 2004, nhóm Phong Dương thay đổi gần như 180 độ với các nhân vật răng đen, trang phục và đầu tóc đều đổi khác. Tuy vậy, cố vấn cho Long Thần Tướng - Trần Quang Đức cho rằng đẹp hay xấu là do quan niệm về thẩm mỹ…

Buổi ra mắt truyện tranh Long Thần Tướng diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội sáng 1/11. Nhóm tác giả Phong Dương Comic gồm các họa sĩ Thành Phong, Mỹ Anh, biên kịch Khánh Dương và cố vấn Trần Quang Đức giao lưu với hàng trăm khán giả.

Tiếp tục đi tìm diện mạo người Việt

Theo cảm quan, người ta dễ cho rằng tạo hình nhân vật trong Long Thần Tướng “không đẹp”, thậm chí “xấu”. Nhưng tại sao Phong Dương Comic vẫn vẽ như vậy trong khi họ hoàn toàn có thể vẽ đẹp hơn như trong phiên bản năm 2004?

Khi người dẫn chương trình hỏi đùa vì sao nhân vật Kiên rất đẹp trai trong bản năm 2004, đến năm 2014 này lại “thoái hóa” đi nhiều, họa sĩ Thành Phong nói: “Đó không phải là thoái hóa, mà là bước ngoặt trong tạo hình. Theo họa sĩ, lối vẽ năm 2004 được coi là đẹp nhưng đó là một quan niệm thẩm mỹ đã cũ trong truyện tranh.


Nhóm Phong Dương Comic trong buổi ra mắt.

Lý giải thêm, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nói: “Diện mạo người Việt trong lịch sử không đơn nhất mà biến đổi rất nhiều. Qua các thời, đầu tóc thay đổi, trang phục thay đổi, vậy đâu là điểm bất biến để nhận ra người Việt? Đó chính là răng đen. Các tài liệu thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều có ghi chép là người Việt răng đen”.

Chính vì thế, khi được mời cố vấn về trang phục và tạo hình cho các đoàn làm phim, Trần Quang Đức thường gợi ý để nhân vật răng đen, nhưng các nhà làm phim gạt đi vì cho rằng như vậy là xấu. Nhưng dường như, đã đến lúc khái niệm xấu hay đẹp cần phải xem lại, bởi thẩm mỹ nghệ thuật không đơn giản như vậy.

“Sau bộ truyện và dưới nét vẽ của Thành Phong, tôi tin là vấn đề không phải răng đen hay răng trắng mà thẩm mỹ của người làm phim, làm truyện cần tạo ra những thay đổi” - nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nói.

Nói ví von, tạo hình trong Long Thần Tướng 2014 xấu đi về hình thức nhưng lại đẹp về quan niệm thẩm mỹ.


Bìa sách Long Thần Tướng

Truyện tranh có chất điện ảnh

Long Thần Tướng có 2 tuyến truyện năm 2014 và năm 1279. Năm 2014, cô bé Ánh My nhìn thấy một hình vẽ cổ và trở nên dị thường. Nhà nghiên cứu sử học Trần Hàn Dương thuyết phục My kể ra câu chuyện lịch sử mà cô bé được truyền đạt. Đó là năm 1279, tại phủ Thiên Trường, một vụ ám sát bí ẩn diễn ra giữa một đám cưới, cô dâu bị bắt cóc. Người duy nhất chứng kiến mọi diễn biến là Long - một thằng bé mồ côi ăn cắp vặt.

Khác biệt về tạo hình, thẩm mỹ là yếu tố “đập vào mắt”, tuy nhiên họa sĩ Thành Phong hy vọng độc giả nên chú ý hơn đến cách kể chuyện. Nhóm Phong Dương chủ động phân khung, dẫn truyện, thêm lời dẫn và lời thoại sao cho hấp dẫn người đọc.

Bên cạnh chất trinh thám khi kể về một vụ bắt cóc và ám sát, tập một còn có lối kể khá điện ảnh (tác giả Khánh Dương vốn là biên kịch phim). Cách kể không đơn giản như phiên bản 2004, mà lắt léo, các tuyến truyện đan xen nhau logic và có tính khơi gợi.

Xong tập một, độc giả bắt đầu tò mò về các nhân vật như Long, Kiên, Lan, vợ quan tri huyện (tuyến lịch sử) hay Ánh My, Trần Hàn Dương (thời hiện đại).

Tiếp tục gây quỹ đợt 2

Hoàn thành tập 1, nhóm tác giả công bố ngay kế hoạch tiếp tục gây vốn từ cộng đồng để làm tập 2 (từ 20/11 đến 31/12). Tập một được sản xuất với kinh phí từ dự án gây vốn thành công nhất Việt Nam từ trước đến nay với 330,5 triệu đồng.

Số tiền đợt 2 sẽ không dùng để sản xuất truyện mà để “tạo ra những sản phẩm đi kèm độc đáo hơn” - theo biên kịch Khánh Dương. Hiện nay, truyện đã lên nội dung cho 5 tập. Long Thần Tướng cũng là tác phẩm phát hành đậm chất “công nghiệp truyện tranh”, với các sản phẩm như poster, mô hình, tượng nhân vật đi kèm.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm