Trần Tiễn Cao Đăng nói về vụ "Lolita": Muốn nói dịch lỗi, phải đọc đến nơi đến chốn

23/04/2012 11:04 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Bản dịch cuốn Lolita của dịch giả kỳ cựu Dương Tường vừa gây sóng gió trong dư luận, không phải vì nội dung nhiều tranh cãi của kiệt tác này mà lại là những nghi ngờ về chất lượng của bản dịch, nói đúng hơn là nghi ngờ về một câu văn dịch của Dương Tường. Nó có thực sự là tối nghĩa không?

Dịch giả cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót là người đầu tiên nhắc đến khái niệm “thảm họa dịch thuật” hồi năm 2005, nhưng anh không ngờ sau này khái niệm đó được dùng lại nhiều và tràn lan đến vậy.

Cùng lắm chỉ là một điểm gây tranh luận

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Ảnh: Tuổi trẻ
* Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng tiểu thuyết Lolita bị dịch sai ngay từ đoạn đầu: “Trên những dòng kẻ bằng dấu chấm, em là Dolores”?

- Tôi sẽ làm rõ vấn đề: liệu có đúng “dòng kẻ bằng những dấu chấm” (dịch từ “on the dotted lines”) là dịch sai hay không? Chỉ cần bỏ ít thời gian tìm hiểu các nguồn, ngay ở trên mạng, tác giả bài báo đó có thể biết rằng không phải không có người hiểu ngay lập tức ý nhà văn muốn nói, và không phải không có ý kiến cho rằng Dương Tường dịch như thế mới là giữ nguyên được văn phong rất riêng của tác giả.

Đoạn văn sẽ mất khi khá nhiều khí vị hàm ẩn trong giọng kể của nhân vật (Humbert Humbert) nếu như ở chỗ đó ông ta dùng cách nói ít mang tính hình tượng hơn, dễ hiểu hơn, tỉ như “trên giấy tờ chính thức”, “trên giấy tờ khê khai”, “trên giấy trắng mực đen”… Còn như có người dẫn chứng rằng trong bản dịch ra tiếng Nga của chính tác giả, nhà văn đã dịch cụm đó ra thành đại loại như “trên tờ giấy mẫu hồ sơ”. Dĩ nhiên tác giả có quyền tự chọn cách dịch như vậy cho tác phẩm của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có cách dịch khác.

Nói gọn, đây không phải là một lỗi dịch sai; cùng lắm nó chỉ là một điểm gây tranh luận. Trong giới dịch thuật, người ta phân biệt hai khái niệm này rất rõ. Chỉ nêu một điểm này ra và cứ bám vào đó mà khăng khăng nói rằng “ngay cả một dịch giả lão thành như Dương Tường cũng dịch có lỗi”, rồi thì nối kết chuyện đó với tình trạng “dịch loạn”, “dịch ẩu” mà dư luận đang quan tâm trong thời gian gần đây, đó là một việc làm thiếu chín chắn, thiếu công tâm.

* Còn việc liên tiếp có nhiều bài báo liệt kê “Lolita” trong số những tác phẩm “dịch loạn”?

- Bản thân tôi, trước khi nói rằng một cuốn sách nào đó dịch sai, tôi phải đọc kỹ bản dịch, đọc kỹ bản gốc (dĩ nhiên là phải dựa trên điều kiện tôi nắm chắc ngôn ngữ của bản gốc), đối chiếu hai văn bản hết sức kỹ lưỡng, để lọc ra một con số đủ lớn những chỗ mà tôi tin chắc là lỗi - trên cơ sở suy xét, thẩm định thấu đáo, khách quan hết sức có thể của mình. Chỉ khi đó tôi mới tự cho phép mình kết luận đó là một bản dịch không tốt, hay một “thảm họa dịch thuật”, cụm từ tôi đã dùng một lần duy nhất (và lúc tôi dùng nó, tôi không thể nào lường trước nó lại trở thành một khái niệm được nhiều người dùng lại đến như vậy).

Tác giả những bài báo có dụng ý gộp chung Lolita vào hàng những cuốn “dịch loạn” rõ ràng là đã không làm việc đó - không hiểu là do họ thấy không cần làm hay là họ không có khả năng làm. Họ đã không hề làm cái việc đáng ra họ phải làm: trước khi gộp chung Lolita vào cái họ gọi là các sách “dịch loạn” khác, họ phải mổ xẻ bản dịch đó đến nơi đến chốn như tôi vừa nói cái đã.

Bản dịch Lolita của Dương Tường

Nếu họ không đủ sức làm thế, họ có thể mời một chuyên gia, một dịch giả chuyên nghiệp, để bảo đảm sự khách quan và cơ sở khả tín của bài viết. Họ không làm thế.

Tôi xin nói rõ và nhấn mạnh điểm này: tôi không nói rằng bản dịch Lolita hoàn toàn không có lỗi. Tôi dám nói rằng bản dịch hoàn toàn không có một lỗi nào chưa bao giờ tồn tại trên trái đất. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, trước khi nhắc đến chuyện lỗi dịch của Lolita, nhất là nếu Lolita ra cùng một lúc và cùng một nơi với những bản dịch khác rõ ràng là dịch rất không tốt, như một ví dụ của tình trạng “dịch ẩu dịch loạn”, người ta cần phải vạch ra được nhiều lỗi với những lý lẽ ít nhiều đủ sức thuyết phục. Nếu có ai đó làm như vậy, chắc chắn là tôi sẵn sàng lắng nghe và đối thoại trên tinh thần cởi mở, cầu tiến, xây dựng, học thuật.

* Bản thân anh đánh giá thế nào về bản dịch “Lolita” của dịch giả Dương Tường?

- Lolita là một trong những bản dịch văn chương nước ngoài ra tiếng Việt công phu và xuất sắc nhất mà tôi được đọc trong nhiều năm qua. Và tôi chân thành mong rằng tất cả mọi người, nhà báo cũng như độc giả, trước khi hùa theo ai đó lên tiếng này nọ về Lolita, hãy làm cái việc đáng làm trước hết là đọc kỹ nó, với tâm thế rộng mở, không định kiến.

Giết chết nhiệt tình của dịch giả

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng sinh năm 1965. Một số đầu sách dịch của anh: Xứ cát, Biên niên ký chim vặn dây cót, Nếu một đêm đông có người lữ khách, Tôi tên là Đỏ, Từ điển Khazar.

* Gần đây, một số dịch giả đã dự đoán rằng báo chí sắp có một đợt phê phán sách dịch lỗi. Anh cảm thấy thế nào khi dự đoán này đang trở thành sự thật?

- Dịch thuật là một công việc vô cùng gian khổ. Không một dịch giả nào từng dám nói rằng mình không bao giờ dịch sai. Vấn đề chỉ là dịch sai nhiều hay ít. Dịch giả chúng tôi không mong muốn gì hơn là sự đồng cảm và rộng lượng của người đọc.

Sự hồ đồ, thiếu công tâm, và thậm chí không phải là không đầy ác ý của một bộ phận dư luận, trong việc đánh đồng giữa một đằng là dịch ẩu với một đằng là dịch có chút ít sai sót, đó là một trong những nhân tố chính có khả năng làm thui chột hay thậm chí giết chết nhiệt tình làm việc của giới dịch giả. Và, nếu điều đó xảy ra, thiệt hại là thuộc về toàn thể cộng đồng.

* Nếu muốn lên án dịch lỗi, dịch loạn thì cũng cần hiểu thế nào là dịch tốt, dịch hay, phải có một cái chuẩn để so sánh. Anh có thể kể một số tác phẩm được dịch tốt ở VN?

Có những bản dịch mà tôi đọc đã lâu và đến giờ vẫn thấy hạnh phúc vì đã đọc. Chẳng hạn, Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov (cùng của F. Dostoyevsky), Brand và Peer Gynt (kịch H. Ibsen), Kho tàng trong động ma (bản của Sài Gòn cũ, dịch từ The adventures of Tom Sawyer của Mark Twain), Cái trống thiếc (Günter Grass), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig), vân vân, và bây giờ, Lolita.

Những bản dịch như thế, tôi chỉ mới đọc bằng tiếng Việt (trừ Lolita thì có đọc bản gốc tiếng Anh) và chưa khi nào cảm thấy có nhu cầu muốn đọc bản gốc để đối chiếu. Bản tiếng Việt là đã đủ để tôi tin mình đang tiếp xúc với nguyên tác; nó đủ sức mạnh để cho tôi niềm tin rằng nó là một dạng thể khác của nguyên tác, không phải là một với nguyên tác, song không kém hơn.

Có một điều mà những người chăm chăm soi lỗi một bản dịch nào đó thường bỏ qua không nhìn thấy hay không muốn thấy: ở một số trường hợp, một vài lỗi sai trong một bản dịch chẳng là gì so với ấn tượng thẩm mỹ mà bản dịch trao cho người đọc một cách tổng thể. Việc họ làm, do đó, chẳng gì hơn là bới lông tìm vết. Và, một lần nữa, phải rạch ròi chỗ này: ở đây chúng ta không đánh đồng những bản dịch như thế với những bản dịch đầy rẫy lỗi và do vậy làm hỏng nguyên tác, giết chết nguyên tác. Chỉ những ai sẵn thiếu thiện chí thì mới cố tình hiểu như thế.

Sóng gió quanh Lolita của Dương Tường

Tranh luận xuất phát từ một nhận định trên báo Vietnamnet về chất lượng bản dịch cuốn Lolita của dịch giả Dương Tường: “Dịch giả trẻ thế hệ 8x có thể còn quá non trẻ và chưa đủ vốn sống để dịch hay, nhưng những dịch giả nhiều năm trong nghề  dù dịch rất tốt cả cuốn sách cũng chưa hẳn đã tránh được lỗi. Ngay trong những dòng đầu tiên của Lolita - cuốn sách đang được tung hô ầm ĩ nhất hiện nay, cũng đã thấy câu văn tối nghĩa và khó hiểu: “Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” Không hiểu một người Việt bình thường có hiểu nổi “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” là cái gì hay không”?

Pham Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm