Lỗi không phải tại 'phượt'

14/05/2019 07:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Lại lũ Phượt”. “Ghét bọn Phượt không não”. “ Bọn trẻ trâu đi xe máy”. Đó chỉ là một phần nhỏ, trong muôn vàn những câu từ nặng nề mà cộng đồng mạng từng trút xuống thú “đi phượt” của giới trẻ.

Khi phượt thủ 'phá' nhiều hơn 'khám'

Khi phượt thủ 'phá' nhiều hơn 'khám'

Mới đây, khi báo chí đưa tin vụ các phượt thủ (du lịch tự khám phá) đập chóp tọa độ của núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, trên mạng đã có những lên án kiểu như: “Dân phượt - nghĩ mà sợ!”. Đây không chỉ là giọt nước làm tràn ly một vài lần, bởi “chuỗi thành tích” phá hoại của các phượt thủ dài hơn cả một tờ sớ và trải dọc từ Nam chí Bắc.

Những phản ứng ấy không phải mới xuất hiện mà đã diễn ra từ lâu. Nhưng khi xâu chuỗi, sẽ thấy một thực tế: những năm qua, càng ngày, những từ ngữ tiêu cực dành cho “phượt” càng được sử dụng với cấp độ nặng nề tăng dần, và tần suất cao hơn trước

Người viết nhận ra điều này khi thử tìm kiếm trên mạng với 2 từ “phượt” và “ghét”, sau chuyện “ăn mận” tai tiếng của một nhóm phượt tại Mộc Châu (Sơn La) vừa qua.

Nhóm phượt thủ ấy mua vé tham quan tại vườn mận ở Mộc Châu (được cho là có giá 20.000 đồng/người). Để rồi, clip và những hình ảnh ghi lại cho thấy cách ăn của họ: vít cành, chọn những quả mọng nhất để cắn nham nhở vài miếng, bỏ phần còn lại và chuyển sang những quả khác.

Chú thích ảnh
Cách ăn mận của nhóm phượt thủ. Ảnh: Internet

Một cơn mưa “gạch đá” đầy phẫn nộ được cộng đồng mạng trút xuống đầu nhóm phượt ấy. Và lời thanh minh yếu ớt (rằng chỉ đùa vui như vậy với vài cành mận) của một thành viên trong nhóm cũng không ăn thua.

Bởi dường như, sau những chuyện từng có, sự kiên nhẫn của cộng đồng với các nhóm phượt thiếu văn hóa đã chạm tới giới hạn.

***

Thú vui du lịch bụi (chủ yếu bằng xe máy) phát triển mạnh ở Việt Nam từ gần hai chục năm nay. Và cùng với sự bùng nổ của internet, những người có sở thích này dễ dàng kết nối với nhau, cùng tạo lập những cộng đồng để tham gia các chuyến đi – mà họ định danh bằng từ “phượt”.

Thực tế, ở thời điểm mới xuất hiện, “phượt” ít phải nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm như bây giờ. Đơn cử, cộng đồng ấy vẫn nhiệt tình chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về đi đường, về các mùa hoa rừng – thời điểm đẹp nhất để “phượt”, hay về sự đón tiếp nhiệt tình của đồng bào vùng cao với những người lặn lội vượt hàng trăm cây số để tìm một trải nghiệm với mình.

Còn bây giờ, sự khó chịu với “phượt” không chỉ đến từ cộng đồng mạng. Cũng không chỉ từ đồng bào vùng cao – với hình ảnh về những tấm biển ghi dòng chữ “cấm vào” tại vườn hoa hoặc ruộng cây của mình.

Hơn thế, như chia sẻ từ chính những “dân phượt” cũ, đã có một khoảng cách không nhỏ về mục đích của “phượt” ngay trong cộng đồng này.

Cùng một từ “phượt”, có người thật sự muốn khám phá các vùng đất mới để tìm thêm những trải nghiệm, những kỷ niệm mới. Và, có những người chỉ cần ghi thành thích để chứng tỏ mình cũng biết… đi phượt.

Tới một vùng đất lạ, có những người hào hứng với việc chụp ảnh phong cảnh, hoặc ghi lại sinh hoạt của người dân bản địa. Và, cũng có những người phải làm mọi cách để có những bức ảnh check in sống ảo, càng khác người càng tốt. Cũng như, có những người thích trò chuyện với người dân, tham gia các hoạt động văn hóa địa phương – trong khi, có những người chỉ muốn đi càng xa, càng nhanh và…càng nhiều.

Nghĩa là, theo thời gian, chính cách hành xử của một bộ phận thanh niên thiếu ý thức đã khiến từ “phượt” nhận về ác cảm từ dư luận.

***

Với tuổi trẻ, đi và khám phá thế giới chính là một cách tốt nhất để trưởng thành.

Không phải đến bây giờ, nhiều người vẫn say mê những ghi chép mà Che Guevara để lại trong hành trình xuyên Mỹ La tinh bằng xe máy ở tuổi 23 của mình. Say mê, không chỉ bởi hành trình, mà còn bởi sự thay đổi trong nhận thức của Che, khi hành trình ấy đã để lại trong ông những lòng thương cảm với những người nghèo khổ và tinh thần chống đế quốc mãnh liệt.

Nhìn từ cách ấy, câu chuyện với “phượt” không phải là lỗi của một sở thích. Những gì đang diễn ra là câu chuyện về giáo dục và văn hóa – khi xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thanh niên bị cuốn theo thú vui du lịch bụi, nhưng lại không hề được chuẩn bị đầy đủ về kĩ năng và cách ứng xử của mình.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm