Lỗi không chỉ tại rượu

19/05/2022 07:14 GMT+7

Sự cố liên quan tới đề thi môn Hóa của một trường trung học cơ sở phía Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mấy ngày qua.

Đáp án đề thi Hóa học Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021

Đáp án đề thi Hóa học Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021

Sáng 8/7, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã trải qua bài thi Khoa học Tự nhiên. Thethaovanhoa.vn cập nhật đề thi môn thành phần Hóa học thi tốt nghiệp THPT 2021 chính thức của Bộ GD-ĐT.

Dành cho học sinh lớp 9, đề thi ấy có phần dẫn nhập khá dài về “thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp cả nước: Rượu làng Vân”, kèm thêm các thông tin như uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li, hương vị đặc biệt trong họng, không đau đầu... trước khi bước sang nội dung chính: Yêu cầu giải thích về nồng độ cồn và tính thể tích của một lượng rượu nhất định.

Mọi thứ không dừng ở những lời giễu cợt về phần dẫn nhập dài dòng và không cần thiết ấy. Xa hơn, nó khiến nhiều phụ huynh bất bình và cho rằng cách ra đề này không phù hợp với độ tuổi vị thành niên của học sinh - khi vô tình kích thích sự tò mò, thậm chí khuyến khích các em tìm đến rượu.

Chú thích ảnh
Đề thi môn hóa lớp 9 gây tranh luận. Nguồn: tuoitre.vn

Và, giống như tất cả những sự cố từng liên quan tới đề thi hoặc ngành giáo dục, mọi thứ vẫn chưa thể “nguội” đi - dù phía ra đề đã lên tiếng nhận lỗi, đồng thời giải thích rằng đây chỉ là một sai sót nhất thời.

***

Thẳng thắn, nếu bỏ qua định kiến sẵn có với ngành giáo dục, cũng như sự dài dòng thiếu khoa học của đề thi, phần còn lại ở câu chuyện vẫn là một vấn đề nghiêm túc: cách giáo dục trẻ vị thành niên về những gì liên quan tới rượu.

Chúng ta đã nói quá nhiều về nạn tiêu thụ rượu bia vô tội vạ của người Việt Nam, cũng như việc trẻ vị thành niên ngày càng tiếp xúc nhiều với loại đồ uống này. Thế nhưng, cũng phải nói rõ: Vấn nạn ấy cần đặt trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội và thông tin bây giờ.

Nỗi lo về việc các học sinh 15, 16 tuổi bị dẫn dụ đến với rượu bởi đề thi Hóa nói trên cần được thông cảm, nếu nhìn theo tâm lý của các bậc phụ huynh. Nhưng chắc chắn, nếu không có đề thi ấy, các em vẫn hoàn toàn có thể tiếp xúc với một biển thông tin khổng lồ về rượu bia trên internet ở các mức độ khác nhau - chứ chưa nói tới những ảnh hưởng từ đời sống thật.

Nó giống như một thực tế từng được chỉ rõ: Mặc dù một số luật tại Việt Nam cấm bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng với rất nhiều gia đình, việc bố mẹ sai trẻ đi mua bia, rượu là rất bình thường. Và, việc một cửa hàng bán rượu, bia cho trẻ mang về cũng không có gì lạ.

Rộng hơn, đó là câu chuyện của những quan niệm và cách hành xử sai lệch về rượu bia - khi mà rất nhiều bậc phụ huynh vẫn thoải mái tự cho phép mình lạm dụng loại đồ uống ấy, hoặc như một cách để giải tỏa bớt sức ép trong nhịp sống công nghiệp căng thẳng, hoặc như một sự buông thả về hưởng thụ ở một xã hội chớm có màu sắc tiêu dùng. Để rồi, dù cấm đoán, những “hình mẫu” ấy vẫn khiến trẻ bị ảnh hưởng về nhận thức, khi lớn lên trong một môi trường mà những người xung quanh thường xuyên uống rượu.

Như thế, việc hạn chế để trẻ em tiếp xúc với rượu bia sẽ nằm ở rất nhiều vấn đề của xã hội - với chủ thể chính là người lớn - chứ không đơn thuần chỉ là chuyện của thông tin. Cũng giống như, những tiêu cực liên quan tới rượu nằm ở cách uống, ở thái độ ứng xử của con người, chứ không thể trút mọi tội lỗi lên loại đồ uống này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm