'Taharrush' ở Cologne và ghẹo gái ở Việt Nam

16/01/2016 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa biết bao nhiêu phụ nữ Đức bị hiếp dâm - theo nghĩa đầy đủ của từ này - trong đêm đón Giao thừa ở thành phố Cologne - nhưng những hành vi quấy rối của đám đông lạ mặt... đã là quá đủ để gây nên một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Đức.

1. Những hành vi đó đã được mô tả trong 237 lá đơn của phụ nữ Đức được gửi tới cảnh sát.

Đối với người dân Âu – Mỹ, đặc biệt là ở Đức, đụng chạm vào thân thể phụ nữ, chưa nói cố ý, dù chỉ là vô tình, luôn là một điều tối kỵ. Khi sang Đức, người ta luôn căn dặn nhau là không nên xấn sổ xông tới bắt tay phụ nữ, nhất lại là kiểu bắt tay vừa rung vừa lắc, vừa... gãi vào lòng tay như ở xứ ta.

Lời căn dặn rất cụ thể là, trong giao tiếp với phụ nữ lạ, không nhất thiết cứ phải bắt tay và nên chờ để họ chủ động chìa tay ra trước. Đặc biệt, phải hết sức tránh động chạm vào phụ nữ, nếu sơ ý chạm vào ai trong lúc đông đúc, chen lấn ở chợ Noel, tàu điện ngầm, xe buýt... thì phải mau chóng quay lại xin lỗi.


Hiện tượng "taharrush" đã xuất hiện tại thành phố Cologne khi hàng trăm phụ nữ Đức tố cáo bị sàm sỡ

Bản thân người viết bài này, trong một lần “tây tây” ở một quán bia giữa trung tâm Berlin, vô tình khoác tay ra sau băng ghế, đã bị một cú chặt tay đau điếng. Quay lại mới biết, cánh tay mình vô tình chạm phải bờ vai của một... cụ bà, chừng 70 tuổi. Cụ ông đi cùng chính là tác giả của đòn cảnh cáo không khoan nhượng vừa rồi. Hú hồn, hú vía, xin lỗi xong mà vẫn còn xanh mặt, tỉnh cả rượu.

2. Trong thế giới văn minh, phụ nữ luôn được tôn trọng với quyền “bất khả xâm phạm” về thân thể, nhân phẩm. Chưa nói đến những hành vi sàm sỡ thô bỉ, mà ngay cả những đụng chạm “ngoài da” hay những lời nói, thái độ cợt nhả thôi cũng có thể bị coi là hành vi quấy rối tình dục và thủ phạm có thể phải đối diện với pháp luật.

Thế nhưng không phải ai cũng ý thức hết được điều này. Các phân tích cho thấy, vụ quấy rối phụ nữ ở Cologne là biểu hiện của hiện tượng có tên gọi "taharrush" vốn là “đặc trưng” trong thế giới Arab. “Taharrush" có nghĩa "xâm hại tình dục tập thể" và được thực hiện bởi một nhóm nhiều đàn ông, với mục tiêu tấn công là một phụ nữ.

Nạn nhân thường bị những gã này vây xung quanh, sau đó một số tiến hành sờ mó và những kẻ còn lại sẽ đứng xem, hoặc đánh lạc hướng sự chú ý của người ngoài cuộc. Trong một số tình huống, nạn nhân sẽ bị chúng hiếp dâm tập thể.

Thủ phạm của các vụ tấn công phụ  nữ ở Cologne được cho là những người đàn ông nước ngoài, cụ thể là dân nhập cư Trung Đông - Bắc Phi. 19 đối tượng tình nghi đã bị bắt.

Dễ thấy rằng những gã đàn ông này đã mang theo cái thói “taharrush" đặc trưng của xứ sở mình sang miền đất mới. Và hội hè năm mới, tập trung đông phụ nữ chính là cơ hội ngàn năm có một để tệ nạn này bùng phát.

Chẳng lẽ phải có 'sông lười' dành riêng cho phụ nữ?

Chẳng lẽ phải có 'sông lười' dành riêng cho phụ nữ?

Ban đầu, khi nghe nói có chuyện đùa cợt quá trớn của thanh niên nam nữ ở khu vực sông lười, tôi cứ nghĩ là chuyện… thường tình.


3. Chợt nhớ ở Việt Nam, trong vụ sàm sỡ phụ nữ ở Công viên nước Hồ Tây, có bao nhiêu gã trai đã ngang nhiên đụng chạm, kéo áo, kéo quần bikini, sàm sỡ tập thể phụ nữ? Họ có biết mình đang thực hiện các hành vi phạm tội được gọi bằng cái tên mĩ miều là “taharrush"?

Điều đáng lo ngại là chính các nạn nhân cũng không dám lên tiếng.

Lại nhớ trước đây ít lâu, trước vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ trên xe buýt, thành phố Hà Nội đã phải đưa ý tưởng xây dựng các tuyến xe buýt riêng dành riêng cho chị em. Những đám đông lợi dụng lúc xe buýt, xe khách, nhà ga, bến tầu chật chội hoặc khi hội hè, đình đám... cố ý đụng chạm phụ nữ, kể chuyện tục tĩu, bình phẩm phụ nữ rồi cười hô hố với nhau, xét cho cùng cũng là những hành vi “taharrush".

Câu chuyện “taharrush" ở Cologne là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những gã đàn ông đang bước vào thế giới văn minh, nhưng vẫn giữ thói ghẹo gái kiểu “trai làng chơi hội”.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm