Quả bóng World Cup: Từ bỏ Trung Quốc, chọn Pakistan

31/05/2014 09:37 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Từ trước tới nay, cứ mỗi kỳ World Cup, quả bóng được sử dụng chính thức tại giải đấu luôn gây ra sự khuấy động.

Tricolor 1998, Fevernova 2002, Teamgeist 2006 và Jabulani 2010 đều bị chê bai. Vậy Brazuca, quả bóng ẩn giá trị thương hiệu và kết tinh tinh túy công nghệ của Adidas, sẽ được sử dụng tại World Cup sắp tới thì sao?

Trở lại với truyền thống

“Chưa có một lời chê bai”- Tom Ramsden, Giám đốc marketing lĩnh vực bóng đá của Adidas tự hào tuyên bố. Ông không hề phóng đại.

Tiền vệ Gareth Bale, sau khi ghi bàn thắng đáng nhớ vào lưới Barcelona để giúp Real Madrid vô địch Cúp Nhà Vua, đã lên Twitter cảm ơn trái bóng Brazuca. Liền sau đó, thủ môn Julio Cesar (Brazil) cũng ủng hộ quả bóng này. Chính Cesar cách đây 4 năm đã chỉ trích thậm tệ trái bóng Jabulani, cho nó là cơn ác mộng với các thủ môn. “Điểm cộng” nào từ Brazuca tạo cảm giác hài lòng cho người chơi? Đó chính là tính truyền thống.

Từ khi Adidas ký hợp đồng sản xuất quả bóng World Cup tới nay, thế giới đã chứng kiến 12 phiên bản chào đời. 9 phiên bản đầu tiên, bóng được sản xuất theo cách truyền thống, tạo nên từ 32 miếng ghép, khâu lại bằng tay. Dần dần, Adidas trong chiến dịch “cách tân” quả bóng bằng công nghệ mới, đã quyết định thay đổi. Jabulani 2010 chỉ sử dụng 16 miếng vá.

Tiến sĩ Rabi Mehta, trưởng bộ phận nghiên cứu Ames trực thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết sự thô ráp trên bề mặt một trái bóng quyết định vận tốc trung bình của nó. Càng thô ráp thì vận tốc càng thấp, bóng sẽ đi đúng hướng và tốc độ cầu thủ muốn và ngược lại. Một trong những yếu tố chính tác động lên sự thô ráp của quả bóng là số miếng vá. Bởi vậy, năm nay Adidas đã quyết định đưa Brazuca trở lại với 32 viếng vá truyền thống.

Các miếng vá này được phân giới bởi đường nối. Số đường nối ít cho phép các cầu thủ sút bóng có cảm giác êm hơn. Trái Brazuca chỉ có 6 đường nối, ít hơn so với 8 đường nối của trái Jabulani hay 14 đường nối của trái Teamgeist.

Nỗ lực của Pakistan

Thông thường, đối tác ở Trung Quốc sẽ nhận hợp đồng sản xuất bóng cho Adidas. Tuy nhiên, Brazuca lại sinh ra ở Pakistan, nơi từng được coi là cái nôi của các quả bóng World Cup.

Nền công nghiệp này của họ đạt tới đỉnh cao khi quả bóng Tango ra mắt năm 1982. Trong thời hoàng kim, Pakistan cung cấp tới hơn 70% số lượng bóng vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, năm 2007, những cáo buộc về lạm dụng lao động trẻ em, điều kiện sản xuất tồi tàn cũng như tình hình bất ổn của đất nước khiến các doanh nghiệp sản xuất bóng đá của Pakistan rơi vào khó khăn. Adidas quyết định chuyển sang làm ăn với Trung Quốc.

World Cup này, nhờ sự thức thời của một chủ nhà máy ở Pakistan, đất nước này một lần nữa trở thành nơi ra đời của một quả bóng sẽ đi vào lịch sử túc cầu. Khawaja Masood Akhtar, Tổng Giám đốc của công ty Forward Sports khi nghe manh nha thông tin Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu sản xuất quả bóng Brazuca, anh đã liên hệ với Adidas để nhận công việc này. Ban đầu Adidas từ chối vì các thiết bị chế tạo ở nhà xưởng của Forward Sports quá lỗi thời. Nhưng chỉ trong vòng 33 ngày, một nhà xưởng mới được hình thành với đầy đủ thiết bị cần thiết dù thực tế cần đến 6 tháng để tạo được một cơ ngơi như vậy.

3.000 quả bóng đã được chuyển từ đây tới Brazil phục vụ cho World Cup. Sau sự kiện thể thao này, khoảng 2 triệu quả  Brazuca sẽ được sản xuất, phục vụ người hâm mộ.

Mang tinh thần Ninja

Theo Takeshi Asai, Giáo sư về khoa học thể thao tại Viện Sức khỏe và Khoa học thể thao tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) cho biết thiết kế 6 đường nối của Brazuca lấy cảm hứng từ shuriken, vũ khí thường được sử dụng bởi các ninja. Shuriken có dạng hình sao, thường được dùng để phi, nhằm gây thương tích cho đối thủ.

“Mặc dù số lượng đường nối giảm nhưng tổng chiều dài của các đường nối lại tăng hơn nên khi bóng bay, lực cản không khí sẽ giảm đi và tốc độ tăng cao hơn”- ông Asai nói.


Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm