03/03/2012 07:59 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH) - Arsenal đã chờ đợi hơn 6 năm (và 99% đây là năm thứ 7) cho một chiếc Cúp, còn Liverpool chỉ vừa mới tạm thoát khỏi áp lực danh hiệu sau một trận khổ chiến mà có lẽ các CĐV của họ đã phải trải qua hơn 120 phút dài tựa hàng thế kỷ. Đó là một cuộc chiến bị ám ảnh bởi thời gian.
Arsenal vẫn chưa thể chiến thắng nỗi ám ảnh ấy. Một năm trước, họ gục ngã đúng phút 89 trong trận chung kết Cúp Carling trước Birmingham sau một sai lầm không thể tha thứ của trung vệ Laurent Koscielny. Một năm sau, Liverpool suýt chút nữa cũng không thể bước qua thử thách ghê gớm ấy, sau những giây phút mà chúng ta cảm nhận được rõ rệt sự run rẩy của Lữ đoàn đỏ trước ngưỡng lịch sử, dù đối thủ của họ chỉ là Cardiff, và đó cũng “chỉ” là trận chung kết Cúp Carling, một đấu trường đá Cúp hạng bét của nước Anh.
Cụ thể hóa những giá trị đúc rút của đội bóng trong hơn nửa thập kỷ thành “hiện vật” là danh hiệu hóa ra khó khăn hơn ta tưởng, dù đó có là danh hiệu dễ dàng nhất có thể vươn tới đi chăng nữa, dưới áp lực ngàn cân của những chỉ trích và định kiến trong từng ấy năm, khi màu cờ sắc áo nhạt nhòa và các ngôi sao lần lượt ra đi vì tiếng gọi danh hiệu. Nhưng những cú vấp ngã ấy thậm chí còn đáng được bao dung, nếu đội bóng luôn vận động để tìm ra một con đường đúng đắn.
Liverpool và Arsenal, cuộc chiến của thời gian - Ảnh Getty
Bạn không tin? 6 hay 7 năm trắng tay không hề là một thảm họa. 3 đội đứng đầu Premier League hiện tại không chỉ trải qua vài năm, mà là hàng thập kỷ khô hạn danh hiệu! Manchester City mới chấm dứt được 35 năm trắng tay vào tháng 5 năm ngoái bằng chiếc Cúp FA. Manchester United cũng từng trải qua 26 năm mới trở lại đỉnh cao của bóng đá Anh (từ 1966 đến 1992),. Tottenham Hotspur giải cơn khát 17 năm trắng tay chỉ bằng chức vô địch Cúp Liên đoàn vào năm 2008. Trước khi chấm dứt 6 năm liền không chiến quả bằng thắng lợi nghẹt thở trước Cardiff, chính Liverpool cũng trải qua 21 năm trắng tay, sau chức VĐQG Anh cuối cùng vào mùa 1989-1990.
Vậy thì, thời gian có phải nỗi ám ảnh lớn đến không thể bao dung hay không?
Nhưng thời gian không có “quà” cho sự trì trệ
Trong 26 năm không thể vô địch bóng đá Anh, M.U đã thay đến 7 đời HLV, trước khi kỷ nguyên Alex Ferguson chính thức mở màn. Trước đó, rất ít người tin rằng sẽ có ai đó làm tốt hơn những gì Sir Matt Busby đã làm trong các thập niên 50 và 60 thế kỷ trước. Tottenham Hotspur thay tướng 8 lần trong một thập kỷ qua, song song với việc mở rộng hầu bao hơn trong chính sách chuyển nhượng. Manchester City bị coi là một nỗi xấu hổ của tư duy phát triển bền vững, nhưng mức độ đổi thay của họ là cực kỳ mạnh mẽ nhờ được hậu thuẫn bởi tiền bạc: Họ đổi 2 đời ông chủ CLB, thay 3 HLV, cùng hàng chục cầu thủ giỏi đến và đi chỉ trong 5 năm.
Kết luận: Điều quan trọng không phải là bạn trắng tay bao nhiêu năm, mà là bạn đã nỗ lực thế nào để đặt dấu chấm hết cho nó, bằng mọi cách.
Liverpool từng là một đội bóng rất trì trệ, dù họ luôn là một trong những đội giàu truyền thống nhất của nước Anh, nhưng mùa bóng này đánh dấu rất nhiều đổi thay, sau khi họ chấp nhận một ông chủ người Mỹ và sẵn sàng bắt đầu một cuộc phiêu lưu trên thị trường chuyển nhượng. Bản thân HLV Kenny Dalglish, một biểu tượng rất cũ của Liverpool, cũng đã tự làm mới mình trên băng ghế huấn luyện bằng triết lý bóng đá rất hiện đại: Chơi đơn giản, ít chạm, áp sát, và đề cao vai trò của các tiền đạo dạng “9 rưỡi”. Chiếc Cúp Carling giành được một cách chật vật trước Cardiff chưa thể khẳng định rằng con đường mà họ đi là hoàn toàn đúng đắn, nhưng ít ra, họ đã chịu thay đổi, và dám nhìn đúng vào những hạn chế của bản thân.
Con đường mà Arsenal đã chọn để đi qua hơn 6 năm bão tố vừa qua là một biểu tượng cho tư duy phát triển bền vững, và đó là một triết lý đáng trân trọng, nhưng họ đang thực hiện nó với quá nhiều chi tiết lỗi. Là chính sách chuyển nhượng bảo thủ, thiếu quyết đoán. Là một HLV đang tỏ ra cạn kiệt các ý tưởng chiến thuật và mất đi sự cứng rắn đã từng có trong cách quản lý. Là những ông chủ chỉ thích nâng giá vé và bòn rút đội bóng, được “trợ giúp” bởi sự cam chịu từ chính ông Wenger.
Đôi khi, số năm trắng tay không tạo ra nỗi ám ảnh lớn bằng sự chờ đợi trong bị động. Liverpool không thể trở thành một đội bóng chiến thắng lập tức chỉ sau một chiếc Cúp Carling, nhưng chiến quả ấy là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho việc dám đổi thay, dám dấn thân và chấp nhận sai lầm. Arsenal đã không dám làm điều ấy, dù chỉ một chút thôi, trong hơn nửa thập kỷ qua. Và trong một trận đấu của nỗi ám ảnh thời gian thế này, họ khó mà vượt qua được Liverpool.
Dự đoán: 2-1
Phạm An
Lực lượng
Liverpool: Thiếu Daniel Agger, Lucas (chấn thương) Arsenal: Thiếu Andre Santos, Ramsey, Wilshere, Metersacker, Squillaci (đều chấn thương) Đội hình dự kiến Liverpool: Reina - Kelly, Carragher, Skrtel, Enrique - Gerrard, Spearing - Henderson, Suarez, Downing – Carroll Arsenal: Szczesny - Sagna, Koscielny, Vermaelen, Gibbs - Arteta, Song - Walcott, Rosicky, Benayoun - Van Persie 5 Nếu không thua tại Anfield, Arsenal sẽ trở thành đội bóng Anh đầu tiên trải qua 5 trận bất bại ở sân đấu huyền thoại này trong các trận đối đầu với Liverpool ở giải vô địch Anh 6 Liverpool đã không thắng trong cả 6 trận mà đội trưởng Steven Gerrard ra sân từ đầu mùa bóng này
6 Trong 6 trận gần nhất giữa Liverpool và Arsenal, có đến 6 bàn thắng được ghi vào phút 90 và thậm chí là trong thời gian bù giờ 20 Với chỉ 20 điểm kiếm được tại Anfield mùa này, chưa bao giờ Liverpool chơi tệ trên sân nhà đến thế trong kỷ nguyên Premier League của họ 53 Với 53 bàn thắng, Arsenal thậm chí đã có số lần lập công sau 26 trận nhiều hơn cùng kỳ mùa bóng 2003-2004 (51 bàn), mùa bóng mà họ đã vô địch với thành tích bất bại |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất