(TT&VH) - Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc do doanh nhân Kenny Huang đại diện chỉ mất một buổi tối để huy động đủ số tiền mặt theo yêu cầu để mua lại Liverpool.
Kenny Huang có một tập đoàn mạnh hậu thuẫn ở phía sau - Ảnh AP |
Các nguồn tin khác nhau đã xác nhận Tập đoàn đầu tư Trung Quốc, quỹ nhà nước của quốc gia đông dân nhất thế giới, là tổ chức đứng sau lưng Huang, doanh nhân đã thừa nhận mối quan tâm của ông đối với Liverpool. Trong hàng loạt các thương vụ kể từ ngày 19/7, CIC đã bán đi số cổ phiếu của ngân hàng Morgan Stanley trị giá 558 triệu USD, tương đương với 351,4 triệu bảng. Số tiền đó vừa khớp với số nợ của Liverpool, và cũng là con số mà báo chí đã trích dẫn trong cuộc thương lượng giữa Huang và ngân hàng Royal Bank of Scotland, chủ nợ chính của Liverpool, trong mấy ngày qua.
Tờ China Daily cho biết vào ngày thứ Tư: “Tập đoàn đầu tư Trung Quốc, một quỹ đầu tư nhà nước đã mua 9,9% cổ phần của Morgan Stanley vào năm 2007, đã bán số cổ phiếu trị giá 90,5 triệu bảng vào ngày 30/7, đưa tổng số tiền bán cổ phiếu trong hai tuần qua lên 558 triệu USD”.
Mặc dù các quỹ đầu tư nhà nước thường quản lý một khối lượng tài sản rất lớn và rất đa dạng, tiền mặt nói chung hay được chuyển sang các loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao hoặc trái phiếu chính phủ. Điều này dẫn đến việc phải bán cổ phiếu nếu lãnh đạo các quỹ này muốn đưa ra những quyết định đầu tư lớn. Sự trùng khớp của con số 351,4 triệu bảng với số nợ của Liverpool là rất thú vị, nó cho thấy CIC đang muốn nắm thế chủ động trong cuộc đua giành quyền sở hữu đội bóng từng 5 lần vô địch Cúp C1 và 18 lần vô địch nước Anh.
Điều đó cũng cho thấy bất chấp mong muốn của chủ tịch Anfield, Martin Broughton, kiếm một khoản lãi kha khá cho hai ông chủ hiện tại Tom Hicks và George Gillett, CIC sẽ không chấp nhận trả tiền lời cho thời gian chờ đợi 3 năm rưỡi qua của hai ông chủ người Mỹ. Tình thế của Hicks và Gillett trở nên khó khăn hơn bởi trên thực tế hiện giờ không có mấy đề nghị mua lại CLB đáng tin cậy và cũng không ai có ý định cạnh tranh với Huang và CIC.
Thậm chí ngay cả các quan chức ở CLB cũng đã phủ nhận tuyên bố vào đầu tuần này từ Yahya Kirdi, cựu cầu thủ Syria đang làm ăn ở Canada, rằng ông có ý định đua tranh với Huang để mua Liverpool. Kirdi trước đó đã bày tỏ sự quan tâm, nhưng báo chí Anh cho biết ông này thực ra không đủ tiềm lực để vào cuộc. Tập đoàn Rhone mới đây cũng được coi như một bên đáng chú ý, nhưng trong khi có thể đưa ra một đề nghị, hãng chứng khoán tư nhân này chỉ muốn sở hữu một cổ phần nhỏ mang tính chất đầu tư, như họ đề xuất vào tháng 3 năm nay. Đề nghị này đã bị Hicks và Gillett từ chối.
Huang xác nhận lần đầu tiên vào hôm thứ Tư rằng ông đã liên lạc với những người môi giới về việc bán lại Liverpool, cũng như với Broughton và ngân hàng Barclays Capital, những người đang tìm kiếm người mua CLB. Dù doanh nhân người Trung Quốc nói ông “chưa đưa ra một đề nghị chính thức”, việc CIC bán số cổ phiếu của Stanley Morgan cho thấy tập đoàn này đang muốn đẩy sự việc đi xa hơn và nhanh hơn.
Đến đây nảy sinh một vấn đề, khi một số CĐV áo đỏ của vùng Merseyside có thể lo ngại về ảnh hưởng của một vụ đầu tư trực tiếp từ chính quyền Trung Quốc vào CLB của họ. Tuy nhiên, CIC đã đảm bảo trên trang web của mình: “CIC luôn nỗ lực hết sức để đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển ở những nền kinh tế địa phương mà hãng đầu tư. CIC không muốn kiểm soát hay gây ảnh hưởng lên hoạt động của các công ty được trọn đầu tư. CIC muốn là một đối tác lâu dài, bền vững, hiệu quả và kiểm soát tốt rủi ro”.
Trần Trọng