PHÂN TÍCH: Không phải Moyes, Rodgers mới là một Ferguson mới

17/03/2014 01:00 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải chỉ vì chiến thắng quá thuyết phục của Liverpool ngay tại Old Trafford vừa qua, không phải chỉ vì Brendan Rodgers đã cho "Người được chọn" David Moyes knock-out một cách vô cùng dễ dàng, mà vì những gì Rodgers đã làm được trong suốt hai năm qua: Ông giống Sir Alex Ferguson của ba thập niên về trước đến kỳ lạ.

Tất nhiên, đó không phải là những bản sao về tính cách. Sir Alex, một người Scotland điển hình, nóng tính, phổi bò và thích đối đầu. Rodgers thì lạnh lùng, thâm trầm và đầy toan tính.

Những nhà độc tài

Nhưng những gì đang diễn ra ở Anfield giống như khung cảnh của Old Trafford cách đây gần ba thập kỷ, và Rodgers là người đã vẽ lại quá khứ: Kiên định với bản sắc, các bản hợp đồng khôn ngoan, sự tin tưởng vào cầu thủ trẻ, trung thành tuyệt đối với bóng đá tấn công và đề cao khát khao cống hiến cho CLB lên trên tất thảy.

Như Ferguson, Rodgers có một quyết tâm không thể lay chuyển khi thiết lập bản sắc mà ông mong muốn cho CLB, không chỉ thông qua việc bán đi những cầu thủ không phù hợp. Brendan không chỉ là một HLV, mà ông còn thể hiện mình như một "cảnh sát" của đội. Rodgers muốn kiểm soát mọi thứ, và đặc biệt chú ý đến những chi tiết. Khi tài năng trẻ Raheem Sterling tỏ ra sao nhãng, Rodgers thậm chí đã mắng anh trong một lần làm khách: "Cậu sẽ lên chuyến bay đầu tiên để về nhà."

Brendan Rodgers cũng có xu hướng quản trị kiểu "độc tài" như Sir Alex, cả hai đều muốn tự mình giải quyết mọi thứ


Rodgers thậm chí còn chuẩn bị một phong bì được niêm phong và dọa rằng trong đó ghi tên 3 cầu thủ sẽ lấy chỗ của Sterling. Trước khi Rodgers thừa nhận rằng phong bì đó hoàn toàn trống rỗng, thì mệnh lệnh của ông đã được tôn trọng và phục tùng.

Cách đây gần ba thập kỷ, Ferguson cũng đã phải mất rất nhiều thời gian để giành quyền kiểm soát CLB mới, thậm chí khó khăn hơn những gì Rodgers đang phải đối mặt rất nhiều. Ông phải làm việc với một đám cầu thủ say xỉn luôn coi trời bằng vung, là Bryan Robson, Paul McGrath và Norman Whiteside.

Ferguson rốt cuộc đã giải quyết được vấn đề, bằng cách áp đặt cái tôi của ông một cách khéo léo. Liverpool của Rodgers lành tính hơn, nhưng về mặt phương pháp, Brendan đã copy của Ferguson: Quyền lực tập trung về một mối, và trấn áp những nguy cơ nổi loạn từ trứng nước.

Bóng đá tấn công

Rodgers phát triển một thương hiệu bóng đá thời thượng và duy mỹ ở Liverpool: Kiểm soát bóng, áp đặt đối thủ vốn là đặc trưng của Liverpool dưới thời kỳ huy hoàng của Bill Shankly hay Bob Paisley, và Rodgers đã bằng mọi cách làm cho nó sống lại, rồi bảo vệ nó bằng mọi giá.

Mùa này, ngay cả khi Liverpool đã chuyển hóa từ lối chơi bóng ngắn mô phỏng Tiki-taka sang một phong cách trực diện và đưa bóng về phía trước nhanh hơn, thì những nguyên tắc cơ bản vẫn được Rodgers giữ gìn, như Paisley đã từng nói: "Không phải vấn đề về bóng dài hay bóng ngắn, mà là những đường chuyền đúng".

Tương tự, dù 5 năm cuối trong sự nghiệp của Ferguson, Man United chơi một thứ bóng đá thực dụng và hợp thời, nhưng kỷ nguyên Fergie được tạo ra bằng cam kết tận hiến. Bản hợp đồng lớn đầu tiên của Sir Alex tại Man United là Brian McClair, một tiền đạo, sau đó là Mark Hughes, tất cả đã đền đáp sự tin tưởng của Sir Alex bằng những bàn thắng và sự chăm chỉ, giống như niềm tin lớn mà Rodgers đặt vào Daniel Sturridge và Phillippe Coutinho.



Brian McClair là hợp đồng lớn đầu tiên của Sir Alex Ferguson tại Man United

Raheem Sterling giống như Lee Sharp, được Ferguson đưa lên đội một từ rất sớm, trước khi Ryan Giggs xuất hiện. Ferguson giao vai trò "đại ca" cho một người duy nhất: Bryan Robson. Rodgers trao nhiệm vụ này cho Steven Gerrard, và chính anh là người đã đè bẹp Man United bằng một cú đúp.

Rodgers say mê với bóng đá tấn công, nhưng ông không hẳn là một HLV lãng mạn. Ông rất quan tâm đến việc xây dựng hàng thủ, và hiện tại, chúng ta có thể nhìn thấy Kolo Toure, Martin Skrtel và Daniel Agger đang kết hợp với nhau rất ăn ý. Tương tự, phải mất đến 5 mùa giải với 5 bản hợp đồng ở hàng phòng ngự (Bruce, Gary Pallister, Denis Irwin, Paul Parker và Peter Schmeichel), Ferguson mới có thể yên tâm xua quân lên tấn công.

David Moyes là một bản sao của Souness?

Bối cảnh của Man United trước khi Ferguson đến cũng giống như Liverpool bây giờ. Trong 19 mùa giải từ 1972-1973 cho đến 1990-1991, Liverpool đã vô địch 11 lần và chỉ bật ra khỏi top 2 có một lần, giành 3 Cúp C1 trong 5 năm.

Nhưng từ năm 1991, họ trượt dốc không phanh, kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6, rồi thứ 6 mùa tiếp theo, và thứ tám tiếp theo nữa. Mùa 1993-1994, họ kết thúc mùa bóng với số điểm thấp đáng xấu hổ là 32. Để tiện so sánh: Wigan đã phải xuống hạng mùa trước với số điểm là 36.



Chỉ sau vài năm dưới thời Souness, Đế chế lẫy lừng Liverpool đã sụp đổ và đến giờ vẫn chưa gượng dậy nổi

Bóng tối bao phủ Lữ đoàn đỏ vĩ đại cho đến bây giờ, và các chuyên gia bóng đá Anh mổ xẻ rằng Đế chế ấy đã tan rã chỉ vì một cái tên: Graeme Souness. HLV người Scotland (lại Scotland!) được bổ nhiệm vào tháng 4/1991 sau khi Kenny Dalglish từ chức, và Souness, cũng như Moyes bây giờ, được xem như một người kế nhiệm phù hợp. Nhưng kết quả trên sân đã chứng minh điều ngược lại.

Moyes, cũng như Souness, làm việc với tôn chỉ là... giữ ghế, không phải là phát triển đội bóng theo ý họ mong muốn, tạo ra bản sắc, thu hút khán giả bằng lối chơi tích cực, và quá dễ bị chi phối bởi dư luận. Nhưng những đội bóng vĩ đại cần những HLV có cái tôi, không phải những người phục tùng cái tôi của nó.

Rodgers đang làm việc này rất tốt ở Liverpool, và có lẽ khi xem trận đấu từ trên khán đài, Sir Alex có thể đã than thầm trong bụng: Ta đã nhầm!

Phạm An



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm